Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật chưa rõ, khó thực thi

10:09, 25/09/2013

Hơn 10 năm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, đến nay 2 luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Hơn 10 năm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, đến nay 2 luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, cho rằng quy định của 2 luật này còn chung chung, chưa chi tiết, thiếu hướng dẫn thi hành nên tính khả thi thấp, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các cơ quan Quốc hội cũng như Đoàn ĐBQH.

* Quy định chưa rõ

Theo ông Huỳnh Văn Lưu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Luật Tổ chức Quốc hội chưa có quy định cụ thể về địa vị pháp lý của các vị ĐBQH. Phần lớn đại biểu kiêm nhiệm, do bận công việc chuyên môn nên khó thực hiện chức năng giám sát các vấn đề lớn, như: ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, công tác quy hoạch sử dụng đất, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo công dân... Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của ĐBQH, Đoàn ĐBQH.

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng (bìa phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thăm hỏi về bữa ăn công nhân tại Công ty Hwa Seung Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1).
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng (bìa phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thăm hỏi về bữa ăn công nhân tại Công ty Hwa Seung Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1).

Một trong những bất cập của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội là chưa quy định cụ thể phạm vi, đối tượng, hình thức, trình tự, thủ tục tiến hành và hậu quả pháp lý sau giám sát đối với hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội và Đoàn ĐBQH. Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Ngôn, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, phân tích do pháp luật chưa có chế tài đủ mạnh buộc các cơ quan phải xem xét nghiêm túc và trả lời các yêu cầu của Đoàn ĐBQH, nên các kiến nghị chỉ dừng lại ở việc báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chứ không đi đến cùng vụ việc được. Vì vậy, tình trạng một số kiến nghị, khiếu nại của công dân thông qua các ĐBQH, Đoàn ĐBQH gửi đến các cơ quan chức năng không được giải quyết đến nơi đến chốn còn nhiều.

* Tăng cường giám sát

Trên cơ sở tổng kết việc thi hành Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu xem xét bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung sau: tăng số lượng, chất lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách; xác định rõ mối quan hệ của các cơ quan Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH với các cơ quan Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xác định rõ vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn chuyên trách. Trong công tác giám sát cần quy định cụ thể phạm vi, đối tượng, hình thức, cách thức tiến hành giám sát và hậu quả pháp lý sau giám sát; quy định cụ thể về hình thức giám sát chuyên đề; quy định rõ về hình thức chế tài sau giám sát...

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị những nội dung giám sát của Đoàn ĐBQH cần được chuẩn bị càng sớm càng tốt để UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động trả lời; tránh cử người tham dự không đúng chức trách, nhiệm vụ; tập trung giải quyết vấn đề chung, ảnh hưởng đến số đông. Sau các cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh sẽ có hướng chỉ đạo cho các sở, ngành thực hiện giải quyết các kiến nghị nghiêm túc để chất lượng giám sát ngày càng tốt hơn.

Ông Trương Văn Vở cho biết, thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục cải tiến đổi mới phương thức hoạt động giám sát, dành nhiều thời gian giám sát, khảo sát ở cơ sở để thu thập thông tin, phát huy vai trò của ĐBQH chuyên trách ở địa phương; huy động chuyên gia đầu ngành có kiến thức chuyên sâu đối với lĩnh vực liên quan để giúp thông tin chính xác hơn; tăng cường giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của cơ quan có thẩm quyền và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát...

Bà Nguyễn Thị Thu Lan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, cũng nhất trí với quan điểm cần có các chuyên gia tham gia vào công tác giám sát của đoàn ĐBQH.

Ngọc Thư

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích