Báo Đồng Nai điện tử
En

Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với các nước bạn bè truyền thống

02:11, 20/11/2014

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Cộng hòa Belarus A.Lukashenko, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus từ ngày 23-28/11.

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Cộng hòa Belarus A.Lukashenko, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus từ ngày 23-28/11.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và hai nước bạn, nhất là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga

Quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga thời gian gần đây đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Hai bên thực sự coi trọng và có nhu cầu hợp tác với nhau trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Vị trí của mỗi nước trong chính sách đối ngoại của nhau tăng đáng kể.

Việt Nam coi Nga là ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại với tư cách là nước bạn bè truyền thống, một cường quốc thế giới và đối tác chiến lược toàn diện.

Vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga được nâng cao đáng kể, trở thành đối tác chiến lược quan trọng của Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á.

Quan hệ chính trị giữa hai nước có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam ngày 12/11/2013 của Tổng thống V.Putin (cũng là chuyến thăm thứ ba của ông trên cương vị Tổng thống) và chuyến thăm Nga sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, tạo xung lực mới thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng phát triển năng động.

Quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại thời gian qua phát triển năng động dù chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Kim ngạch thương mại năm 2013 đạt gần 4 tỷ USD, tám tháng năm 2014 đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Hai nước duy trì cơ chế Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật.

Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan đã tiến hành bảy vòng đàm phán về Hiệp định thương mại tự do và đang đặt mục tiêu hoàn tất vào cuối năm 2014, phấn đấu đạt mục tiêu đưa kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020.

Hiện có 92 dự án đầu tư của Liên bang Nga vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 2,05 tỷ USD. Nga đứng thứ 18 trong số 101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam . Đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm gần đây cũng tăng nhanh. Từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD, hiện Việt Nam có 17 dự án đầu tư tại Nga với tổng số vốn đầu tư là 2,5 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, thương mại...

Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Nga gồm Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet và dự án Trung tâm thương mại Hà Nội-Moskva. Hai bên đã thành lập Tổ công tác cấp cao về các dự án ưu tiên Việt-Nga, đã xác định 17 dự án ưu tiên, sẽ góp phần quan trọng tăng cường quan hệ đầu tư hiện nay giữa hai nước.

Hợp tác năng lượng cũng được thúc đẩy. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba.

Hai bên cũng đạt thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các nhà máy điện ở Việt Nam, trong đó có Nhà máy điện nguyên tử đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận.

Hợp tác du lịch, giáo dục tiếp tục được phát triển. Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt-Nga. Hai bên tổ chức thường niên và luân phiên những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam và những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga.

Về du lịch, Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam đón gần 300.000 lượt khách du lịch Nga và chín tháng năm 2014 đón khoảng 270.000 người.

Hợp tác giáo dục-đào tạo được mở rộng, hiện có gần 6.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Nga. Hai bên đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt-Nga tại Việt Nam trên cơ sở tín dụng Nhà nước Nga.

Hợp tác địa phương tiếp tục được tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Nhiều địa phương đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhau, đặc biệt giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Moskva, Saint Peterbourg. Tháng 11/2013, Trung tâm Văn hóa-Thương mại Hà Nội được khai trương tại Moskva.

Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga có khoảng 80.000 người, sống rải rác ở 62 tỉnh, thành phố của Nga. Phần lớn bà con kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ. Hiện nay tính chất công việc làm ăn đã chuyển dần từ kinh tế chợ sang kinh doanh tại các trung tâm thương mại. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng lên...

Củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Belarus

Việt Nam và Belarus có quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Thời gian qua, hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực và hiệu quả. Quan hệ chính trị hai nước không ngừng được củng cố và phát triển. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, kể cả cấp cao nhất.

Hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước thời gian qua có những bước phát triển tích cực, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Belarus năm 2013 đạt 152 triệu USD, giảm 13% so với năm 2012, trong đó chủ yếu Việt Nam nhập khẩu từ Belarus 138,3 triệu USD và xuất khẩu đạt gần 14 triệu USD.

Việt Nam xuất sang Belarus những mặt hàng như thủy sản, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, cao su tự nhiên, hạt điều, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính...; nhập khẩu phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ôtô, máy kéo, ôtô tải, hóa chất...

Để cân bằng cán cân thương mại, lãnh đạo Việt Nam và Belarus đã thống nhất tích cực, chủ động khai thác các lĩnh vực tiềm năng và thế mạnh hợp tác của mỗi nước, có biện pháp triển khai thỏa thuận đã đạt được trong các lĩnh vực như: Sản xuất công, nông nghiệp, thành lập các liên doanh chế biến sữa, hàng nông, thủy sản, phân bón, dược phẩm, ôtô tải, ôtô buýt, máy kéo chất lượng cao.

Giáo dục đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước. Belarus khẳng định xem xét giải quyết vướng mắc trong việc cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Belarus theo Hiệp định liên chính phủ.

Hợp tác thông tin-truyền thông giữa hai nước được tăng cường, đặc biệt là thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý về xuất bản báo chí, trao đổi bản quyền miễn phí các tác phẩm có giá trị nhằm góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, đồng thời tạo kênh thông tin với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.

Hợp tác lao động là hướng hợp tác mới triển vọng giữa hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty xây dựng của Belarus đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại công trình xây dựng khu thể thao giải trí tại Thủ đô Minsk.

Việt Nam sẵn sàng cung cấp lao động có tay nghề và trình độ cao cho Belarus trong các lĩnh vực như y tế, xây dựng, may mặc...

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở Belarus có khoảng 600 người, nhìn chung được chính quyền tạo điều kiện tương đối thuận lợi trong học tập, cư trú và kinh doanh theo pháp luật nước sở tại.

Tháng 12/2006, Tổng thống Lukashenko đã cho phép những công dân Việt Nam lao động, học tập tại Belarus trước năm 1992 được định cư hợp tác lâu dài tại Belarus./.
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều