Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức dân quyết định

10:11, 04/11/2016

Đến nay, toàn tỉnh có 96/133 xã và 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt kết quả này, mỗi nơi có một cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế, phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn tỉnh có 96/133 xã và 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt kết quả này, mỗi nơi có một cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế, phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới.

Người dân đi trên một ngõ xóm được bê tông hóa tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ).
Người dân đi trên một ngõ xóm được bê tông hóa tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ).

Biết huy động sức mạnh từ dân

Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) đề ra mục tiêu đến cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới. Nhưng với chủ trương đúng, phù hợp thực tế của Đảng ủy xã và sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, chuyện xây dựng nông thôn mới ở Gia Tân 3 đã xong từ năm 2014, sớm hơn dự kiến 2 năm.

Nhớ lại quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Gia Tân 3, Bí thư Đảng ủy xã Ngô Thành Nhân cho biết trước đây từng lĩnh vực của xã còn nhiều phức tạp: tỷ lệ học sinh bỏ học không phải ít; tệ nạn cờ bạc, trộm cắp diễn biến phức tạp, thanh niên trốn khám nghĩa vụ quân sự liên tục xảy ra… Để xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy và chính quyền xã rất coi trọng công tác vận động quần chúng, nhất là công tác vận động đồng bào có đạo. Theo đó, chính quyền xã luôn tạo mọi điều kiện để đồng bào có đạo tổ chức các hoạt động tôn giáo theo đúng pháp luật; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính liên quan đến tôn giáo trong phạm vi thẩm quyền. Bên cạnh đó, hàng quý Ủy ban MTTQ xã tổ chức các hội nghị mời ban hành giáo các giáo xứ đến tham dự, tham gia cùng xã vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để người dân cảm nhận được mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Thế Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương, cho rằng để tiếp tục xây dựng nông thôn mới thực sự có hiệu quả, các địa phương nên chú ý đến việc từng bước phải xóa bỏ nhận thức tiểu nông, sản xuất manh mún, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Nông thôn mới, quan trọng là phải nâng chất cuộc sống người dân, tránh xu thế bê tông hóa nông thôn như đã xảy ra ở một số nơi.

Khi dân đã ý thức được trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới thì việc vận động nhân dân đóng góp làm đường, trường học, xây chợ...  không còn là chuyện khó. Quá trình xây dựng nông thôn mới đã có sự tham gia tích cực của linh mục ở các giáo xứ. Trong đó, linh mục Chánh xứ Phúc Nhạc đã phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động nhân dân thực hiện nhựa hóa 5 đường trục thôn và đường ngõ xóm; đồng thời phối hợp với MTTQ xã xây dựng 2 căn nhà tình thương; hàng tháng hỗ trợ quà cho những cụ già 80 tuổi trở lên. Linh mục Chánh xứ Mẫu Tâm trực tiếp vận động giáo dân bê tông hóa 600m đường giao thông nông thôn. Còn linh mục Chánh xứ Gia Yên chú trọng tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự, mỗi khi có thanh niên lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự, linh mục đều tổ chức lễ cầu nguyện và thăm hỏi, tặng quà cho các thanh niên…

Việc làm của các chức sắc đã tác động lớn đến việc làm theo của bà con giáo dân. Những năm qua, giáo dân ở đây đã tự nguyện đóng góp 10kg gạo và 200 ngàn đồng/tháng/người để trợ cấp cho 100 người già neo đơn.

Đảng viên đi trước

Để xây dựng nông thôn mới, xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) đã huy động được nguồn lực rất lớn trong dân. Từ năm 2010-2015, người dân trong xã đã đóng góp 8.500 ngày công, hiến hơn 7 hécta đất, chặt hàng ngàn cây cà phê, tiêu, điều để làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa ấp mà không cần đền bù. Ngoài ra, người dân Lâm San còn đóng góp hơn 10 tỷ đồng để cùng Nhà nước làm 19 tuyến đường nhựa với tổng chiều dài hơn 20km, làm 7 tuyến đường bê tông xi măng, xây dựng 1,5km đường điện trung thế và 10km đường điện hạ thế…

Việc huy động được nguồn lực như vậy ở Lâm San không phải dễ, vì trước năm 2010 Lâm San là xã đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 7 triệu đồng/năm; toàn xã có trên 38% hộ nghèo. Ngoài tỉnh lộ 765 là đường nhựa được tỉnh đầu tư, còn lại các tuyến đường trong xã là đường đất. Ngay cả số hộ được sử dụng điện cũng hạn chế, chỉ 40% hộ có điện. Tuy nhiên, khi biết hành động đúng, xử lý khéo léo các vấn đề, xã Lâm San đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2015. Lâm San như vùng đất chết, nay đã hồi sinh với thu nhập trung bình của người dân đã tăng cao, lên đến 50 triệu đồng/năm.

Tiên phong trong xây dựng nông thôn mới ở Lâm San là những cán bộ, đảng viên “miệng nói, tay làm”. Điển hình, ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân luôn đồng hành với người dân trên đồng ruộng, hễ có giống mới, phương pháp sản xuất hiệu quả nào, ông lập tức hướng dẫn bà con tiếp cận ngay. Nếu bà con cần vốn phát triển kinh tế gia đình, ông phối hợp với các ngân hàng, hỗ trợ bà con vay vốn. Ông Phan Văn Triều, cán bộ thú y xã, luôn hướng dẫn bà con cách phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, ngăn ngừa không để dịch bệnh xảy ra ở địa phương. Ông Nguyễn Trường An, Trưởng công an xã, đứng ra vận động bà con tổ 4, ấp 6 đóng góp tiền và công làm gần 1km đường nông thôn; bản thân ông thì đóng 15 triệu đồng.

Theo gương những cán bộ, đảng viên, nhiều người dân trong xã Lâm San cũng có những việc làm ý nghĩa. Tiêu biểu có hộ gia đình các ông: Đặng Văn Chương, Tàu Bảo, Lê Văn Hưng, tuy cuộc sống gia đình chưa phải đã đầy đủ, sung túc nhưng sẵn sàng hiến hàng ngàn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Ông Tàu Bảo, người hiến 2m đất mặt tiền và góp thêm gần 50 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn cho xã, chia sẻ: “Mình chịu thiệt một tí nhưng được lợi lớn cho dân, cho địa phương thì nên làm. Làm vì cái chung nhưng trong đó cũng có lợi ích cho chính mình”.

Phương Hằng

 

 

Tin xem nhiều