Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm sao ngăn chặn suy thoái? (bài 1)

04:10, 17/10/2017

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ những biểu hiện về suy thoái mà cán bộ, đảng viên đã và đang mắc phải. Đẩy lùi suy thoái là vấn đề không đơn giản nhưng cần phải làm ngay, không thể chần chừ.

[links()]Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã chỉ rõ những biểu hiện về suy thoái mà cán bộ, đảng viên đã và đang mắc phải.

Đây là căn bệnh được xác định làm giảm sự tin tưởng của người dân vào Đảng mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, đảng viên đang thực thi nhiệm vụ. Nhận diện ra sao, kiểm soát như thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái là vấn đề không đơn giản nhưng cần phải làm ngay, không thể chần chừ.

Bài 1: Nhận diện suy thoái

Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tại hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Việc ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn khó khăn”.

Việc thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai giúp quy trình giải quyết hồ sơ minh bạch, rõ ràng, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Việc thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai giúp quy trình giải quyết hồ sơ minh bạch, rõ ràng, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Mặc dù đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái, trong đó có 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống; 9 biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ nhưng việc nhận diện suy thoái vừa dễ lại vừa khó.

Ông Vy Văn Vũ, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, cho biết: Công tác cán bộ là một trong những vấn đề quan trọng quyết định sự trong sạch vững mạnh của Đảng. Mỗi cán bộ đảng viên thực sự trong sạch vững mạnh sẽ góp phần làm cho Đảng ta thêm trong sạch vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, phải có sự giám sát thường xuyên, liên tục ngay tại cơ quan, đơn vị làm việc và ở khu dân cư. Đây là điều rất cần thiết để quần chúng và nhân dân đánh giá, nhận xét và góp ý cho cán bộ, đảng viên chưa thực hiện tốt nhiệm vụ thì thực hiện tốt hơn, có khuyết điểm thì cần sửa chữa. Trong tăng cường giám sát cán bộ, đảng viên cần tránh sự nể nang, né tránh những khuyết điểm, không dám nói thẳng, nói thật. Nếu chúng ta không làm tốt vấn đề này thì đây chính là kẽ hở để những cái xấu, cái chưa tốt có chỗ để làm giảm sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên.

* Lộ diện suy thoái

Tháng 1-2017, Ban TVTU đã có Quyết định số 688-QĐ/TU thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với ông Võ Thanh Tùng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Biên Hòa, nguyên Trưởng phòng Nội vụ TP.Biên Hòa.

Đây là quyết định kỷ luật khá nghiêm khắc đối với một cán bộ đang giữ trọng trách quan trọng trong Đảng bộ thành phố.

Trước đó, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ Thành ủy viên, Trưởng phòng Nội vụ TP.Biên Hòa, ông Võ Thanh Tùng đã vi phạm khi chủ trương chi khen thưởng cho các ấp, khu phố đạt danh hiệu ấp, khu phố văn hóa thấp hơn số kinh phí đã quyết toán với tổng số tiền 723 triệu 590 ngàn đồng. Ông Tùng đã sử dụng không đúng mục đích 511 triệu 175 ngàn đồng, đồng thời nhận hối lộ 70 triệu đồng để tuyển dụng 1 cán bộ công chức cấp phường vào tháng 6-2015.

Mới đây nhất, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng đã ra quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Tấn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa (nguyên Bí thư chi bộ, Giám đốc Ban Quản lý dự án TP. Biên Hòa) bằng hình thức khiển trách.

Sở dĩ ông  Nguyễn Tấn Long phải chịu hình thức kỷ luật này là do trong thời gian làm Giám đốc Ban Quản lý dự án TP. Biên Hòa đã thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện dự án cầu Xóm Mai (phường Trảng Dài) dẫn đến một số thủ tục, hồ sơ  thực hiện không đúng quy định; dự án đi vào giai đoạn thi công không được kiểm soát chặt chẽ.

Chính sự thiếu giám sát, thiếu trách nhiệm nên chỉ sau khoảng 1 tháng nghiệm thu, vào ngày 5-5-2017, dự án đã xảy ra sự cố sập bờ kè. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật gây dư luận không tốt.

 TX.Long Khánh vừa qua cũng đã kiểm điểm bà Lê Thị L., công chức tư pháp, hộ tịch phường Xuân Trung, hình thức cảnh cáo do vi phạm tư cách đạo đức, lối sống, vay mượn tiền người dân sử dụng vào mục đích cá nhân nhưng không trả.

