Báo Đồng Nai điện tử
En

Thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài: "Dễ thở" hơn

11:07, 18/07/2016

Từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều người dân đi làm thủ tục tại bộ phận một cửa hiện đại ở UBND cấp huyện đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy tại đây tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn cho những cặp vợ chồng có yếu tố nước ngoài.

Từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều người dân đi làm thủ tục tại bộ phận một cửa hiện đại ở UBND cấp huyện đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy tại đây tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn cho những cặp vợ chồng có yếu tố nước ngoài. Nhiều cặp vợ chồng đến nhận giấy chứng nhận kết hôn cũng không giấu được vui mừng khi được nhận hồ sơ đúng hạn và được tổ chức trao rất trang trọng, lịch sự.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương (bìa phải), nguyên Trưởng phòng Tư pháp TP.Biên Hòa (hiện là Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh), trao giấy chứng nhận kết hôn cho vợ chồng chị Trần Thị Phương Lan (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) và anh Cao Chí Hùng (quốc tịch Ba Lan) vào ngày 28-6.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương (bìa phải), nguyên Trưởng phòng Tư pháp TP.Biên Hòa (hiện là Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh), trao giấy chứng nhận kết hôn cho vợ chồng chị Trần Thị Phương Lan (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) và anh Cao Chí Hùng (quốc tịch Ba Lan) vào ngày 28-6.

Anh Phan Nguyễn Quang Hưng (ngụ thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) cho biết việc chuyển thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kết hôn có yếu tố nước ngoài từ UBND cấp tỉnh về UBND cấp huyện là một bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính vì vừa thuận tiện cho người dân đi lại, vừa đơn giản hóa nhiều thủ tục, thời gian giải quyết được rút ngắn hơn, giải quyết đúng hẹn.

* Thông thoáng hơn

Theo anh Hưng phân tích, trước đây làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, người dân ở thị trấn Định Quán như anh phải đi hơn 85km mới về tới Sở Tư pháp (ở TP.Biên Hòa) để làm thủ tục, đó là chưa kể hồ sơ thiếu sót, quy trình có nhiều bước phải đi lại nhiều lần rất bất tiện. Trong khi đó, hiện nay anh chỉ cần đến UBND huyện để làm thủ tục, thiếu hồ sơ gì thì bổ sung cũng dễ, đỡ phải đi lại xa xôi. Thời hạn giải quyết cũng được rút ngắn từ 25 ngày xuống 15 ngày. Vợ của anh chỉ cần về Việt Nam 1 lần để làm thủ tục kết hôn, đỡ phải qua lại nhiều lần vừa mất thời gian vừa tốn kém.

Bên cạnh đó, theo Luật Hộ tịch 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 quy trình giải quyết thủ tục kết hôn với người nước ngoài cũng được giản lược hơn rất nhiều. Chị Trần Thị Phương Lan (ngụ KP.8, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa), cho biết trước đây nộp hồ sơ đăng ký kết hôn thì bắt buộc cả 2 vợ chồng cùng có mặt để nộp hồ sơ, nhưng nay chỉ cần vợ hoặc chồng đến nộp. Ngoài ra, theo quy định mới đã bỏ bước phỏng vấn trong thủ tục kết hôn với người nước ngoài. Điều này rất thuận tiện cho người nước ngoài hoặc Việt kiều đang định cư ở nước ngoài, như chồng của chị sinh sống ở Ba Lan không phải mất thời gian về để có mặt nộp hồ sơ.

Ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết huyện Định Quán là một trong những địa phương có nhu cầu làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài khá đông. Tính từ tháng 3-2016 đến nay, toàn huyện đã giải quyết hơn 100 trường hợp liên quan đến hồ sơ đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài gồm cấp giấy chứng nhận kết hôn và giấy khai sinh.

* Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Theo phản ánh của một số trường hợp, mặc dù thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài có thông thoáng hơn nhưng việc làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân ở UBND cấp xã vẫn còn gặp khó khăn và phải đi lại nhiều lần. Chị Nguyễn Thị Kim Hằng ở xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho biết để xác nhận tình trạng độc thân, chị phải đi 4-5 lần đến UBND xã để xác nhận và điều chỉnh do xác nhận có những chi tiết còn thiếu với quy định.

Sở Tư pháp đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Theo đó, có chế độ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức làm công tác hộ tịch; bố trí cán bộ làm công tác hộ tịch phải đúng chuyên môn, chuyên ngành đáp ứng các tiêu chuẩn mà Luật Hộ tịch 2014 đã quy định; thành phần hồ sơ nhận phải theo đúng quy định của bộ thủ tục hành chính, phải có phiếu tiếp nhận và biên lai thu lệ phí. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã đề nghị UBND cấp huyện xây dựng phiếu luân chuyển hồ sơ đối với hồ sơ đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài để tạo thuận lợi trong việc xác định thời gian và trách nhiệm giải quyết.

Về vấn đề này, ông Lê Triết Như Vũ, Trưởng phòng Hành chính Sở Tư pháp, cho biết thực tế các sai sót trong đăng ký hộ tịch ở UBND cấp xã chủ yếu là ở lĩnh vực cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân vì không ghi đầy đủ các thông tin ở mục “Mục đích của phiếu yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”; nhiều địa phương yêu cầu công dân phải nộp thêm văn bản có xác nhận tình trạng độc thân của trưởng ấp hoặc trưởng khu phố là không đúng quy định. “Thời gian tới Sở Tư pháp sẽ có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở cấp xã; tăng trách nhiệm giải quyết cho người dân, không đẩy khó cho dân” - ông Như Vũ cho biết. 

Để chấn chỉnh việc thực hiện giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch ở UBND cấp huyện, mới đây Sở Tư pháp đã tổ chức kiểm tra thực tế ở các địa phương trong tỉnh. Kết quả cho thấy, tại các địa phương cũng còn một số hạn chế, thiếu sót. Trong đó có việc bố trí cán bộ tiếp nhận hồ sơ không có chuyên môn, nghiệp vụ hộ tịch; một số công chức tiếp nhận hồ sơ còn đặt thêm những giấy tờ không cần thiết, không đúng quy định của bộ thủ tục hành chính... Qua đó, Sở Tư pháp đã yêu cầu các địa phương có giải pháp khắc phục để không ảnh hưởng đến tinh thần cải cách thủ tục hành chính theo Luật Hộ tịch mới. 

Ngọc Thư

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều