Báo Đồng Nai điện tử
En

Dập dồn đường lên Tây Bắc

10:04, 14/04/2014

Nhớ lại những ngày hành quân lên chảo lửa Điện Biên, Trung tướng Lê Nam Phong, 87 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), nguyên Hiệu trưởng Trường sĩ quan lục quân 2 (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa), nguyên Đại đội trưởng Đại đội 225, Tiểu đoàn 232, Trung đoàn Tu Vũ (Đại đoàn Quân Tiên Phong) kể:

Nhớ lại những ngày hành quân lên chảo lửa Điện Biên, Trung tướng Lê Nam Phong, 87 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), nguyên Hiệu trưởng Trường sĩ quan lục quân 2 (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa), nguyên Đại đội trưởng Đại đội 225, Tiểu đoàn 232, Trung đoàn Tu Vũ (Đại đoàn Quân Tiên Phong) kể:

Trung tướng Lê Nam Phong (trái) đang kể lại những kỷ niệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: H.Đ.Thành
Trung tướng Lê Nam Phong (trái) đang kể lại những kỷ niệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: H.Đ.Thành

“Từ giữa năm 1953, các đại đoàn quân tinh nhuệ của ta từ Thượng Lào, Thanh Hóa, Hòa Bình cơ động đến Tây Bắc chuẩn bị cho chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ). Đơn vị tôi cũng gấp rút hành quân để kịp thời nhận nhiệm vụ mới. Dọc đường lên Tây Bắc hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng. Những đoàn người dập dồn chân bước, hối hả hành quân. Ban ngày, qua làng bản đồng bào vui mừng chào đón khiến tâm trạng chúng tôi càng thêm rạo rực, vơi bớt mệt nhọc, vất vả dặm trường. Ban đêm, đuốc dân công, đèn xe thồ như sao sa trên suốt chặng đường.

Lực lượng đông đảo nhất, hùng hậu nhất là dân công Thanh Hóa. Ngày ấy cứ gặp dân công Thanh Hóa là chúng tôi rất yên tâm, không lo thiếu lương thực, đạn dược. Mãi sau này tổng kết chiến dịch tôi mới biết, anh chị em dân công Thanh Hóa đã vận chuyển ra mặt trận Điện Biên hơn 10 ngàn tấn lương thực, thực phẩm, chiếm 80% so với tổng số chung của toàn chiến dịch. Tinh thần xả thân dũng cảm, ngoan cường của quân và dân Thanh Hóa trên mặt trận là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ, trận đánh lịch sử, diễn ra trong suốt 55 ngày đêm gian khổ, hiểm nguy để làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”. Trong trận đọ sức ấy, những đơn vị chủ lực của quân đội ta được huy động tối đa lên vùng Tây Bắc với khí thế hừng hực quyết tâm tiêu diệt quân xâm lược, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ.

Đường ra mặt trận vô cùng hiểm trở với bao núi cao, vực thẳm. Những vách đứng chênh vênh, hun hút, những con đường gập ghềnh, khúc khuỷu nằm vắt trên sườn đồi cũng không làm cho đoàn quân ta chùn bước. Họ vẫn vượt núi băng rừng, đạp bằng chông gai hướng về Điện Biên với quyết tâm sắt đá. Từng người, từng người tay xách súng, vai mang nặng ba lô, đạn, gạo… miệt mài sải bước. Trên gương mặt những người lính trẻ dường như không hề biết mệt nhọc. Trong lúc nghỉ ngơi hoặc trước khi đi ngủ, ở các đơn vị bộ binh, từng tổ ba người khoét chung một hố nhỏ, lót tấm ny-lông bên dưới rồi đổ nước ấm pha muối loãng để cùng ngâm chân. Còn với các đơn vị ô tô vận tải, xe kéo pháo thì may mắn hơn, không phải hành quân bộ nhưng lại vô cùng mệt nhọc khi phải đẩy pháo, kéo pháo, thậm chí phải tháo rời từng bộ phận vác qua những đoạn đường nhỏ, hẹp, dốc cao chót vót…”.

Thời gian hành quân kéo dài nhiều tháng để lại bao kỷ niệm trong tâm trí những người chiến sĩ. Dịp tết năm 1954 cũng là thời điểm mà nhiều đơn vị khẩn trương tiếp cận chiến trường Điện Biên Phủ, sẵn sàng trước giờ nổ súng. Đơn vị của Đại đội trưởng Lê Nam Phong khi ấy đang cơ động qua một cánh rừng Tây Bắc thì nhận được lệnh trú quân đón giao thừa. Giữa cánh rừng bạt ngàn âm u, họ đã có một đêm giao thừa đầy ấn tượng. Trung tướng Lê Nam Phong hồi tưởng:

“Mải miết hành quân, anh em chẳng còn nghĩ gì đến tết. Cho tới khi thấy hoa mận nở trắng rừng, lại được dân công hỏa tuyến tặng bánh, kẹo, thuốc lá chúng tôi mới sực nhớ ra sắp đón thêm tuổi mới. Chiều tất niên, hành quân tới đồi Khâu Vát chúng tôi được lệnh dừng lại, đào công sự, hầm trú ẩn để nghỉ chân. Cái lạnh vùng Tây Bắc như cắt da, cắt thịt xen lẫn những hạt mưa xuân làm lòng người nôn nao nỗi nhớ. Hoàn thành công sự cũng là lúc tiếng pháo giao thừa nhà ai nổ sớm. Tôi liền triển khai kế hoạch canh gác, cắt cử lực lượng trực chiến rồi tập hợp số anh em còn lại về hầm đại đội đón giao thừa.

Trước đó, trong lúc chỉ huy bộ đội đào công sự tôi nhìn thấy một cây mận bên bờ suối nở hoa trắng xóa. Chợt nhớ cánh hoa đào ngày xuân nên tôi bước tới đánh dấu vị trí và “tia” một cành nhiều hoa nhất. Gần đến phút giao thừa, anh em bày bánh kẹo ra, tôi tìm đến chỗ đã đánh dấu, bẻ cành mận mang vào cắm giữa hầm. Ai cũng bất ngờ. Mấy chiến sĩ trẻ ồ lên đầy ngưỡng mộ. Nhưng vui hơn khi Chính trị viên đại đội Nguyễn Thanh Cù đề xuất chương trình văn nghệ với chủ đề  “Mừng Đảng, mừng xuân”. Ai cũng hát, người cả bài, người vài ba câu, vừa hát vừa kể chuyện quê nhà. Cả căn hầm nhộn nhịp hẳn lên. Cán bộ, chiến sĩ quây quần bên nhau, thân thiết như anh em một nhà, tạm quên đi những hiểm nguy phía trước”.

Sau đêm giao thừa, từng đoàn quân lại hối hả lên đường. Trước mặt họ là bom đạn chiến tranh khốc liệt, là gian khổ, mất mát, hy sinh nhưng khí phách quật cường và lòng yêu nước đã nâng bước những bàn chân không mỏi, đưa họ tới gần thắng lợi cuối cùng.

Hoàng Đình Thành

 
 

 

Tin xem nhiều