Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiến pháp sửa đổi 2013: Đề cao chủ quyền Nhân dân

10:04, 16/04/2014

Đây là một trong những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 được GS.TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Quốc hội, Thường trực Ban Sửa đổi Hiến pháp, tập trung phân tích tại hội nghị tập huấn tuyên truyền Hiến pháp cho phóng viên các cơ quan báo chí các tỉnh phía Nam mới được tổ chức ở TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

Đây là một trong những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 được GS.TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Quốc hội, Thường trực Ban Sửa đổi Hiến pháp, tập trung phân tích tại hội nghị tập huấn tuyên truyền Hiến pháp cho phóng viên các cơ quan báo chí các tỉnh phía Nam mới được tổ chức ở TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

GS.TS Trần Ngọc Đường trả lời phỏng vấn phóng viên các cơ quan báo chí bên lề hội nghị.
GS.TS Trần Ngọc Đường trả lời phỏng vấn phóng viên các cơ quan báo chí bên lề hội nghị.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, trong Hiến pháp 2013 đã thể hiện sâu sắc vấn đề quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Đặc biệt chủ quyền Nhân dân được đề cao một cách nhất quán, thống nhất, xuyên suốt trong toàn bộ bản Hiến pháp.

* Nhân dân có quyền lập hiến

GS.TS Trần Ngọc Đường phân tích tư tưởng đề cao chủ quyền Nhân dân không phải chỉ trong bản Hiến pháp 2013 mới có, mà ở các bản Hiến pháp trước đây cũng đã có quy định này nhưng không nhất quán, không thống nhất. Hiến pháp 2013 đã có những nội dung mới thể hiện đầy đủ hơn về vấn đề “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Tiêu biểu nhất là, ngay từ lời nói đầu của bản Hiến pháp đã xác định Nhân dân là người: “Xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp”. Qua đó khẳng định Nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến. Bằng quyền lập hiến của mình, Nhân dân ủy thác quyền lập pháp cho Quốc hội, quyền hành pháp cho Chính phủ và quyền tư pháp cho tòa án.

Lần đầu tiên hai chữ “Nhân dân” được viết hoa trong Hiến pháp nhằm khẳng định bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân.

Hiến pháp sửa đổi đã thừa nhận Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước. Đây là một tư tưởng mới so với Hiến pháp năm 1992. Tại Điều 83 Hiến pháp 1992 quy định: “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”. Tuy nhiên, quy định này không thống nhất với Điều 2 của Hiến pháp 1992: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Để khắc phục điều  này, Hiến pháp 2013 đã xác định rõ, Quốc hội không phải là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến. Quốc hội được Hiến pháp (tức là Nhân dân) giao cho một số quyền của quyền lập hiến, như: đề xuất sửa đổi Hiến pháp, thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, thảo luận và biểu quyết thông qua Hiến pháp...

GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, việc thừa nhận quyền lập hiến là quyền lực gốc, là quyền của Nhân dân, quyền lực cao hơn quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng. Từ nay trở đi có thể nói Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và HĐND như quy định của các Hiến pháp trước đây mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, bằng biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

* Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, ngoài việc khẳng định Nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến, Hiến pháp sửa đổi lần này còn rất nhiều điều thể hiện sâu sắc và nhất quán tư tưởng đề cao chủ quyền Nhân dân. Cụ thể như, Hiến pháp tiếp tục khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam không những là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” mà còn “gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân” và bổ sung thêm quy định: “chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

“Tư tưởng Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, là chủ thể của quyền lập hiến được thể hiện trong Hiến pháp 2013 là một tư duy mới, khác hoàn toàn tư duy trước đây. Theo tư duy trước đây, Hiến pháp là của Nhà nước, pháp luật là Nhà nước. Nhưng Hiến pháp mới đã khẳng định, Hiến pháp, pháp luật là của Nhân dân, ban hành ra trước hết để quản lý Nhà nước, sau đó mới quản lý xã hội. Sau này xây dựng pháp luật cũng phải xuất phát từ mục đích trước tiên là để quản lý Nhà nước, để Nhà nước làm đúng, làm đủ nhiệm vụ, quyền hạn Nhân dân giao”.

Đồng thời, Hiến pháp sửa đổi lần này đã khẳng định MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân, không những đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân mà còn bổ sung vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với tổ chức và hoạt động của Nhà nước (Điều 9). Cũng theo Hiến pháp sửa đổi, Công đoàn Việt Nam không chỉ là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động mà còn đóng vai trò “tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước…”.

GS.TS Trần Ngọc Đường nhận xét, việc bổ sung các quy định vai trò mới nói trên rất quan trọng. Đây là cơ sở hiến định rất tốt để thực hiện chủ quyền của Nhân dân; từng bước sẽ được thể chế hóa bằng các điều luật để kiểm soát quyền lực Nhà nước từ phía Nhân dân.

Ngọc Thư (ghi)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều