Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình

11:08, 19/08/2012

Theo kế hoạch đề ra, từ tháng 8 này, các cấp ủy sẽ lần lượt tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

 

Theo kế hoạch đề ra, từ tháng 8 này, các cấp ủy sẽ lần lượt tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Để việc thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đạt kết quả, ngay từ đầu tháng 6, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.

* Phải trung thực trong kiểm điểm

Kế hoạch nêu rõ: kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nhằm làm rõ những yếu kém về xây dựng Đảng hiện nay mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra. Trong đó, vấn đề quan trọng là để ngăn chặn, khắc phục, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Lấy ý kiến của các đồng chí cán bộ lão thành về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Ảnh: P. Hằng
Lấy ý kiến của các đồng chí cán bộ lão thành về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Ảnh: P. Hằng

Kế hoạch cũng chỉ rõ, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nói trên sẽ được tiến hành theo thứ tự: Tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; người đứng đầu kiểm điểm trước, các thành viên kiểm điểm sau. Cụ thể là đối với cấp tỉnh: tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trước; Bí thư Tỉnh ủy và các ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy kiểm điểm sau.

Ở cấp huyện và tương đương: các cấp ủy trực thuộc tỉnh, các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan kiểm điểm trước; bí thư các cấp ủy trực thuộc tỉnh, Bí thư Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, ủy viên Ban thường vụ các cấp ủy, ủy viên ban cán sự Đảng, ủy viên Đảng đoàn, cấp ủy viên kiểm điểm sau. Đối với các tỉnh ủy viên đang công tác ở địa phương thì kiểm điểm tại tập thể Ban thường vụ cấp ủy địa phương; các Tỉnh ủy viên đang công tác ở các sở, ngành và tương đương thì kiểm điểm ở ban cán sự Đảng, Đảng đoàn hoặc tập thể lãnh đạo đơn vị công tác.

Ở cấp cơ sở: tập thể Đảng ủy, chi ủy kiểm điểm trước, bí thư, đảng ủy viên, chi ủy viên, đảng viên kiểm điểm sau. Riêng đối với đảng viên đã nghỉ hưu, sinh hoạt ở chi bộ nào thì kiểm điểm ở chi bộ đó...

Tất cả các đối tượng nêu trên đều phải tiến hành kiểm điểm theo nội dung: về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; việc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm. Trách nhiệm của tổ chức Đảng, đảng viên, người đứng đầu về những hạn chế, khuyết điểm của tập thể và cá nhân. Những hạn chế yếu kém trong công tác cán bộ. Những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”...

* Sẽ kiểm điểm lại nếu không đạt yêu cầu

Khi tiến hành kiểm điểm những nội dung trên, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban thường vụ các cấp ủy, các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn trực tiếp chỉ đạo thực hiện kiểm điểm theo 3 bước. Bước 1: Lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức có liên quan và thuộc cấp mình; lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên là cấp ủy viên, nguyên là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã nghỉ hưu và gợi ý kiểm điểm (nếu có) đối với tập thể cấp dưới và cá nhân thuộc quyền quản lý. Bước 2: Tiếp thu ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm (nếu có); sau đó xây dựng báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân và tiến hành kiểm điểm. Bước 3: Báo cáo kết quả kiểm điểm và thông báo các tiếp thu góp ý.

Với tính chất đặc biệt quan trọng của việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đợt này, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành nhấn mạnh, kết quả kiểm điểm là căn cứ xem xét, sàng lọc và xây dựng đội ngũ cán bộ của mỗi địa phương, đơn vị gắn với quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý. Ban thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm điểm bổ sung hoặc kiểm điểm lại đối với tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng, cá nhân thuộc cấp mình quản lý nếu xét thấy kiểm điểm không đạt yêu cầu.

Là người chịu trách nhiệm trước hết và cao nhất trước Ban chấp hành Trung ương, Ban chấp hành Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy sẽ chủ động, tích cực cùng Ban thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong kế hoạch của Tỉnh ủy; đồng thời nghiêm túc và gương mẫu thực hiện tự kiểm điểm theo tinh thần chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương để làm gương trong toàn Đảng bộ thực hiện việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.

Phương Hằng

 

 

Tin xem nhiều