Báo Đồng Nai điện tử
En

Người hiếm của cộng đồng

11:07, 24/07/2017

Trong số 19 bà mẹ Việt Nam anh hùng của huyện Tân Phú hiện chỉ còn 2 người còn sống. Đây cũng là địa phương có bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống ít nhất của tỉnh...

Trong số 1.095 bà mẹ Việt Nam anh hùng do Đồng Nai quản lý hồ sơ, chỉ có 78 người còn sống. Trong số 19 bà mẹ Việt Nam anh hùng của huyện Tân Phú hiện chỉ còn 2 người còn sống. Đây cũng là địa phương có bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống ít nhất của tỉnh.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ký (86 tuổi, ngụ xã Nam Cát Tiên) được con trai nuôi Trần Văn Hòa chăm sóc từng bữa ăn.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ký (86 tuổi, ngụ xã Nam Cát Tiên) được con trai nuôi Trần Văn Hòa chăm sóc từng bữa ăn.

2 bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ký và Nguyễn Thị Châu rất được chính quyền địa phương, người dân quý mến, dành nhiều sự hỗ trợ.

* Sống trong tình yêu thương

Vừa đút cơm cho mẹ, anh Trần Văn Hòa, con trai nuôi Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ký (86 tuổi, ngụ xã Nam Cát Tiên) vừa nói giọng năn nỉ: “Mẹ gắng ăn thêm muỗng nữa. Mẹ ăn thêm muỗng nữa thôi cho có sức khỏe. Muỗng này là muỗng cuối rồi mẹ...”. Nói muỗng cuối hơn cả chục lần, nhưng sau mỗi muỗng cuối anh Hòa lại “dụ” mẹ ăn thêm bằng cách kể những chuyện xảy ra trong xóm làng để mẹ vui mà chịu ăn tiếp cho đến khi hết chén cơm.

Còn bà mẹ Nguyễn Thị Ký dù làm vẻ mặt khó chịu, liên tục kêu ngán quá nhưng vẫn mở miệng để người con trai nuôi gắn bó với bà hơn 40 năm qua đút từng muỗng thức ăn. “Có nó chăm sóc tôi vui lắm. Nó ngoan từ lúc còn bé. Bây giờ lớn lên, vợ chồng nó lo cho tôi từ miếng ăn giấc ngủ”- mẹ Nguyễn Thị Ký nói.

Ngoài sự chăm sóc của con trai, mẹ Ký còn được các cấp chính quyền và nhân dân quan tâm, dành nhiều sự ưu ái. “Hàng tháng mẹ lãnh tiền theo chế độ của Nhà nước được 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh, huyện còn hỗ trợ tiền cho mẹ.Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo của huyện, xã, đoàn y bác sĩ trong tỉnh rất hay đến nhà thăm hỏi, khám bệnh, cấp thuốc tại nhà cho mẹ. Bà con hàng xóm thì không phải nói, rất hay đến chơi với mẹ.

Trước đây khi chưa trải qua ca mổ chân, mỗi lần các cấp chính quyền, đoàn thể mời tham gia hoạt động tại địa phương là mẹ đều có mặt. Nhưng gần 2 năm trở lại đây mẹ không còn tham dự nữa. Vậy nên mỗi lần có người đến thăm mẹ vui lắm và hay giữ lại trò chuyện”- anh Trần Văn Hòa nói.

Sống cách đó hơn 30km là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Châu (84 tuổi, ngụ xã Phú Thanh) có 2 con trai hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Trải qua những nỗi đau trong quá khứ, giờ đây cuộc sống của mẹ có nhiều niềm vui cùng con cháu, xóm làng.

Vừa ngồi pha nước uống bữa trà chiều, mẹ Nguyễn Thị Châu cho hay: “Mẹ vui nhất là được huyện, xã mời đi dự lễ. Đến nơi mọi người rất quan tâm đến mẹ. Còn ở nhà thì nhiều đoàn thể đến thăm hỏi gia đình, thắp nhang lên bàn thờ liệt sĩ. Điều này làm mẹ vui vì thấy những cống hiến của gia đình không bị lãng quên. Năm 2012, gia đình mẹ còn được chính quyền địa phương tạo điều kiện xây nhà kiên cố. Hiện mỗi tháng mẹ được nhận 5 triệu đồng do Nhà nước cấp, một số cơ quan đơn vị cũng hỗ trợ chế độ chăm sóc sức khỏe rất chu đáo. Con cháu rất có hiếu, ngoan nên mẹ càng vui hơn”.

* Những nhân chứng sống

Không chỉ được người thân, hàng xóm, mọi người quan tâm, phụng dưỡng, 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ký và Nguyễn Thị Châu còn là niềm tự hào của địa phương, là minh chứng sống cho những mất mát, tinh thần dân tộc qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, mẹ Nguyễn Thị Ký có con trai duy nhất là liệt sĩ Trần Văn Thạch hy sinh năm 1969. Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 2003. Bản thân mẹ cùng người chồng thứ 2 là ông Đoàn Văn Thành được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba vào năm 2008 vì có thành tích trong hoạt động kháng chiến.

Cuộc đời mẹ Ký trải qua nhiều mất mát, chồng trước và con trai duy nhất đều tham gia kháng chiến rồi hy sinh. Mẹ được tổ chức mai mối đi thêm bước nữa với người đồng đội lúc bấy giờ cũng không còn gia đình, nhưng cả 2 đến với nhau mà không có con.

Sau ngày giải phóng, mẹ sống lủi thủi một mình trong căn nhà nhỏ. Thấy hoàn cảnh đơn chiếc của mẹ, người em gái đã đưa đứa con nhỏ cho mẹ Nguyễn Thị Ký chăm sóc. Đứa bé Trần Văn Hòa do mẹ nuôi nấng ngày nào giờ đã là giáo viên đang làm việc tại xã Nam Cát Tiên. Đây là niềm vui và điểm nương tựa của mẹ trong những năm tháng cuối đời.

Là giáo viên, mỗi khi nói về truyền thống lịch sử vẻ vang cùng những mất mát hy sinh lớn lao của dân tộc với học trò, anh Hòa luôn chia sẻ với các em câu chuyện của mẹ mình và đưa học trò đến thăm, trò chuyện.

“Không phải tôi khoe thành tích của gia đình mà qua câu chuyện của mình, tôi muốn học sinh được gặp gỡ những nhân chứng đã đi qua 2 cuộc chiến tranh của dân tộc, để các em thêm yêu Tổ quốc, biết ơn những người đã ngã xuống, cống hiến vì đất nước”- anh Hòa chia sẻ.

Riêng với mẹ Nguyễn Thị Châu, những mất mát trong quá khứ khi 2 lần tiễn con ra đi để rồi sau đó lần lượt nhận giấy báo tử vẫn không phai mờ trong tâm trí. Mẹ Châu tâm sự: “Đến giờ khi nghĩ đến các con, mẹ vẫn rất buồn, nhớ con. 2 con hy sinh đối với mẹ là mất mát lớn lắm, nhưng làm sao ngăn được con vì đó là bổn phận, trách nhiệm của nó cũng như bao thanh niên khác khi đất nước lâm nguy”.

Văn Truyên

Tin xem nhiều