Báo Đồng Nai điện tử
En

Không gì bằng xây dựng pháo đài ngay giữa lòng dân

09:12, 19/12/2014

18 tuổi, vừa bước chân vào Đại học sư phạm, Vũ Đức Hinh nhận được lệnh động viên nhập ngũ giữa lúc Mỹ đang bắn phá ác liệt miền Bắc. Sau 3 tháng huấn luyện, ông đã trải qua nhiều chiến trường cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng...

18 tuổi, vừa bước chân vào Đại học sư phạm cậu thanh niên Vũ Đức Hinh nhận được lệnh động viên nhập ngũ giữa lúc Mỹ đang bắn phá ác liệt miền Bắc. Chỉ sau 3 tháng huấn luyện, ông hành quân vào chiến trường Quảng Trị và trải qua nhiều chiến trường cho đến ngày giải phóng 30-4-1975. Năm 1979, ông lại cùng đồng đội lên tuyến đầu của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Cho tới năm 1987, ông mới quay về ghế nhà trường quân đội. Đến nay, PGS.TS - Nhà giáo ưu tú Vũ Đức Hinh, chuyên gia về khoa học quân sự, đã tham gia đào tạo binh nghiệp cho nhiều thế hệ học trò. Năm 2007, ông trở thành Hiệu trưởng Trường sĩ quan lục quân 2 (nay là Trường đại học Nguyễn Huệ).

Ông nói rằng, mình tin vào sức mạnh lớn lao của lòng dân, và không có cách bảo vệ Tổ quốc nào vững chãi bằng việc xây những pháo đài trong chính lòng dân.  

Cầm súng như một nghĩa vụ thiêng liêng

* Nhập ngũ khi vừa 18 tuổi có phải là một lựa chọn dễ dàng cho ông hoặc cho những thanh niên cùng thời đó?

- Tôi xung phong nhập ngũ năm 1970, khi vừa vào đại học và Mỹ đang đánh phá miền Bắc. Tôi được huấn luyện 3 tháng rồi khoác ba lô phục vụ chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị và ở nhiều nơi khác cho đến ngày giải phóng. Chúng tôi chứng kiến máu đổ khắp nơi. Nhưng không hiểu sao không ai sợ sệt, và không ai tính toán. Chúng tôi cầm súng như một nghĩa vụ thiêng liêng. Chiến tranh đặt con người vào trạng thái phải sẵn sàng chiến đấu đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc. Do đó, sự lựa chọn cầm súng với tôi không có gì quá khó khăn. Cha mẹ đã tham gia chống Pháp, do đó trong gia đình tôi, nhập ngũ là điều bình thường không có gì lạ lẫm.

* Ông tham gia chống Mỹ, rồi lại tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979. Hai cuộc chiến ấy, đối với ông có gì khác nhau về cảm xúc?

- Trận đánh đầu tiên của tôi là ở chiến trường Quảng Trị, sau quãng thời gian huấn luyện 3 tháng. Sau khi giải phóng miền Nam, tưởng được quay lại nhà trường, nhưng tiếng súng biên giới phía Bắc lại nổ ra năm 1979. Và chúng tôi lại đi. Tôi hiểu, giữa hòa bình và chiến tranh chỉ trong gang tấc. Chúng tôi trưởng thành rất nhanh qua cuộc chiến chống Mỹ, tôi trở thành Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng tại chiến trường biên giới phía Bắc ở tuổi 32, có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất trong cuộc chiến tranh biên giới kéo dài hơn 10 năm. Cảm xúc giữa 2 cuộc chiến thì có khác một chút. Vượt qua những ngỡ ngàng ban đầu khi “bạn” bỗng trở mặt thành thù năm 1979, nhưng chúng tôi xác định, ai làm cho nhân dân tiếp tục đổ máu, chúng tôi phải chiến đấu chống lại họ.

Tranh chấp chủ quyền biển Đông là điều không ai muốn, nhưng chúng tôi không ngạc nhiên trước những gây hấn đó. Song thực tế phải nhìn nhận một quốc gia không thể chọn lựa láng giềng cho mình. Do đó, ứng xử với láng giềng luôn cần đến một chiến lược. Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là ứng xử của Bộ Quốc phòng với vấn đề biển Đông: mềm mỏng, kiên quyết để giữ chủ quyền nhưng không tạo cơ hội kích động chiến tranh.

* Ông đã bao giờ rơi nước mắt trên chiến trường?

- Tôi tự nhận thấy mình là một người rắn rỏi, biết kiềm chế cảm xúc. Suốt những năm tháng chiến tranh, chứng kiến nhiều cảnh đồng đội hy sinh hết sức thương tâm, chưa bao giờ tôi khóc. Chỉ duy nhất một lần là vì không làm tròn nghĩa vụ người con. Khi tôi còn chỉ huy chiến tranh biên giới thì nhận được tin cha tôi mất vì một vết thương chiến tranh từ thời chống Pháp tái phát. Mặc dù chỉ cách 200 km, tin cha tôi mất phải mấy ngày mới đến được biên giới. Tôi nhận được tin khi đang trên “chốt” theo dõi giặc, cuộc chiến đang lúc cam go nhất. Không muốn đồng đội suy nghĩ nhiều, tôi chui vào hầm ngồi khóc một mình, thấy thương cha vô hạn. Lễ 49 ngày, tôi mới về thắp hương cho cha được. Và dù hoàn cảnh khách quan, nhưng điều đó mãi mãi trở thành nỗi day dứt riêng tôi không quên được. Về sau này, tôi cũng chỉ rơi nước mắt khi gặp lại đồng đội, nhưng đó lại là những câu chuyện khác với ý nghĩa khác.

 Không gì bằng “thế trận lòng dân”

* Là một nhà khoa học quân sự, ông nhìn nhận về chiến tranh ngày nay ra sao? Có gì khác so với những cuộc chiến ông từng chỉ huy?

- Nhận diện chiến tranh tương lai không còn như trước. Địch không đến cướp đất, giết người, bóc lột trực tiếp. Chiến tranh hiện đại tinh vi hơn nhiều, do đó, quân đội và người lính cũng phải có nhận thức khác. Trước tiên, phải xây dựng được bản lĩnh chính trị tinh thần cho chiến sĩ, tiếp đến là trí tuệ. Không có hiểu biết, trí tuệ thì người chiến sĩ không làm được gì nhiều cho đất nước, bởi kẻ thù ngày nay sử dụng những biện pháp, kỹ thuật chiến tranh vô cùng tinh vi, xảo quyệt.

Nhưng ở thời nào cũng vậy, nếu nhân dân không tin tưởng và ủng hộ, chúng ta không thể thắng bất kỳ một cuộc chiến nào. Vì vậy, với tôi không gì bằng thế trận lòng dân, không pháo đài nào mạnh hơn pháo đài được xây dựng trên sự ủng hộ của nhân dân.

* Ở vai trò một người thầy, là một trong những người phát huy truyền thống anh hùng để Trường đại học Nguyễn Huệ được như ngày nay, trong mắt ông, những người trẻ thời bình khoác áo lính, ông có suy nghĩ gì về họ?

- Trong mắt tôi, họ vừa là đồng đội, vừa là con, là em. Tôi nhìn thấy ở họ những điểm mạnh, những điểm yếu, nhưng tôi tin có thể tìm cách hóa giải nó. Không có gì là không thể xoay chuyển. Sự phát triển kinh tế thị trường mạnh mẽ đặt giới trẻ vào nhiều sự lựa chọn, thậm chí các em tiếp thu nhiều văn hóa, quan điểm khác nhau. Thoáng nhìn có thể thấy thế hệ trẻ ngày nay rất thực dụng, nhưng nhìn sâu vào đó là những tiềm năng. Các em thông minh, nhanh nhạy, thể chất tốt, được học hành bài bản… Đó là những điều các thế hệ đi trước không có được. Còn việc giáo dục các em thế nào, làm sao để các em nhìn nhận đúng đắn về vai trò của mình với đất nước, thì phụ thuộc vào chính những người đi trước.

* Điều đó hẳn rất khó. Làm sao để những nhận thức đó không trở nên giáo điều, hình thức và có sức mạnh lan truyền đến giới trẻ?

2014 là năm kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Với tôi, tâm thế người lính từ chiến tranh quay lại đời thường có rất nhiều suy nghĩ và cảm xúc. Tôi chứng kiến đất nước qua nhiều giai đoạn, không phủ nhận có những lúc cảm thấy buồn phiền, nhưng trên tổng thể, tôi hài lòng với cách mà đất nước đang bảo vệ thành quả cách mạng. Tôi luôn tin và tự hào về thành quả đó. Về hưu từ năm 2013, nhưng tôi vẫn tham gia các hội đồng khoa học, hướng dẫn học viên, và đặc biệt tôi muốn dành thêm thời gian đi tìm đồng đội, giúp đỡ những đồng đội từ cuộc chiến bước ra. Tôi tin tưởng rằng, khi trở về đời thường họ vẫn sẽ phát huy tốt những phẩm chất đặc biệt của người lính bộ đội Cụ Hồ.

- Đúng, rất khó. Nhưng có thể làm được. Không có gì tự nhiên cho quả ngọt cả, phải bỏ công chăm bón. Bắt đầu từ giáo dục, từ những chia sẻ về nhận thức công dân. Và điều quan trọng nhất nằm ở lòng tin. Không có cách nào khác hơn việc thế hệ trước phải làm gương. Có nói trăm ngàn lời hay ý đẹp mà bản thân thế hệ đi trước tha hóa, tiêu cực... thì tất cả những công lao, đóng góp của người đi trước trở nên vô giá trị. Hành động mạnh nhất chính là mệnh lệnh không lời.

* Được xem là may mắn vì là thế hệ không phải qua chiến tranh ngày nào, nhiều người trẻ không biết phải ứng xử thế nào với những may mắn đó, nên một số không mấy dễ chịu khi luôn phải nghe nhắc về quá khứ đau thương và hào hùng của dân tộc. Ông nhìn nhận điều này ra sao?

- Theo tôi, nhắc nhở là cần thiết. Vì nếu một người không biết quá khứ, hiện tại, thì không định hướng được tương lai. Nhưng cũng đừng bắt thế hệ trẻ gánh vác quá nhiều. Ngay cả với con cái mình, tôi cũng để chúng tự do, tôi không bắt chúng phải nghe quá nhiều về quá khứ. Giới trẻ ngày nay có áp lực khác, những khó khăn khác mà thời chúng tôi không có. Thêm nữa, tôi nghĩ rằng nên để giới trẻ nhìn nhận quá khứ một cách trung thực, cả những chiến công lẫn những sai lầm thì tốt hơn. Quan trọng nhất là để trong tim giới trẻ có niềm tự hào và trách nhiệm công dân.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều