Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền

09:04, 20/04/2014

Một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông (TNGT) là do ý thức người tham gia giao thông còn kém.

Một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông (TNGT) là do ý thức người tham gia giao thông còn kém.

Để giảm TNGT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, việc đổi mới, cải tiến nội dung công tác tuyên truyền về pháp luật giao thông, công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) là vấn đề cần được chú tâm nhất hiện nay. Hình thức tuyên truyền phải thu hút, nội dung phải dễ hiểu, dễ nhớ và “khắc sâu” vào người dân mỗi khi ra đường.

1. Tuyên truyền bằng clip hình ảnh thực tế, tiểu phẩm, có người của công chúng

Ban ATGT tỉnh có thể thành lập ở mỗi huyện, thị xã, thành phố một đội tuyên truyền ATGT chuyên đi tuyên truyền xuyên suốt trong năm. Thành viên đội tuyên truyền gồm nhiều lực lượng, như: công an, đoàn viên thanh niên, cán bộ Hội Phụ nữ, dân vận, thông tin lưu động… kết hợp tham gia. Đội tuyên truyền sẽ “bí mật” quay phim các đối tượng vi phạm giao thông tại địa phương, hoặc đối tượng mà mình chuẩn bị tổ chức tuyên truyền vi phạm pháp luật giao thông rồi chiếu lên, giải thích sai và nguy hiểm thế nào, giải pháp xử lý tình huống...

Việc tuyên truyền trên áo thun có thể làm phần quà trong các buổi tuyên truyền về an toàn giao thông (ảnh chụp tại một trường tiểu học tham gia dự án “tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em”)
Việc tuyên truyền trên áo thun có thể làm phần quà trong các buổi tuyên truyền về an toàn giao thông (ảnh chụp tại một trường tiểu học tham gia dự án “tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em”)

Để thu hút sự quan tâm của người dân, khi tuyên truyền, đội tuyên truyền có thể mời một ca sĩ, hoặc diễn viên tham gia; dàn dựng kịch bản đóng tiểu phẩm, chơi trò chơi… để buổi tuyên truyền không nhàm chán với lý thuyết suông. Chính những thành viên trong đội tuyên truyền này sẽ phụ trách kịch bản, diễn viên, tổ chức…

Ngoài ra, Ban ATGT có thể bổ nhiệm một “đại sứ ATGT” của tỉnh, như: các ca sĩ, diễn viên, cầu thủ… để quảng bá cho việc tuyên truyền.

2. Bảng tuyên truyền, loa tuyên truyền ở chốt đèn giao thông, bến phà

Dựng bảng tuyên truyền về ATGT ở một số chốt giao thông đèn xanh, đèn đỏ có lưu lượng phương tiện giao thông qua lại lớn. Mỗi khi dừng chờ đèn đỏ, người dân sẽ dễ nhìn thấy. Nếu có thể, sẽ tuyên truyền ngay trên bảng tên đường (như một số thành phố lớn dùng tên đường để dạy lịch sử) ở những điểm phù hợp. Những bảng hiệu này cần ghi nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về kiến thức ATGT.

Tại các bến phà, có thể chiếu clip thực tế, mở loa phát thanh tuyên truyền về ATGT. Chọn những điểm công cộng, có nhiều người qua lại để thực hiện.

Ngoài ra, ở các công ty có lượng công nhân lớn cũng có thể vận động dựng bảng tuyên truyền tại bãi xe, hoặc bên ngoài cổng công ty. 

3. Tuyên truyền tác hại của rượu bia với an toàn giao thông ở các quán nhậu, lập đội tuyên truyền lưu động về tác hại của rượu, bia

Đưa nội dung tuyên truyền tác hại của bia, rượu đối với ATGT vào trong thực đơn của quán nhậu, lắp pano tuyên truyền ở quán nhậu có tác dụng rất lớn vào suy nghĩ của “dân nhậu”, khiến “dân nhậu” sẽ thấy và giật mình, hiểu rõ hơn việc cần phải uống ít lại để còn lái xe về. Việc này có thể ảnh hưởng quyền lợi kinh tế của chủ quán, nhưng nếu đưa vào quy định bắt buộc, hoặc vận động chủ quán thì sẽ thực hiện được vì lợi ích chung của toàn xã hội.