Việc thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai giúp quy trình giải quyết hồ sơ minh bạch, rõ ràng, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Thư
Việc thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai giúp quy trình giải quyết hồ sơ minh bạch, rõ ràng, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Thư

Hay như bà Nguyễn Thị D.A., Hiệu trưởng một trường mầm non của TP.Biên Hòa, bị kỷ luật khiển trách do vi phạm giờ giấc làm việc, có lời nói thiếu văn hóa, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.

Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Tạ Quang Trường, qua kiểm tra thực thi công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức cho thấy, hạn chế rõ nhất vẫn là việc người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chú trọng kiểm tra các quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; ý thức tinh thần trách nhiệm trong công việc chưa được  thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo thực hiện chưa thật sự quyết liệt, chưa xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, một số đơn vị, địa phương thực hiện còn hình thức, chưa có bộ phận theo dõi, kiểm tra giám sát cụ thể; công tác tham mưu chưa chủ động nên chưa phát huy hiệu quả tích cực; một số trường hợp người dân phản ảnh nhưng chưa được xử lý kịp thời, gây bức xúc cho người dân.

Mặc dù thời gian qua tỉnh đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện mô hình “một cửa” liên thông hiện đại, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trang bị tương đối đầy đủ cơ sở vật chất, tuy nhiên tình trạng người dân phản ảnh việc giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn vẫn còn xảy ra, giải quyết chưa đúng quy trình, thủ tục gây phiền hà cho người dân.

Theo thông tin từ Sở Nội vụ, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã nhắc nhở 398 trường hợp; phê bình tập thể, cá nhân: 101 trường hợp; xử lý kỷ luật 47 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Cụ thể là những lỗi, như: vi phạm giờ giấc làm việc; sử dụng rượu bia trong giờ làm việc; vi phạm đạo đức, lối sống; vi phạm trong công tác quản lý thu chi…

* Xử lý suy thoái

Ai cũng có thể suy thoái nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan đơn vị, có nhiều nguy cơ hơn cả.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, năm 2016 tổng số đảng viên bị thi hành kỷ luật trong toàn Đảng bộ là 304 người. Trong đó, cấp thi hành kỷ luật: ban thường vụ huyện ủy (tương đương) là 18 đảng viên; Đảng ủy cơ sở: 68 đảng viên; chi bộ: 157 đảng viên và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 61 đảng viên, có 26 cấp ủy viên. 

Nội dung vi phạm chủ yếu liên quan đến chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; vi phạm những điều đảng viên không được làm, phẩm chất; lối sống; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo; tham nhũng, cố ý làm trái; nguyên tắc tập trung dân chủ; tài chính; đất đai; đoàn kết nội…

Theo đồng chí Huỳnh Văn Hồng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, năm 2016, tỷ lệ đảng viên bị thi hành kỷ luật chiếm 0,4% trên tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh, so với mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra là dưới 0,6%. Tuy nhiên, kết quả này so với năm 2015 tăng 0,06%, trong đó số lượng cấp ủy viên bị vi phạm kỷ luật chiếm 25% trong tổng số đảng viên bị kỷ luật.

Thực tế này cho thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên và không ít cấp ủy viên thực hiện chưa tốt trách nhiệm nêu gương, học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều này cũng đã được chỉ rõ qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Đồng Nai là địa phương được Trung ương đánh giá thực hiện việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khá nghiêm túc.

Báo cáo kết quả thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2016 của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo và cán bộ thuộc diện Ban TVTU quản lý gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Tỉnh ủy nhận xét: Phần lớn các đồng chí đều được tập thể lãnh đạo nơi công tác thống nhất nhận định không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và còn một số đồng chí được đánh giá là có biểu hiện của một phần suy thoái (biểu hiện cụ thể là còn nể nang, ngại va chạm, thiếu sâu sát cơ sở). Sau kiểm điểm, tất cả các đồng chí đều viết bản cam kết sửa chữa, khắc phục hạn chế khuyết điểm.

Nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh trong chuyến về kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 05 “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại Đồng Nai cho rằng có những biểu hiện suy thoái rất dễ nhận ra, như về đạo đức, lối sống nếu có sự sâu sát và kiểm tra, giám sát thường xuyên. Nhưng cũng có những loại suy thoái rất khó nhận diện như suy thoái về tư tưởng, nhận thức.

Thậm chí suy thoái đang có biểu hiện nghiêm trọng hơn, không những cán bộ, đảng viên làm mất niềm tin mà ngay cả trong những mối quan hệ rất thiêng liêng như trong gia đình, tình thầy trò...

Nhóm phóng viên Văn hóa - xã hội

Bài 2: Nêu gương tốt chống suy thoái

Tin xem nhiều