Báo Đồng Nai điện tử
En

Ấm lòng người ngã xuống…

10:07, 26/07/2017

Chiều 25-7, trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, nơi an nghỉ của hơn 4.200 liệt sĩ và 11 bà mẹ Việt Nam anh hùng, tấp nập các đoàn thân nhân tới thăm viếng.

Chiều 25-7, trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, nơi an nghỉ của hơn 4.200 liệt sĩ và 11 bà mẹ Việt Nam anh hùng, tấp nập các đoàn thân nhân tới thăm viếng. Khói hương từ các ngôi mộ của liệt sĩ phảng phất bay làm cho không khí ở nghĩa trang thêm phần ấm cúng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Châu (ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) vào viếng mộ chồng là liệt sĩ Phạm Sỹ Tân chiều 25-7.
Gia đình bà Nguyễn Thị Châu (ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) vào viếng mộ chồng là liệt sĩ Phạm Sỹ Tân chiều 25-7.

Ở khu T của Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, bà Nguyễn Thị Châu (quê ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cùng con gái và con rể cẩn thận bày đồ cúng chồng mình là liệt sĩ Phạm Sỹ Tân, hy sinh năm 1980, sau đó cả gia đình chia nhau đi thắp hương cho những ngôi mộ liệt sĩ bên cạnh.

* Các anh không cô đơn

Đến nay, Đồng Nai đã tìm kiếm và quy tập được 11.600 hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh và tạo điều kiện cho gia đình đưa về quê an táng với những hài cốt liệt sĩ đã được xác định rõ danh tính. Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh hiện là nghĩa trang có nhiều mộ liệt sĩ nhất với gần 4.200 mộ cá nhân và 2 ngôi mộ tập thể.

Vừa chuẩn bị đồ cúng cho chồng và các đồng đội nằm cạnh, bà Châu kể: “Tôi và ông Tân yêu nhau cũng 10 năm hơn. Ông ấy vào chiến trường, nhiều lần dự định về tổ chức lễ cưới nhưng vì chiến trường ác liệt nên cứ lỡ hẹn hoài. Năm 1977, chúng tôi mới tổ chức lễ cưới, sau đó ông ấy lại vội sang chiến trường Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Ở nhà, tôi sinh được một người con gái. Tới năm 1980 thì tôi hay tin chồng hy sinh tại Campuchia, sau đó được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai cùng các đồng đội”.

Bà Châu xúc động chia sẻ: “Chồng tôi hy sinh, nhưng may còn tìm thấy hài cốt để đưa về nghĩa trang liệt sĩ. Tôi nhiều lần tính chuyện đưa hài cốt chồng về quê hương Cẩm Xuyên, nhưng nghĩ để ông ấy nằm lại với đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai cho có anh em, đồng đội với nhau. Hơn nữa con gái, con rể tôi ở gần đây cũng tiện chăm sóc mộ phần hương khói”. Dù ở xa nhưng năm nào bà Châu cũng vào thắp hương cho chồng 1-2 lần. Lần nào bà Châu cũng nấu một món ăn mà lúc còn sống chồng thích để mang tới mộ cúng.

Ở một khu khác của Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, bà Trần Thị Sen (quê huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hiện làm công nhân ở Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) ngồi tỉ mỉ ghi chép lại tên các liệt sĩ thuộc Sư đoàn 5, hy sinh trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 được khắc trên tấm bia tập thể. Trong các liệt sĩ có chú ruột bà là Trần Văn Loan. Bà Sen cho biết: “Chú tôi hy sinh khi tôi chưa chào đời. Mấy năm nay, kể từ khi tấm bia tập thể ghi danh chú và các đồng đội Sư đoàn 5 được lập, tôi thường xuyên đi xe máy từ Củ Chi tới đây để thắp hương. Lần này tôi còn ghi đẩy đủ tên tuổi các liệt sĩ để tới ngày 27-7 làm cơm cúng chú và các liệt sĩ”.

Còn vợ chồng ông Trần Việt Bản (ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) và các con năm nào cũng có vài lần sang thắp hương cho cha và ông nội là liệt sĩ Trần Văn Thắng an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai. Năm nay là tròn 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ nên gia đình ông Bản đến viếng mộ sớm hơn 2 ngày. Thắp hương cho cha và ông nội xong, gia đình ông Bản cùng nhau đi thắp hương cho những ngôi mộ nằm xung quanh. Ông Bản kể: “Cha tôi cưới vợ được 3 ngày thì có lệnh gấp vào chiến trường. Lúc tôi sinh ra vài tháng thì cha tôi hy sinh. Mẹ ở vậy nuôi tôi khôn lớn rồi qua đời. Tôi không được gặp mặt cha, nhưng tìm thấy hài cốt cha nguyên vẹn ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai. Đó là hạnh phúc mà không phải người con nào cũng có được sau khi cha hy sinh”.

* Trách nhiệm với người ngã xuống

Ông Phạm Huy Thông, Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, cho biết dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ năm nay nhộn nhịp và ấm cúng hơn mọi năm, vì ngày 12-7 tỉnh đã tổ chức lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ hy sinh tại Sân bay Biên Hòa đêm 31-1-1968 tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Đặc biệt, năm nay là dịp tròn 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ nên hàng ngày có rất đông các đoàn thân nhân liệt sĩ tới viếng. Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh có 18 cán bộ nhân viên đều trực đầy đủ để phục vụ các đoàn đến viếng.

Không chỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh mà ở các nghĩa trang liệt sĩ, các đền thờ liệt sĩ và di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đều nhộn nhịp hơn ngày thường. Tại đền thờ và Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nhơn Trạch, từ ngày 20-7 đã có rất đông đoàn viên thanh niên của huyện tới làm vệ sinh, lau chùi sạch sẽ các phần mộ, rút bớt các chân hương đã đầy, bỏ thêm cát sạch vào bát hương, vệ sinh sạch sẽ các tủ thờ, đồ thờ và bàn ghế tiếp khách tới viếng. Đoàn viên thanh niên còn vệ sinh sạch sẽ, sau đó làm lễ viếng tại Khu di tích Giồng Sắn (ấp Bến Đình, xã Phú Đông).

Bà Trần Thị Sen (quê huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) viếng chú ruột là liệt sĩ Trần Văn Loan.
Bà Trần Thị Sen (quê huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) viếng chú ruột là liệt sĩ Trần Văn Loan.

Anh Trần Hoàng Sự, Bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch, cho biết Nghĩa trang liệt sĩ huyện mới xây nên chưa có nhiều phần mộ liệt sĩ như các nơi khác, nhưng huyện còn có đền thờ liệt sĩ, di tích Địa đạo Rừng Sác, di tích Giồng Sắn... do đó vào các dịp, đặc biệt là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7, đoàn viên thanh niên đều tới để trước làm vệ sinh sạch sẽ khang trang, sau đó tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh. Vào tối 27-7 này, đoàn viên thanh niên trong huyện còn tổ chức trang trọng buổi lễ thắp nến tri ân các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện để thể hiện tấm lòng biết ơn các liệt sĩ.

Theo Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Nguyễn Thanh Hiền, vào tối 27-7 các nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh sẽ rực sáng với hàng ngàn ngọn nến lung linh được đoàn viên thanh niên thắp để tri ân các liệt sĩ hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây là dịp quý báu để tuổi trẻ tỉnh Đồng Nai được giáo dục và bồi đắp truyền thống cách mạng và làm ấm thêm các nghĩa trang liệt sĩ.

Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, các nghĩa trang liệt sĩ và đền thờ liệt sĩ đều đã được các Phòng Lao động - thương binh và xã hội cử cán bộ, nhân viên túc trực để làm vệ sinh, tiếp đón thân nhân các liệt sĩ tới viếng. Với những thân nhân ở xa tới viếng, có giấy giới thiệu của địa phương được Sở hỗ trợ công tác đi lại. Tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Sở đã cử cán bộ công chức trẻ thay nhau hàng ngày làm công tác vệ sinh, trực đón các gia đình liệt sĩ tới thăm viếng mộ cho thêm phần ấm cúng, yên lòng cho các liệt sĩ.

Hàng trăm người viếng mộ tập thể liệt sĩ hy sinh tại Sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân 1968

Kể từ sau buổi lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ hy sinh tại Sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân 1968 tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh ngày 12-7, tới nay vẫn có hàng trăm tổ chức và cá nhân đến viếng mộ. Dòng người đến viếng là đại diện của các đơn vị, tổ chức, thân nhân và đồng đội của các liệt sĩ. Nhiều gia đình, đồng đội ở miền Bắc, miền Trung mới được hay tin đã quy tập được hài cốt các liệt sĩ trong Sân bay Biên Hòa đã không quản ngại đường xa tới viếng mộ, bày tỏ lòng tri ân với các liệt sĩ.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều