Báo Đồng Nai điện tử
En

Cải thiện chỉ số PAPI

10:08, 06/08/2017

Hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, Đồng Nai đang đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó có việc cải thiện chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là PAPI).

Hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, Đồng Nai đang đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó có việc cải thiện chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là PAPI).

Tình nguyện viên hướng dẫn người dân viết hồ sơ tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai.
Tình nguyện viên hướng dẫn người dân viết hồ sơ tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai.

PAPI là chỉ số đo lường và theo dõi hiệu quả công tác quản trị, điều hành hệ thống cơ quan nhà nước của 63 tỉnh, thành trong cả nước dựa trên trải nghiệm và cảm nhận mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ công. Tại Đồng Nai, chỉ số PAPI năm 2016 đạt 34,86 điểm, được đánh giá ở cấp độ 3 (nhóm đạt điểm trung bình thấp).

* Chỉ số PAPI chưa cao

Tập trung chỉ đạo nâng cao chỉ số PAPI

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng đã đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo nâng cao chỉ số PAPI, nhất là các chỉ số còn đạt thấp. Theo đó, tập trung vào giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính; chú ý thêm việc tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở, nơi gần dân nhất, nơi các thủ tục hành chính được thực thi nhiều nhất để lắng nghe, thấu hiểu và cải tiến cho phù hợp với thực tiễn địa phương.

PAPI có 6 chỉ số nội dung, gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai - minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công và cung ứng  dịch vụ công.

Trong năm 2016, có 4/6 chỉ số nội dung của chỉ số PAPI của Đồng Nai tăng so với năm 2015 là: tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai - minh bạch, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công. Có 2 chỉ số nội dung giảm là: trách nhiệm giải trình với người dân, cung ứng  dịch vụ công.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu PAPI (do Học viện Hành chính quốc gia và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tổ chức), dựa trên kết quả chỉ số PAPI 2016 của tỉnh cho thấy hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính đã được cải thiện nhiều nhưng các khía cạnh khác của quản trị công thì kém hơn.

Cụ thể, việc công khai, minh bạch chưa được quan tâm đúng mức, người dân ít biết về công khai ngân sách. Hình thức công khai còn đơn giản, chưa sáng tạo, không hiệu quả. Chưa quan tâm đến nâng cao nhận thức của người dân về chính trị, chưa đa dạng các kênh thông tin về chính trị. Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở chưa nhiều; chưa đưa được người dân hoặc ghi nhận ý kiến người dân mang tính hình thức trong quá trình lấy ý kiến về kế hoạch sử dụng đất đai.

Theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên viên cao cấp lĩnh vực quản trị và hành chính công của Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Đồng Nai cần áp dụng biện pháp tổng thể với các mục tiêu ưu tiên, lộ trình, kết quả đầu ra và tác động cụ thể để giải quyết những thách thức kể trên.

Theo đó, người dân cần được tạo điều kiện tham gia đầy đủ vào quá trình hoạch định chính sách, thực thi và giám sát thực hiện chính sách; cần ưu tiên đầu tư nâng cao chuyên môn và cải thiện thái độ của đội ngũ cán bộ - công chức; tạo lập văn hóa cởi mở, công khai ở tất cả cơ quan công quyền.

* Nâng cao chỉ số PAPI

Vừa qua, tại hội thảo tham vấn các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công do UBND tỉnh phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, TS.Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá cao nỗ lực của Đồng Nai trong quyết tâm cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị nhà nước và hành chính công.

Ông cho rằng, Đồng Nai đang triển khai chương trình cải cách hành chính đúng hướng, chỉ số PAPI năm 2017 sẽ được cải thiện. Cụ thể, TS. Bùi Phương Đình đánh giá cao mô hình một cửa liên thông hiện đại thực hiện dịch vụ hành chính công được hoàn thiện từ dưới lên, làm tốt từ cấp xã, huyện, tỉnh.

Trong đó, tỉnh đã tập trung làm tốt 2 nội dung về cải cách hành chính: cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt là mô hình Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai đi vào hoạt động có hiệu quả với nhiều cách làm hay, như: có hệ thống khảo sát mức độ hài lòng của người dân trên phần mềm một cửa góp phần nâng cao thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính; Tổng đài dịch vụ công 1022 tiếp nhận các vướng mắc, kiến nghị về thủ tục hành chính; trang dịch vụ công trên Zalo hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến…

Theo nhóm nghiên cứu PAPI, thời gian tới Đồng Nai cần quan tâm hoàn thiện kết nối hệ thống thủ tục liên thông hiện đại cả 3 cấp; đồng bộ hóa trang thiết bị cho các bộ phận một cửa cấp xã, phường. Đồng thời, thay đổi thang đo đánh giá sự hài lòng của người dân về thái độ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính công để tạo kênh đánh giá, phản hồi chuẩn hơn (hiện nay chỉ có hài lòng - không hài lòng).

Bên cạnh đó, cần quán triệt cách tiếp cận trong công khai minh bạch thông tin cần chuyển từ công khai của chính quyền sang thuận tiện cho người dân; xác lập cơ chế 3 bên: chính quyền cấp huyện, xã, phường; MTTQ và chủ đầu tư các dự án nhằm công khai, thông suốt thông tin về các công trình, dự án tiến hành trên địa bàn; rà soát, xây dựng, bổ sung nội dung đào tạo bồi dưỡng công chức cấp xã, huyện về các kỹ năng thiết thực trong giao tiếp hành chính…

Ngọc Thư

Tin xem nhiều