Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề rèn người

07:10, 16/10/2017

Kiểm tra Đảng là một công việc "khó, khô và khổ", nhưng đầy tính nhân văn. Ai đã "tơ vương" với nghề phải có lòng đam mê và tâm huyết mới có thể gắn bó lâu dài.

Kiểm tra Đảng là một công việc “khó, khô và khổ”, nhưng đầy tính nhân văn. Ai đã “tơ vương” với nghề phải có lòng đam mê và tâm huyết mới có thể gắn bó lâu dài.

Cán bộ kiểm tra các cấp trong tỉnh trao đổi nghiệp vụ năm 2017.
Cán bộ kiểm tra các cấp trong tỉnh trao đổi nghiệp vụ năm 2017.

Đồng chí Hoàng Thị Lài, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, chia sẻ: “Trước đây tôi làm giáo viên, sau đó được phân công sang môi trường công tác Đảng. Khi mới chuyển từ nghề “trồng người”, sang nghề “rèn người”, tôi đã đứng trước bao thử thách khó khăn. Thậm chí có lúc đứng trước nhiệm vụ được giao tôi tưởng chừng mình không thể hoàn thành, bởi tình trạng diễn ra ở một số tổ chức Đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên quá phức tạp làm tôi cảm thấy muốn chùn bước”.

* Khó nhưng nhân văn

Đồng chí Đặng Vũ Hiệp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Phú, cho biết mỗi khi cán bộ kiểm tra phát hiện, xử lý sai phạm của cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng sẽ tạo niềm tin rất lớn cho quần chúng tốt, khi đó họ sẽ sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Cán bộ kiểm tra cần phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống; đấu tranh trung thực, không né tránh, không ngại khổ, không ngại va chạm và không có tư tưởng “vùng cấm” cũng là yếu tố tạo lòng tin cho quần chúng.

Đồng chí Hoàng Thị Lài kể: “Không ít lần tác nghiệp, tôi cảm thấy một chút tự ti, mặc cảm, thậm chí muốn buông xuôi khi bị đối tượng xúc phạm, làm tổn thương vì đụng chạm đến lợi ích cá nhân và chức vị của họ. Nhưng khi công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đã giúp cán bộ, đảng viên nhận thấy sai phạm của mình, quyết tâm sửa chữa, sống có trách nhiệm hơn với gia đình, xã hội… tôi lại thấy tự hào về nghề kiểm tra. Công việc này không những có ý nghĩa về chính trị - xã hội, về công tác xây dựng Đảng mà còn mang tính nhân văn sâu sắc”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Biên Hòa Trần Thị Mai Thảo bộc bạch khi tiến hành kỷ luật một đảng viên hoặc tổ chức Đảng, cán bộ kiểm tra rất “đau”. Vừa rồi, qua đơn thư phản ánh, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Biên Hòa đã chủ động tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1 tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ cơ sở trong việc thực hiện quy chế làm việc của chi bộ, việc thực hiện công tác tổ chức sinh hoạt Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng..., đồng thời kiểm tra bí thư chi bộ này.

Qua kiểm tra, chi bộ và đồng chí bí thư chi bộ đều có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Đồng chí bí thư chi bộ đã bị cách hết các chức vụ trong Đảng. Lúc mời đồng chí này lên nhận quyết định kỷ luật, đồng chí nói đã có 33 năm công tác trong ngành giáo dục, vậy mà trước lúc về hưu lại phải nhận quyết định kỷ luật của Đảng. “Nghe đồng chí của mình nói, chúng tôi rớt nước mắt. Nhưng vì tính nghiêm minh của Đảng, cán bộ kiểm tra không thể làm khác” - đồng chí Trần Thị Mai Thảo chia sẻ.

* Bản lĩnh với nghề

Theo nhiều cán bộ kiểm tra, tình hình đơn thư tố cáo đảng viên ngày càng diễn biến phức tạp. Mỗi kỳ đại hội Đảng các cấp, bầu cử HĐND hoặc làm công tác đề bạt bổ nhiệm cán bộ, tình hình đơn thư tố cáo lại càng “nóng”. Quá trình giải quyết đơn thư tố cáo, cán bộ kiểm tra gặp không ít khó khăn. Có người tố cáo nhận thức nội dung sự việc chưa đầy đủ, nên khi mới thấy hiện tượng đã viết đơn tố cáo, đến lúc cán bộ kiểm tra yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh nội dung nêu trong đơn thì không cung cấp được, thậm chí có trường hợp chỉ nghe người khác nói đã làm đơn tố cao.

Nhiều đơn tố cáo nội dung chung chung, có đơn vừa phản ánh vừa tố cáo, gửi đơn nhiều lần dù đã được cấp thẩm quyền kết luận. Một số trường hợp gửi đơn vượt cấp đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết; tình trạng nhiều người cùng ký tên trong một đơn tố cáo hoặc mạo tên, giấu tên... diễn ra khá nhiều. Điều đó làm công tác phân loại, hướng dẫn, xác định nội dung, đối tượng bị tố cáo mất rất nhiều thời gian.

Bản thân người bị tố cáo, bên cạnh một số có ý thức trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng, tự giác giải trình khi tổ chức yêu cầu, thì không ít cán bộ, đảng viên bị tố cáo thiếu tự giác, giải trình quanh co, đổ lỗi cho khách quan. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bị tố cáo sai, bị vu oan.

Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Trảng Bom cho rằng để giải quyết đơn thư tố cáo, cán bộ làm công tác tiếp nhận và xử lý đơn phải nắm vững nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật. Cán bộ kiểm tra Đảng phải nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, tận tâm với công việc để việc nghiên cứu, xử lý, phân loại nội dung đơn thư mới đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Nguyễn Duy Khương cho biết tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm sẽ giấu rất kỹ sai phạm. Chỉ khi cán bộ kiểm tra có chứng cứ rõ ràng, họ mới thừa nhận hành vi của mình. Tinh thần tự giác, tính Đảng của đảng viên giảm, đó cũng là biểu hiện suy thoái. Cán bộ kiểm tra không vui khi phải xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên nhưng cán bộ, đảng viên đã mắc vi phạm khuyết điểm thì phải kỷ luật. Điều này làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, làm cho sức chiến đấu của Đảng được mạnh hơn.

Phương Hằng

Tin xem nhiều