Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để mất an toàn tại nút giao ngã tư Dầu Giây

08:11, 30/11/2020

Mới đây, tại buổi làm việc giữa UBND H.Thống Nhất với nhà thầu, đơn vị thi công công trình cầu vượt ngã tư Dầu Giây và các đơn vị liên quan, lãnh đạo H.Thống Nhất yêu cầu không được tiếp tục để mất an toàn giao thông trong quá trình thi công công trình này.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa UBND H.Thống Nhất với nhà thầu, đơn vị thi công công trình cầu vượt ngã tư Dầu Giây và các đơn vị liên quan, lãnh đạo H.Thống Nhất yêu cầu không được tiếp tục để mất an toàn giao thông trong quá trình thi công công trình này.

Các phương tiện lưu thông qua khu vực công trình cầu vượt ngã tư Dầu Giây (H.Thống Nhất). Ảnh: T.Hải
Các phương tiện lưu thông qua khu vực công trình cầu vượt ngã tư Dầu Giây (H.Thống Nhất). Ảnh: T.Hải

Công trình cầu vượt ngã tư Dầu Giây (H.Thống Nhất) thuộc dự án Đầu tư xây dựng khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 được khởi công từ năm 2017 đến nay vẫn chưa hoàn thành, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông tại địa phương.

* Liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông

Theo UBND H.Thống Nhất, năm 2017 khu vực này xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 5 người chết và 5 người bị thương. Năm 2018, xảy ra 5 vụ TNGT làm 4 người chết và 5 người bị thương. Đến năm 2019, xảy ra 3 vụ TNGT làm 3 người chết và 1 người bị thương. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, khu vực công trình xây dựng cầu vượt ngã tư Dầu Giây đã xảy ra 3 vụ tai nạn làm 2 người chết.

Từ ngày 19-9-2020, nhà thầu đang thi công hệ thống thoát nước dọc thuộc phần mở rộng mặt đường bên trái tuyến, đoạn từ ngã tư Dầu Giây về hướng TP.Biên Hòa đã tạm dừng thi công không rõ lý do. Trong thời gian qua, việc lưu thông qua khu vực này bị hạn chế.

Tháng 2-2017 cầu vượt ngã tư Dầu Giây được khởi công xây dựng, với mặt cắt ngang cầu là 16m gồm 4 làn xe cơ giới. Cầu có 10 nhịp, mỗi nhịp dài 34,6m. Phần nút giao được mở rộng cả trên quốc lộ 1 và 20, mở rộng các bán kính nhằm đảm bảo tốc độ lưu thông 60km/giờ. Bên cạnh đó, việc mở rộng quốc lộ 20 đoạn km 0+300 đến km 1+877 cũng được tiến hành. Dự kiến, nút giao trên sẽ hoàn thành vào tháng 3-2021.

Công tác duy tu, sửa chữa mặt đường tại khu vực nút giao cầu vượt Dầu Giây hầu như không được nhà đầu tư và đơn vị thi công quan tâm thực hiện. Mặt đường xuống cấp trầm trọng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông. Việc thi công, phân luồng, hướng dẫn giao thông, bố trí hệ thống báo hiệu đường bộ chưa hợp lý, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn và ùn tắc giao thông cao.

Theo phản ảnh của người dân sinh sống ở ngã tư Dầu Giây, kể từ khi triển khai xây dựng đến nay dự án này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà con. Không chỉ nguy cơ mất an toàn mà các biện pháp phân làn, tổ chức giao thông không được đơn vị thi công thực hiện nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, gây bụi bặm và tiếng ồn.

Ông Lê Đình Hà (ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) cho hay, mỗi lần chạy xe máy hướng từ H.Trảng Bom để rẽ vào quốc lộ 20 là luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ. Xe ô tô đi chung làn đường với xe máy nên rất dễ dẫn đến xung đột giao thông. Thực tế, ở đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, chủ yếu là do các phương tiện chạy ẩu, không nhường nhịn nhau.

“Ngã tư Dầu Giây là “điểm đen” về TNGT; nhẹ thì bị thương, nặng có thể dẫn đến chết người. Chưa kể, quốc lộ 20 với đường tỉnh 769 hiện là điểm nối hành trình vận chuyển bauxite từ tỉnh Lâm Đồng về cảng Gò Dầu nên mỗi ngày ở đây có rất nhiều xe đầu kéo, xe tải hạng nặng qua lại. Nguy cơ tai nạn luôn thường trực khiến người dân vô cùng lo lắng” - ông Hà bức xúc.

* Phải đảm bảo an toàn trong thời gian thi công

Tháng 2-2017, công trình cầu vượt ngã tư Dầu Giây chính thức được triển khai xây dựng. Là dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường huyết mạch khi qua khu vực này. Tuy nhiên, công tác thi công diễn ra chậm chạp và gián đoạn trong thời gian dài đã khiến công trình không về đích như dự kiến và chậm trễ hơn 2 năm nay.

Ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất đánh giá, dự án hoàn thành chậm không những khiến đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gây bức xúc dư luận.

Suốt gần 4 năm qua, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành và nhà thầu, đơn vị thi công công trình tiến hành hàng chục cuộc họp để giải quyết tình trạng trên. Trong đó, đơn vị chức năng tiến hành khảo sát, kiểm tra công tác phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công hạng mục xây dựng cũng như yêu cầu nhà thầu, đơn vị thi công phải khẩn trương khắc phục những bất cập.

Các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp thi công thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường như: đèn cảnh báo, chiếu sáng ban đêm, xe phục vụ thi công chở quá tải vào công trường, làm rơi vãi vật liệu xuống đường… Tuy nhiên, từ đó đến nay những tồn tại, vướng mắc chưa được xử lý triệt để.

Đại diện Công an H.Thống Nhất phân tích, nhiều vụ TNGT gây tổn thất về người và tài sản mà nguyên nhân là từ việc thi công không bảo đảm an toàn, thiếu trách nhiệm. Hiện tại, mỗi ngày, Công an huyện phải túc trực 2 ca, mỗi ca đến 3 người mới điều tiết được giao thông tạm ổn định.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Văn Mậu, Phó tổng giám đốc Công ty BT20 - Cửu Long (chủ đầu tư dự án) cho biết, dự án chậm tiến độ do thiếu vốn khi bị đội lên 134 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Đơn vị đang tích cực huy động các nguồn vốn để có thể thông xe cầu vượt Dầu Giây trước Tết Nguyên đán 2021, nhằm giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông tại đây.

Trong đó, để đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực này, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GT-VT) đã thuê một đơn vị thi công thuộc Công ty 775 Tổng cục Đường bộ Việt Nam để sửa chữa các hư hỏng tạm thời, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.

Thanh Hải

Tin xem nhiều