Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy nghĩa tình đồng đội

10:03, 29/03/2017

Trong những năm qua, hoạt động nghĩa tình đồng đội được các cấp Hội Cựu thanh niên xung phong trong tỉnh duy trì và phát huy mạnh mẽ, góp phần giúp nhiều hội viên cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Trong những năm qua, hoạt động nghĩa tình đồng đội được các cấp Hội Cựu thanh niên xung phong trong tỉnh duy trì và phát huy mạnh mẽ, góp phần giúp nhiều hội viên cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Hội viên Chi hội Cựu thanh niên xung phong xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi heo. Ảnh: Nga Sơn
Hội viên Chi hội Cựu thanh niên xung phong xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi heo. Ảnh: Nga Sơn

Nhờ có sự chung tay giúp đỡ của đồng đội, hơn 3 năm nay căn nhà của gia đình ông Trần Thanh Hóa, ở KP.4, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) đã thoát khỏi cảnh ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến.

* Ấm tình đồng đội

Trong 2 ngày 30 và 31-3, tại hội trường Thành ủy Biên Hòa sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh lần thứ III (nhiệm kỳ 2017-2022) với sự tham dự của 300 đại biểu chính thức đại diện cho trên 2,7 ngàn hội viên trong tỉnh. Đại hội sẽ tập trung đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh lần thứ II và nhìn lại 10 năm thành lập Hội. Các đại biểu cũng sẽ tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ Hội trong nhiệm kỳ tới và hiệp thương nhân sự Ban Chấp hành Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh khóa III.

Năm 1977, chàng trai Trần Thanh Hóa tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong lên đường cùng bạn bè về Nông trường Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) khai khẩn đất hoang, tăng gia sản xuất.

 Sau 3 năm gắn bó với mảnh đất nông trường, ông Hóa trở về với cuộc sống đời thường, lập gia đình, sinh con đẻ cái. Được cha mẹ cho miếng đất nhỏ sâu trong hẻm, vợ chồng ông Hóa cất chòi ở tạm.

Đất trũng thấp nên mỗi khi mùa mưa đến, cả nhà 5 người bì bõm lội nước. Khát khao có một căn nhà cao ráo từ lâu nhưng với hoàn cảnh chạy ăn từng bữa thì căn nhà mãi chỉ là mơ ước.

Năm 2013, Hội Cựu thanh niên xung phong TP.Biên Hòa vận động được 25 triệu đồng cùng với sự hỗ trợ của anh em trong gia đình, vợ chồng ông Hóa đã có được căn nhà cao ráo với diện tích gần 50m2 trị giá 50 triệu đồng. Ngày bước chân vào nhà mới, ông Hóa mừng rơi nước mắt. Cho đến giờ mỗi khi nhắc đến căn nhà, ông vẫn luôn miệng cảm ơn những đồng đội đã giúp ông thoát khỏi cảnh cùng cực.

Theo thống kê của Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh, trong 5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã xây dựng được 78 căn nhà đồng đội, nhà tình thương với tổng trị giá gần 2,8 tỷ đồng. Bên cạnh hỗ trợ xây nhà, Hội Cựu thanh niên xung phong các cấp còn trao sổ tiết kiệm, tặng quà dịp lễ, tết cho hội viên cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống được các cấp Hội đặc biệt quan tâm.

Năm 2004, cựu nữ thanh niên xung phong Vũ Thị Liên cùng chồng và 2 con trai chuyển vào xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) sinh sống với mong muốn có cuộc sống dễ thở hơn. Tất cả vốn liếng gia đình bà mang theo chỉ đủ mua 400m2 đất ở.

Không có rẫy canh tác, những năm đầu ở vùng đất mới bà mượn đất của những người xung quanh trồng rau, trồng lúa; buôn bán thêm ngoài chợ kiếm thêm thu nhập. Bà Liên cho biết những năm gần đây sức khỏe ngày một giảm sút, bà muốn buôn bán tại nhà.

Đang loay hoay tìm vốn thì bà được Chi hội Cựu thanh niên xung phong của xã Thanh Sơn hỗ trợ vay 7 triệu đồng từ nguồn đóng góp quỹ của hội viên được duy trì nhiều năm nay. Có vốn, bà lấy rau, củ, quả, thịt, cá về bán tại nhà với mức thu nhập bình quân khoảng 100 ngàn đồng/ngày.

* Tăng cường tự giúp nhau

Có thể nói, phong trào cựu thanh niên xung phong giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo đã có bước chuyển biến tích cực. Nhiều chi hội cựu thanh niên xung phong xã, phường, thị trấn đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể xã hội tạo điều kiện để hội viên được tiếp cận nguồn vốn. Điển hình như Chi hội Cựu thanh niên xung phong xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu).

Bà Phạm Thị Hà, Chi hội phó Chi hội Cựu thanh niên xung phong xã Vĩnh Tân cho biết, chi hội có 60 hội viên, trong đó có 45 hội viên là nữ. Hàng năm chi hội khảo sát nhu cầu vay vốn của hội viên, sau đó phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã giới thiệu hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, chi hội có 15 hội viên được vay vốn với số tiền dưới 50 triệu đồng (tùy nhu cầu).

Ngoài hoạt động phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tạo điều kiện để hội viên cựu thanh niên xung phong được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp Hội trong tỉnh đã chú trọng gây quỹ nghĩa tình đồng đội.

Tính đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động gây quỹ với số tiền trên 2 tỷ đồng, nhiều chi hội có hội viên đóng quỹ đạt trên 2 triệu đồng/người, như các chi hội cựu thanh niên xung phong: xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), phường Long Bình (TP.Biên Hòa), xã Sông Trầu (Trảng Bom), xã Long Phước (huyện Long Thành)...

Tuy nhiên theo ông Lý Minh Tiến, Quyền Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh, con số trên 2 tỷ đồng nguồn quỹ chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của hội viên bởi toàn tỉnh hiện có khoảng trên 2,7 ngàn hội viên trên tổng số 5 ngàn cựu thanh niên xung phong. Theo ước tính của Hội, trong khoảng trên 2,7 ngàn hội viên thì có đến trên 50% hội viên có cuộc sống khó khăn cần giúp đỡ.

Trong khi đó, hoạt động nghĩa tình đồng đội tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nguồn lực xây dựng nhà đồng đội, nhà tình thương; tặng sổ tiết kiệm; tặng quà đều từ các nguồn vận động các tổ chức, cá nhân mạnh thường quân đóng góp.

Ông Lý Minh Tiến cho biết trong nhiệm kỳ tới Hội phấn đấu gây quỹ “Nghĩa tình đồng đội” trên tinh thần tự nguyện từ 500 đến 1 triệu đồng/người/nhiệm kỳ nhằm tạo nguồn ổn định để chăm lo, hỗ trợ hội viên khó khăn.

Bên cạnh đó, các cấp Hội sẽ tích cực huy động các nguồn lực để đa dạng hóa các hoạt động nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ cựu thanh niên xung phong khó khăn về nhà ở, đời sống, sức khỏe có điều kiện ổn định cuộc sống bằng mức trung bình ở cộng đồng dân cư.

Nga Sơn

Tin xem nhiều