Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông thôn mới trong lòng dân

11:01, 23/01/2015

Mục tiêu cao nhất trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai là vì lợi ích của người dân vùng nông thôn, qua đó đã tạo được sự đồng hành, đồng lòng, đồng tiến trong nhân dân.

 

Mục tiêu cao nhất trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai là vì lợi ích của người dân vùng nông thôn, qua đó đã tạo được sự đồng hành, đồng lòng, đồng tiến trong nhân dân.

Dịp này, Báo Đồng Nai đã ghi nhận ý kiến của đại diện các tầng lớp nhân dân tại 2 địa phương được công nhận danh hiệu nông thôn mới.

* Ông Trương Văn Phụng, nông dân ở ấp Hàng Gòn, xã Hàng Gòn (TX.Long Khánh):  Đổi mới trong sản xuất

Vài năm trước, ấp Hàng Gòn chưa có nhiều thay đổi như bây giờ. Cuộc sống của người dân trong ấp rất khó khăn, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số. Vùng này chủ yếu là đất đồi, đá, khô hạn nêu trước đây chỉ trồng cây điều cho thu nhập thấp. Nhờ chương trình nông thôn mới, Nhà nước đầu tư hệ thống điện sản xuất về tận rẫy, tận vườn, nông dân trong ấp mới mạnh dạn đầu tư khoan giếng, đảm bảo nguồn nước tưới và chuyển đổi sang những cây trồng cho thu nhập cao, như: tiêu, cà phê, sầu riêng… Tôi mạnh dạn chuyển đổi từ vườn điều hơn 2 hécta kém hiệu quả sang trồng giống cà phê mới, đạt năng suất cao. Đây là năm đầu tiên, vườn cà phê cho thu hoạch nhưng lợi nhuận đạt gần gấp 3 lần so với cây điều.

Chúng tôi vui vì địa phương còn có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi giống mới, giống cây trồng cho thu nhập cao hơn, như: hỗ trợ về giống, một phần phân bón, hệ thống tưới tự động…Cuộc sống người dân trong ấp được cải thiện nhiều, thu nhập cũng tăng cao nên họ chủ động góp công, góp của làm những con đường khang trang, sạch đẹp về tận thôn xóm, ngõ ấp.

* Đại đức Thích Hạnh Tín, chủ trì chùa Huyền Trang (ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh): Dân đồng tình, kết quả cao hơn

Khi có phong trào nông thôn mới, chùa đã vận động người dân đóng góp 1,2 tỷ đồng và công lao động để bê tông hóa được tuyến đường xã dài 1,5 km và một số tuyến đường khác trong ấp. Chùa còn đóng góp hàng chục triệu đồng tiền mặt cho quỹ chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương; tham gia nhiều hoạt động chăm lo cho người nghèo, quỹ khuyến học... Hiện chùa đang nuôi dưỡng 70 trẻ mồ côi và người già neo đơn.

Đây là ấp vùng sâu, vùng xa, cuộc sống người dân vẫn còn khó khăn. Thời gian đầu, họ không mấy quan tâm vì cho rằng là việc của chính quyền, của Nhà nước, nhưng khi thấy những mạnh thường quân ở nơi khác đóng góp tiền để làm đường trong khi bản thân là người được thụ hưởng lại không làm gì nên dần dần họ đều đồng lòng góp sức.

Nông thôn mới đã mang lại sự thay đổi về cách nhận thức, góp phần xây dựng đời sống mới, tạo diện mạo mới cho nông thôn ở những vùng hẻo lánh. Trong đó, con đường có vai trò rất quan trọng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong đầu tư sản xuất, vươn lên vượt nghèo và làm giàu cho bản thân, gia đình rồi mới có điều kiện đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Đời sống tốt hơn, cái nhìn và nhận thức của người dân cũng thay đổi, hướng đến nếp sống văn minh hơn.

* Ông Vũ Ngọc Khoa, đại diện Công ty TNHH Thiện Minh (xã Suối Tre, TX.Long Khánh) chuyên chế biến hạt điều: Thay da đổi thịt cho vùng quê

Phong trào nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Chương trình đã chăm lo cho những lợi ích thiết thực nhất của người dân, doanh nghiệp đầu tư ở vùng nông thôn, như: đầu tư đường sá, trường học, bệnh viện... Điều này đã thuyết phục doanh nghiệp quan tâm đóng góp cho phong trào nông thôn mới tại địa phương.

Với 2 nhà máy tại xã Suối Tre và xã Bảo Quang, chúng tôi đã tạo việc làm cho gần 500 lao động tại khu vực nông thôn, trong đó gần 40% lao động là người dân tộc thiểu số. Năm 2010, doanh nghiệp mở thêm nhà máy chi nhánh tại xã Bảo Quang. Lúc này, đa số các tuyến đường ở đây là đường đá dăm, nắng bụi, mưa lầy. Nhưng qua vài năm xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường đều được nhựa hóa, xe container có thể về tận xưởng để chở hàng; việc tổ chức thu mua, vận chuyển nông sản của bà con nông dân cũng thuận tiện hơn nhiều. Không chỉ nông dân vui trước những đổi thay này mà công nhân làm việc tại các nhà máy ở vùng nông thôn cũng rất phấn khởi vì chất lượng, điều kiện sống của họ cũng được cải thiện theo.

* Ông Trần Xuân Nam, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Nam, huyện Xuân Lộc:  Người dân khấm khá hơn

Là một đơn vị làm kinh tế, hợp tác xã đã đóng góp và ủng hộ chương  trình  nông thôn mới hơn 1 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường và nhà tình thương trong huyện. Tôi nghĩ đó cũng là trách nhiệm để giúp quê hương phát triển hơn. Chương trình nông thôn mới tôi thấy rất có ý nghĩa, nó đã tác động rất lớn đến đời sống người dân. Khi đường giao thông nông thôn được đầu tư, các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư nhiều hơn. Thời gian trước lương của một công nhân ở đây chỉ có 3,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng hiện nay thấp nhất cũng trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Công việc có nhiều hơn mức sống của người dân cao hơn. Đây là điều rất mừng, không chỉ người dân mà ngay cả các doanh nghiệp cũng được thụ hưởng từ chương trình này rất rõ. Giao thông thuận tiện thì việc tuyển dụng công nhân cũng dễ. Trước đây, đường sá khó khăn công nhân họ rất ngại đi xa, nhưng hiện nay việc này đã được khắc phục, khi mưa gió công nhân ít đi trễ hơn vì lý do đi lại khó khăn.

* Linh mục Hà Thế Tâm, Chánh xứ Hiệp Lực, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc:  Thay đổi suy nghĩ mọi người

Tôi về đây từ năm 2008, nhìn cảnh đường sá lầy lội, các em học sinh đi học lấm lem trông rất đáng thương. Tôi nghĩ phải đi vận động dân làm đường để đi lại cho đỡ cực, chí ít cũng phải làm được trục đường chính. Dân cư ở đây cũng còn khó khăn nên việc đóng góp cũng không phải được ngay, nhưng rồi cũng làm được con đường chính trải nhựa rất khang trang. Có đường đẹp đi lại thuận tiên ai cũng thích, lúc này suy nghĩ của người dân thay đổi hẳn và rất tích cực đóng góp xây dựng.

Khi chính quyền có chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi vận động mọi người nên tích cực hưởng ứng, đặc biệt trong việc làm đường giao thông nông thôn vì đây là cơ hội để thực hiện. Dân ở đây còn nghèo, nếu tự đóng góp để làm các tuyến đường bê tông thì không thể làm nổi ngay mà còn rất lâu mới xây dựng được. Tôi phân tích hết những lợi ích mang lại, như: hiện nay nhiều gia đình có con đi làm công nhân tăng ca về khuya. Nếu đường được làm thì việc đi lại đỡ lo; đường làm xong cũng nên lắp đèn đường sẽ hạn chế được nạn trộm cắp và an ninh trật tự tốt hơn. Rồi đường làm xong đến đâu mọi người cho lắp đèn hết đến đó, tối đến đường rất sáng và đẹp.

* Ông Phan Chinh, người dân trồng điều xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc:  Người dân yên tâm sản xuất

Trong câu lạc bộ điều năng suất cao của tôi, ai cũng tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn, vì nó rất thiết thực đến đời sống của mọi người. Điều dễ thấy nhất là mọi người đồng lòng đóng góp tiền để làm con đường vào khu vực trồng điều của mình mặc dù trong khu vực này không có nhà ở. Trước đây đường sá rất xấu, xe máy cày vào cũng muốn lật, đem được bao phân vào bón điều hay chở bao điều ra, rất cực khổ.

Còn bây giờ đường được trải bê tông, mặt đường rộng 3m xe ô tô 4 chỗ đi vào tận rẫy bất kể mùa nắng hay mưa. Khi làm con đường vào khu vực trồng điều, ngoài khoản đóng góp như mọi người tôi còn ủng hộ thêm 20 triệu đồng nữa. Xây dựng nông thôn mới với mọi người trong câu lạc bộ trồng điều chúng tôi còn là hỗ trợ nhau làm ăn nữa, không chỉ là làm đường hay các công trình xã hội. Giúp đỡ nhau từ vốn, kỹ thuật chăm sóc điều, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Năng suất bình quân mỗi hécta điều trong câu lạc bộ hiện đạt 3,2 tấn, cao gấp đôi so với các địa phương khác, có những hécta năng suất lên đến 4 tấn. Khi có thu nhập cao, người dân sẽ có điều kiện mua sắm, xây dựng.

Vân Nam - Bình Nguyên (ghi)

 

Tin xem nhiều