Báo Đồng Nai điện tử
En

Những ký ức không quên

11:08, 18/08/2017

Ngày 19-8 của 72 năm trước, người dân Hà Nội đã vùng lên lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vang dội. Hòa vào khí thế đó, người dân cả nước, trong đó có người dân tỉnh Biên Hòa (tên gọi cũ của tỉnh Đồng Nai) cũng đã tham gia khởi nghĩa, lập nên chính quyền cách mạng, chính quyền của dân, do dân, vì dân.

Ngày 19-8 của 72 năm trước, người dân Hà Nội đã vùng lên lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vang dội. Hòa vào khí thế đó, người dân cả nước, trong đó có người dân tỉnh Biên Hòa (tên gọi cũ của tỉnh Đồng Nai) cũng đã tham gia khởi nghĩa, lập nên chính quyền cách mạng, chính quyền của dân, do dân, vì dân. 

Đánh chiếm Bắc Bộ phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8-1945.
Đánh chiếm Bắc Bộ phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8-1945.

2 địa điểm diễn ra khởi nghĩa giành chính quyền rất quan trọng đối với phong trào cách mạng tỉnh Biên Hòa là quận Long Thành (nay là huyện Long Thành) và TX.Biên Hòa (nay là TP.Biên Hòa). Với những người đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa, sự kiện trọng đại ấy mãi là ký ức không quên.

Ở tuổi 91, bà Phan Thị Chi (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) vẫn nhớ mãi ngày 24-8-1945 ở quê mình. Là thôn nữ quanh quẩn nơi thôn làng, mắt thấy dân làng khốn khổ vì cuộc sống “một ách hai tròng” của địa chủ và thực dân Pháp nhưng bà Chi chỉ cho rằng đó là số phận, phải cam chịu. Cho đến ngày 24-8-1945, nghe mọi người rủ nhau theo đàn ông, trai tráng trong làng lên quận Long Thành cướp chính quyền, bà đi theo dù chưa bao giờ nghe đến từ cách mạng, cộng sản.

Từ 5 giờ sáng, bà Chi cùng người dân trong làng đi bộ lên trung tâm thị trấn Long Thành. Suốt dọc đường, người ở các nơi kéo về đông nghẹt: công nhân cao su Bình Sơn, An Viễng và đồng bào Lộc An theo lộ 25 đi ra, dân các xã dọc lộ 15 từ Thái Thiện, Tuy Long, Long An dồn lên; từ Bến Gỗ, Phước Tân, Tam Phước, An Lợi, Tam An, Thanh Nguyên dồn xuống; đồng bào từ Ông Kèo, Phước An, Phước Hiệp, Phước Lai, Phước Kiển theo lộ 19; Phước Thành, Long Tân, Phú Thạnh, Mỹ Hội theo lộ 17 về Phước Thiền rồi tiến thẳng vào thị trấn. Xã nào cũng có đoàn tham gia, đoàn nào cũng cầm cờ đỏ sao vàng. Ngay cả người dân ở Phước Khánh xa xôi cũng theo ghe tập trung ở Phú Hữu, Phước Thành từ chiều hôm trước để cùng đi.

Dọc đường đi, các đội viên Thanh niên Tiền phong của Long Thành, Bình Sơn do thầy giáo Chỏi lãnh đạo mặc quần soóc có mặt khắp nơi làm nhiệm vụ, canh gác, nhất là xung quanh trung tâm thị trấn. Đến 9 giờ thì cả thị trấn Long Thành tràn ngập trong biển người, tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu âm âm kéo dài không dứt.

Khoảng 10 giờ, lực lượng xung phong của Ủy ban khởi nghĩa cầm vũ khí chia làm 2 cánh kéo vào dinh quận trưởng, lính gác dinh cũng có vũ khí nhưng không dám chống cự, còn Quận trưởng Hội mặt mày tái mét.

Đồng chí Trịnh Văn Dục nhân danh chính quyền cách mạng tuyên bố: “Kể từ giờ phút này chính quyền cũ phải chấm dứt hoạt động từ huyện đến xã. Chính quyền cách mạng đại diện cho quyền lợi của nhân dân trong huyện bắt đầu làm việc. Quận trưởng thay mặt chế độ cũ phải giao toàn bộ hồ sơ, sổ sách, kho tàng, vũ khí, thả hết các phạm nhân. Cách mạng là sự nghiệp của mọi người, sẵn sàng khoan hồng cho tất cả những ai đã trót tham gia chế độ cũ”. Sau lời tuyên bố hùng hồn của đồng chí Dục, biển người bên ngoài đồng loạt hô vang: “Việt Nam độc lập muôn năm. Chính quyền cách mạng muôn năm”.

Quận trưởng Hội ngoan ngoãn bàn giao hết hồ sơ sổ sách, kho tàng, vũ khí cho cách mạng. Ngay sau đó, một cuộc mít tinh lớn đuợc tổ chức ngay trung tâm quận, có cả phái đoàn cán bộ đại diện cho Xứ ủy miền Đông là các đồng chí: Dương Bạch Mai, Đào Duy Kỳ, Hà Huy Giáp cũng tham gia. Ủy ban cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào, do đồng chí Trịnh Văn Dục làm Chủ tịch. Khi mít tinh bế mạc, người dân các xã lại kéo về địa phương, tiến hành giải tán hội tề và tiếp nhận chính quyền.

Chứng kiến cuộc cách mạng làm thay đổi lịch sử, bà Chi cảm nhận cuộc sống trước đây của mình thật quẩn quanh, chật hẹp, vị kỷ làm sao, nhưng quan trọng hơn là bà đã tìm thấy được mục tiêu của đời mình, đó là phục vụ vì tự do, độc lập của đất nước và hạnh phúc của người dân. Từ đó, bà Chi tham gia hoạt động cách mạng và cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của mình.

 Bà Nguyễn Thị Nghiệp (89 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) là cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia hoạt động tại Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), sau đó chuyển về hoạt động ở Tân Uyên (lúc đó thuộc tỉnh Biên Hòa).

Bà Nghiệp kể, Biên Hòa tổ chức khởi nghĩa muộn hơn so với Long Thành. Từ ngày 24-8-1945, cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm của Việt Minh và cờ sao vàng đỏ của lực lượng Thanh niên tiền phong đã được treo ở hãng máy cưa BIF, Ga xe lửa Biên Hòa, Bưu điện; ngày 25-8 thì lực lượng cách mạng đã kiểm soát tất cả các cơ quan, công sở trong TX.Biên Hòa như Tòa án, Kho bạc, Trại giam Biên Hòa, căn cứ lính bảo an tỉnh. Đến ngày 27-8-1975, Ủy ban khởi nghĩa tổ chức mít tinh, chính thức ra mắt chính quyền cách mạng.  

Sáng sớm hôm ấy, hàng ngàn đồng bào ở TX.Biên Hòa, Tân Uyên, Vĩnh Cửu, có cả một số người dân ở Long Thành, Xuân Lộc, Châu Thành (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đổ về khu vực Quảng trường Sông Phố (trước trụ sở UBND tỉnh ngày nay) tham dự mít tinh. Để dự lễ, người dân Tân Uyên, Vĩnh Cửu lớp đi bộ, lớp chèo ghe từ nửa đêm để xuống Biên Hòa.

Tại cuộc mít tinh, đồng chí Dương Bạch Mai, Thanh tra chính trị miền Đông đã diễn thuyết trước đông đảo quần chúng, công bố: kể từ hôm nay cùng với đồng bào cả nước, đồng bào tỉnh Biên Hòa đã thoát khỏi gông xiềng của 80 năm nô lệ thực dân Pháp, không còn bị đè đầu cưỡi cổ, sưu cao thuế nặng. Đồng chí kêu gọi đồng bào một lòng, một dạ đi theo cách mạng, theo mặt trận Việt Minh, theo chính phủ Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo để đưa nước nhà tiến lên độc lập và tự do.

Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Biên Hòa do đồng chí Hoàng Minh Châu làm Chủ tịch cũng được công bố. Đồng chí Hoàng Minh Châu tuyên bố chính quyền cách mạng là của nhân dân, vì thế đồng bào trong tỉnh hãy cùng chung sức với chính quyền xây dựng chế độ mới.

Hàng ngàn người phấn khởi hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm” và chia thành nhiều đoàn đi diễu hành với cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ tỏa ra các đường phố của Biên Hòa hô vang các khẩu hiệu chào mừng cách mạng thành công. Cuộc diễu hành kéo dài đến tận trưa, người dân Biên Hòa đã để sẵn bánh, nước cho những người diễu hành. Niềm vui sướng vì nước nhà được độc lập lan tỏa trên mặt tất cả mọi người...

Nam Hà

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích