Loạt Megastory: Xóa mọi điểm nghẽn, 'vẽ lại' bản đồ giao thông cho vùng đầu tàu Đông Nam Bộ:
Kỳ cuối: Hạ tầng giao thông phải làm nhiệm vụ 'mở toang' không gian phát triển cho toàn Đông Nam Bộ
.

Loạt Megastory: Xóa mọi điểm nghẽn, 'vẽ lại' bản đồ giao thông cho vùng đầu tàu Đông Nam Bộ:
Kỳ cuối: Hạ tầng giao thông phải làm nhiệm vụ 'mở toang' không gian phát triển cho toàn Đông Nam Bộ

06:40, 29/03/2024
 
 

Hạ tầng giao thông lâu nay vẫn được xem là “điểm nghẽn” lớn nhất trong quá trình bứt tốc phát triển của vùng Đông Nam Bộ. Chính vì vậy, với hàng loạt dự án trên tất cả các loại hình giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng, kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của vùng Đông Nam Bộ cũng đang được dần hiện thực hóa.

Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao sẽ mở ra những không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.

 

Theo kế hoạch, đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ trong năm 2026. Do đó, cùng với việc tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tiến độ dự án, các địa phương có tuyến đường đi qua cũng đang hoàn thiện quy hoạch để khai thác không gian phát triển mới dọc tuyến đường này.

Theo UBND tỉnh, để khai thác lợi thế phát triển khi đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đi vào khai thác, các cơ quan chức năng của tỉnh đang nghiên cứu, quy hoạch để tạo dựng quỹ đất, mở ra các không gian phát triển mới cho tỉnh.

Hệ thông đường cao tốc đang được tăng tốc đầu tư xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy
sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới. Ảnh: Phạm Tùng
Hệ thông đường cao tốc đang được tăng tốc đầu tư xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới. Ảnh: Phạm Tùng

Tương tự, Đồng Nai hiện đang lập đồ án quy hoạch phát triển đô thị cũng như vùng phụ cận Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai đã ban hành kế hoạch thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch chung đô thị Sân bay Long Thành và vùng phụ cận. Việc tổ chức thi tuyển quốc tế nhằm thu hút các ý tưởng quy hoạch, sáng tạo, độc đáo từ các chuyên gia, nhà quy hoạch trong và ngoài nước. Từ đó, chọn phương án quy hoạch tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. “Từ kết quả cuộc thi sẽ xem xét, lựa chọn các ý tưởng hay, đột phá, nội dung quan trọng để đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần quan điểm về tầm quan trọng đặc biệt của hạ tầng giao thông đối với sự phát triển của đất nước. Đó là, “giao thông đi trước mở đường”, “đường mở đến đâu, dân giàu đến đó”.

Đối với kết nối vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng bao gồm kết nối kinh tế, kết nối giao thông, kết nối an ninh quốc phòng, kết nối các nguồn tài nguyên. Về giao thông, cần phát triển mạnh cả 5 phương thức, lấy giao thông hàng không và hàng hải để đẩy mạnh kết nối quốc tế, các phương thức còn lại (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa) để kết nối trong nước.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng, hệ thống giao thông sẽ là động lực lớn để vùng Đông Nam Bộ phát triển trong thời gian tới. “Hàng không thì có Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Long Thành. Đường biển sẽ có Cảng Cái Mép - Thị Vải và lâu dài là Cảng Cần Giờ” - ông Võ Văn Minh chia sẻ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, thời gian tới, với hệ thống đường cao tốc, vành đai, đường sắt được kết nối đồng bộ, vùng Đông Nam Bộ sẽ hình thành 2 tâm phát triển mới là Sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải.

 

Tại phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào giữa tháng 12-2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ phải thay đổi tư duy phát triển khép kín, cục bộ sang liên kết với các vùng, địa phương khác về cả kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch… bằng các hành lang phát triển, đô thị được kết nối bằng hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.

Hệ thống cảng biển vùng Đông Nam Bộ hiện đang đảm nhận hơn 60% khối lượng
hàng container và 45% tổng khối lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Ảnh: Phạm Tùng
Hệ thống cảng biển vùng Đông Nam Bộ hiện đang đảm nhận hơn 60% khối lượng hàng container và 45% tổng khối lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Ảnh: Phạm Tùng

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển hiện đại, có thu nhập cao, các chuyên gia cho rằng, cần mở rộng không gian phát triển vùng để giảm bớt áp lực khu vực trung tâm thông qua ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại (giao thông, logistics, năng lượng, cấp thoát nước, hạ tầng số...). Trên thực tế, việc đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ không chỉ giúp vùng Đông Nam Bộ mở rộng được không gian phát triển mà đây còn là bệ đỡ để vùng hình thành nên các mô hình phát triển mới.

Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho hay, với việc quy hoạch phát triển hệ thống metro, hiện nay thành phố cũng đang nghiên cứu để phát triển các khu đô thị cạnh các đầu mối giao thông theo mô hình TOD. “Quá trình nghiên cứu, việc phát triển đô thị TOD sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi 4 cấp độ, tức các khu đô thị có bán kính từ 10km, 20km, 30km, 40km so với các đầu mối giao thông, mà còn mở rộng liên kết với các địa phương khác” - ông Bùi Xuân Cường cho biết.

Sân bay Long Thành giai đoạn 1 khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác
năm 2026 sẽ là tâm điểm của mạng lưới giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ
(Phối cảnh nhà ga hành khách Sân bay Long Thành giai đoạn 1). Ảnh: Phạm Tùng
Sân bay Long Thành giai đoạn 1 khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác năm 2026 sẽ là tâm điểm của mạng lưới giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ (Phối cảnh nhà ga hành khách Sân bay Long Thành giai đoạn 1). Ảnh: Phạm Tùng

Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, mà hiện nay Đồng Nai, Bình Dương cũng đang tiến hành tích hợp mô hình phát triển TOD trong quy hoạch tỉnh.

Không chỉ phát triển đô thị, hệ thống hạ tầng giao thông được làm mới cũng là tiền đề quan trọng để phát triển ngành dịch vụ logistics, du lịch. “Để xây dựng mô hình logistics hiệu quả, các địa phương đã kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, xây dựng kế hoạch liên vùng về phát triển logistics. Trong đó, phân công rõ từng lĩnh vực đối với từng địa phương để tránh cạnh tranh, trùng lặp làm giảm hiệu quả” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay.

 
 
Từ khóa:

hạ tầng

đông nam bộ

hạ tầng giao thông

Xem thêm bình luận