Báo Đồng Nai điện tử
En

Nở hoa việc tốt

10:08, 23/08/2017

Xuất phát từ trách nhiệm với cộng đồng, nhiều tổ chức, cá nhân tại huyện Long Thành đã có những việc làm từ thiện để giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào nghèo đang gặp khó khăn...

Xuất phát từ trách nhiệm với cộng đồng, nhiều tổ chức, cá nhân tại huyện Long Thành đã có những việc làm từ thiện để giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn.

Cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng (ngụ KP.Phước Thuận, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) bên cháu Lê Thanh Nga (cháu gái bà Nguyễn Thị Rõ) được bà giúp đỡ sách vở, đóng tiền trường.
Cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng (ngụ KP.Phước Thuận, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) bên cháu Lê Thanh Nga (cháu gái bà Nguyễn Thị Rõ) được bà giúp đỡ sách vở, đóng tiền trường.

Cũng từ đó, những con bò giống có giá vài chục triệu đồng hay vốn hỗ trợ người nghèo sản xuất và những phần học bổng...đã đến với người nghèo, học sinh khó khăn.

* Từ những phần quà cho học trò nghèo...

Cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng (66 tuổi, ngụ KP.Phước Thuận, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) cho biết: “Bác Hồ từng có câu nhắc nhở thiếu nhi: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Tôi hiện tuổi tuy cao nhưng sức vẫn còn thì vẫn cố gắng giúp đời, vẫn lấy câu: “Tùy theo sức của mình” của Bác để nhắc bản thân tiếp tục đóng góp cho cộng đồng. Mong sao sẽ có nhiều mạnh thường quân cùng với chính quyền địa phương tiếp sức để cho con cháu đều được đến trường học hành đến nơi đến chốn”.

Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì niềm vui của con em trong ngày tựu trường luôn đi kèm với nỗi lo của cha mẹ về chuyện tiền nong. Đó là tình cảnh của bà Nguyễn Thị Rõ (69 tuổi, ngụ KP.Phước Thuận, thị trấn Long Thành) đang nuôi cháu gái học lớp 4.

Bà Rõ kể: “Cha mẹ của cháu tôi bỏ nhau rồi sau đó có gia đình riêng. Do không có nhà ở nên bà cháu phải thuê phòng trọ với giá 1 triệu đồng/tháng. Số tiền dành dụm để sau này lo cho hậu sự của tôi đã phải đem ra trả tiền thuê nhà, mua đồ dùng trong phòng trọ, lo cho cháu đi học được hơn 1 năm, giờ không còn đồng nào”.

Để có tiền lo cho cháu đi học, bà Rõ nhận giữ trẻ cho một gia đình gần xóm trọ với tiền công 2 triệu đồng/tháng. Trả tiền thuê nhà, điện, nước xong bà còn dư 900 ngàn đồng.

Bấy nhiêu chỉ đủ 2 bà cháu ăn uống tằn tiện hơn nửa tháng. Những ngày còn lại đều trông chờ vào sự giúp sức khi lon gạo, khi con cá, ít tiền của bà con hàng xóm.

Biết được hoàn cảnh của 2 bà cháu, cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng (66 tuổi, ngụ cùng khu phố) đã tìm đến để giúp đỡ. Ngoài phần quà là nhu yếu phẩm, trước ngày tựu trường năm học 2017-2018, bà Hồng còn tặng thêm 500 ngàn đồng để đóng tiền trường. Cách một vài ngày khi có thực phẩm, bà Hồng lại tìm đến để chia sẻ với 2 bà cháu như người thân trong gia đình.

Không chỉ có bà Hồng mở lòng mình giúp đỡ hoàn cảnh kém may mắn, mà đoàn viên thanh niên tại Huyện đoàn Long Thành cũng được biết đến với vai trò đỡ đầu, tiếp sức cho học sinh nghèo có cơ hội đến trường.

Theo anh Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Huyện đoàn Long Thành, việc làm này đã được đơn vị thực hiện 2 năm qua và đến nay vẫn duy trì đều đặn. Trong đó, mỗi chi đoàn ở các cơ quan, đơn vị trong huyện, tùy theo khả năng đóng góp của đoàn viên sẽ đảm nhận đỡ đầu hàng tháng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền từ 200-300 ngàn đồng/tháng. Nhờ cách làm này, Huyện đoàn đã góp phần cùng với chính quyền các cấp trong huyện ngăn dòng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh kém may mắn.

* ...Đến những đồng vốn làm kinh tế

Bên cạnh những phần quà, suất học bổng tiếp sức cho học sinh đến trường, không ít cá nhân tại huyện Long Thành đã trở thành chỗ dựa để người khó khăn vươn lên thay đổi cuộc sống.

Tại xã Lộc An có ông Lâm Quang Tín hỗ trợ bò sữa giống cho bà con gặp hoàn cảnh khó khăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập. Theo ông Trương Văn Lộc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc An, đã 3 năm nay năm nào ông Tín cũng hỗ trợ bà con khó khăn trong xã 3-4 con bò sữa giống. Sau khi bò sinh sản và cho sữa, ông Tín lại tiếp tục bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá ưu đãi.

 Ông Nguyễn Văn Đạo, nông dân khó khăn được nhận 2 con bò sữa giống,  cho biết: “Cách đây 3 năm tôi được ông Tín hỗ trợ 2 con bò sữa giống. Đến nay tôi đã có 4 con bò sữa, trong đó có 1 con đang cho thu sữa hàng ngày. Tuy cực vì phải cắt cỏ nhiều, chăm sóc kỹ hơn so với những giống bò khác song tôi rất vui vì mình có một số vốn trong tay và lo được bữa ăn hàng ngày của bản thân từ tiền bán sữa”.

Ở Long Thành, việc giúp đỡ người khó khăn phát triển kinh tế như cách làm của ông Tín không hiếm hoi mà trái lại rất phổ biến. Trong số này phải kể đến vợ chồng cựu chiến binh - cựu giáo chức Phan Vũ Kiệt và Nguyễn Thị Gái (ngụ xã Long Phước).

Không chỉ đứng ra giúp vốn cho người khó khăn theo cách âm thầm “mình làm mình biết”, ông Kiệt còn chủ động bỏ ra 50 triệu đồng để gửi Hội Cựu chiến binh xã quản lý và cho hội viên khó khăn có nhu cầu phát triển kinh tế vay vốn làm ăn. Nhờ đó, nhiều hoàn cảnh kém may mắn đã có chỗ dựa để vươn lên.

“Gia đình tôi thờ di ảnh Bác Hồ trang trọng trên bàn thờ chính. Những đức tính sáng trong của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương cho các thành viên trong gia đình học tập. Ngoài cần cù lao động, chấp hành tốt quy định của pháp luật, gia đình luôn giúp đỡ người khó như cách học tập theo lời căn dặn của Bác: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”- vợ chồng cựu chiến binh - cựu giáo chức Phan Vũ Kiệt và Nguyễn Thị Gái nói.

Văn Truyên

 

 

 

Tin xem nhiều