Ngoài ra, đội tuyên truyền ATGT của mỗi huyện, thị xã, thành phố có thể thành lập đội xe máy đến các quán nhậu tuyên truyền mỗi quán chừng 5 phút về tác hại của việc uống bia, rượu trong việc tham gia giao thông bằng hình thức hát nhảy, phát tờ rơi, trò chơi trúng thưởng. Đội tuyên truyền có thể gồm 2 xe, 4 người với áp phích treo sau xe gây sự chú ý… Cũng có thể ghi nội dung lạm dụng bia, rượu có thể dẫn đến TNGT ngay trên vỏ chai bia như Nhà nước đã làm với vỏ bao thuốc lá.

4. Quán cà phê giao thông, Hội trại An toàn giao thông

Quán cà phê là nơi thường tập trung thanh niên, đặc biệt là những vùng nông thôn, nên rất phù hợp với việc tuyên truyền giao thông ở các vùng nông thôn. Có thể mô hình này do Đoàn Thanh niên lập ra, hoặc phối hợp với chủ quán, vừa kinh doanh vừa tuyên truyền. Ban ATGT có thể sẽ hỗ trợ một phần kinh phí về việc đầu tư các bảng tuyên truyền, biển báo, tờ rơi... Tại đây, có thể tổ chức “hát cho nhau nghe”, lồng ghép là tiểu phẩm hài tuyên truyền ATGT do đội tuyên truyền biểu diễn (có những phần quà hấp dẫn để thu hút người dân).

Có Hội trại tòng quân, Hội trại ma túy, Hội trại biển đảo…, thì tại sao không tổ chức Hội trại ATGT? Ở Hội trại ATGT, ngoài thiết kế các cổng trại mô hình về ATGT thì tổ chức các trò chơi về ATGT, lái xe an toàn, thi tiểu phẩm tuyên truyền, lửa trại…; đồng thời tổ chức tập huấn cách tuyên truyền ATGT cho các bạn cán bộ Đoàn cấp xã, ấp, lớp học trong tỉnh.

5. Tuyên truyền an toàn giao thông trên vé qua trạm thu phí cho giới tài xế

Vé qua trạm thu phí thường có 2 mặt, mặt trước in thông tin vé và mã quét, còn mặt sau để trống. Mặt để trống này có thể in nội dung tuyên truyền về ATGT. Để tạo sự chú ý cho tài xế, có thể sáng kiến ra nhiều nội dung phong phú thích ứng từng bộ, như: bộ biển báo, bộ lái xe an toàn, bộ xử lý tình huống… Một bộ như vậy có thể đánh số thứ tự 1 đến 50. Nếu tài xế nào sưu tập đủ một bộ như vậy sẽ được phần quà của ban tổ chức chương trình, hoặc miễn phí qua trạm thu phí một lần. Kinh phí dự thi và in ấn có thể kêu gọi xã hội hóa chính doanh nghiệp đang thu vé, hoặc Ban ATGT tỉnh sẽ hỗ trợ. Chúng ta sẽ thử nghiệm biện pháp này chừng 3-5 tháng thì sẽ có tác động, thu hút với tài xế.

Với sáng kiến này, cũng có thể in trên vé xe buýt cho tất cả các tuyến để học sinh, sinh viên, công nhân và người dân chú ý.

Ban An toàn giao thông tỉnh có thể đặt hàng sản xuất các vật dụng quen thuộc trong cuộc sống của người dân để làm phần quà hữu ích tặng người dân trong lúc tuyên truyền về an toàn giao thông, như: chìa khóa xe (bảng tuyên truyền hình chữ nhật có chữ, thiết kế nhỏ gọn, xinh xắn), bút, vỏ bọc điện thoại, áo thun, sổ ghi chép…

 

Trần Vũ

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều