Báo Đồng Nai điện tử
En

Điểm mới về chính quyền địa phương

10:04, 23/04/2014

Chương Chính quyền địa phương trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có một số quy định mới rất quan trọng. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, đồng chí Trần Văn Tư, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết:

Chương Chính quyền địa phương trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có một số quy định mới rất quan trọng. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, đồng chí Trần Văn Tư, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết:

- Các quy định trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 về chính quyền địa phương đã kế thừa nhiều quy định của Hiến pháp năm 1992, đồng thời bổ sung nhiều điểm mới “mở đường” cho việc tiếp tục đổi mới thể chế về chính quyền địa phương trong thời gian tới. Hiến pháp sửa đổi đã tạo cơ sở cho việc quy định mở về chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Nếu coi Hiến pháp năm 1992 hướng tới đổi mới chính quyền ở Trung ương (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao) thì Hiến pháp năm 2013 hướng tới đổi mới chính quyền địa phương (HĐND và UBND).

* Tính chất “quyền lực Nhà nước ở địa phương” của HĐND tiếp tục được khẳng định tại chương Chính quyền địa phương của Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Ý kiến của đồng chí  về vấn đề này như thế nào?

- Tính chất “quyền lực Nhà nước ở địa phương” của HĐND tiếp tục được khẳng định tại Điều 113 Hiến pháp sửa đổi là một sự khẳng định nhất quán, dứt khoát và rõ ràng. Bởi vì tính chất “quyền lực Nhà nước” của HĐND xuất phát từ vị trí là cơ quan “đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Đồng thời cũng là thể hiện địa vị pháp lý của HĐND, một chủ thể mang tính đại diện của Nhân dân phải giữ vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, từ đó HĐND có đủ thẩm quyền để xem xét và quyết định các vấn đề lớn của địa phương theo quy định của pháp luật và theo phân cấp.

Theo Hiến pháp sửa đổi, HĐND vẫn được xác định rõ là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Trong ảnh: Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh khảo sát hoạt động các dịch vụ văn hóa tại huyện Định Quán.
Theo Hiến pháp sửa đổi, HĐND vẫn được xác định rõ là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Trong ảnh: Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh khảo sát hoạt động các dịch vụ văn hóa tại huyện Định Quán. (Ảnh: V.Truyên)

* Một trong những điểm mới rất quan trọng được quy định ở chương Chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013 là có sự xuất hiện “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” do Quốc hội thành lập. Đồng chí có thể giải thích rõ hơn ý nghĩa của vấn đề này?

- Hiến pháp sửa đổi đã quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Theo đó, một trong những điểm mới rất quan trọng được Hiến pháp ghi nhận, được các tầng lớp trong xã hội đồng tình, dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm đó là có sự xuất hiện “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” do Quốc hội thành lập. Điều này cho phép trong những trường hợp đặc biệt, sẽ có những đơn vị hành chính được Quốc hội thành lập có tổ chức, bộ máy đặc thù, gắn với điều kiện địa lý, không gian riêng không giống với các đơn vị hành chính ở nước ta như hiện nay theo Hiến pháp năm 1992. Việc tổ chức HĐND và UBND hiện nay đều giống nhau ở các loại đơn vị hành chính tạo ra sự cứng nhắc, ít phân biệt được sự khác nhau trong quản lý hành chính Nhà nước ở đô thị với nông thôn, miền núi, hải đảo và cũng không bảo đảm được tính tập trung cao từ Trung ương xuống địa phương.

“Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi từ Luật Tổ chức HĐND và UBND) sẽ được Chính phủ xây dựng để trình Quốc hội vào tháng 5-2015. Đối với cơ quan dân cử ở địa phương, hiện nay đang thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 67 huyện, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng Nai là địa phương không thực hiện thí điểm nhưng từ thực tế hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh cho thấy, nếu không tổ chức HĐND cấp huyện, xã sẽ có những “khoảng trống” trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà HĐND các cấp này đang đảm nhận. Từ đó đặt ra vấn đề: Những khoảng trống này sẽ do cơ quan nào lấp đầy. Đây chính là một trong những điều tôi quan tâm trong xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương thời gian tới”.

* Đồng chí có thể giải thích rõ hơn về quy định: việc tổ chức cấp chính quyền địa phương được thực hiện phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định?

- Việc tổ chức cấp chính quyền địa phương được thực hiện phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, không quy định cụ thể trong Hiến pháp mà được quy định ở các đạo luật chuyên ngành. Theo tôi, quy định này là cần thiết, phù hợp đặc điểm và nội dung của Hiến pháp – đạo luật cơ bản của Nhà nước; phù hợp chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta về cải cách hành chính, đẩy mạnh hội nhập; phù hợp với yêu cầu về đổi mới phương pháp xây dựng pháp luật trong giai đoạn hiện nay. Điều này tạo ra hướng mở trong việc tổ chức quyền lực ở địa phương trên nguyên tắc đảm bảo phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương nhưng tạo điều kiện để phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Xin cảm ơn đồng chí!

Ngọc Thư (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều