Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm sao ngăn chặn suy thoái? (bài 2)

11:10, 18/10/2017

Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là mối quan tâm lớn của Đảng. Đặc biệt, đối với những cán bộ, đảng viên đang công tác ở những ngành nhạy cảm, như: tài nguyên - môi trường, cảnh sát giao thông, hải quan, thuế, cấp giấy phép đầu tư… Công tác phòng chống những "căn bệnh" trên không hề đơn giản.

[links()]Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là mối quan tâm lớn của Đảng. Đặc biệt, đối với những cán bộ, đảng viên đang công tác ở những ngành nhạy cảm, như: tài nguyên - môi trường, cảnh sát giao thông, hải quan, thuế, cấp giấy phép đầu tư… Công tác phòng chống những “căn bệnh” trên không hề đơn giản.

Bài 2: Nêu gương tốt chống suy thoái

Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Hoàng (giữa) thăm một hộ nông dân sản xuất giỏi của huyện.
Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Hoàng (giữa) thăm một hộ nông dân sản xuất giỏi của huyện. Ảnh: Huy Anh

Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vừa diễn ra, đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên cũng như đột xuất cùng tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đổi mới tác phong làm việc, thật sự dân chủ, khoa học, sát với dân, “nói đi đôi với làm”.

* Chịu khó lắng nghe

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: “Vẫn còn có cán bộ, đảng viên nói chưa đi đôi với làm, thái độ trách nhiệm chưa cao trong công việc, trong thực hiện nhiệm vụ, trong phục vụ dân, chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chưa tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến khuyết điểm, sai phạm đến mức phải thi hành kỷ luật Đảng, kỷ luật chính quyền. Trong đó, có vấn đề rất đáng quan tâm, đó là nhiều địa phương, đơn vị có cán bộ sai phạm, khuyết điểm đến mức phải xử lý kỷ luật nhưng trước đó vẫn được đánh giá tốt. Điều này cho thấy, ở một số cấp ủy thực hiện bảo vệ cái đúng, cái tốt, đấu tranh với những tiêu cực, cái xấu, cái ác chưa thực sự mạnh mẽ, quyết liệt”.

Cách đây 3 năm, khi được phân công làm Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ, bà Nguyễn Thị Hoàng không khỏi lo lắng. Lo lắng bởi bà không phải là người dân địa phương, Cẩm Mỹ lại là huyện còn nhiều khó khăn, tốc độ phát triển chậm, ngành nghề mũi nhọn để tạo đột phá không có…

“Để nắm bắt được tình hình, ngay khi nhận nhiệm vụ, tôi tập trung thời gian đi cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện bàn bạc, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương. Chúng tôi xác định rằng, nông nghiệp vẫn là mũi nhọn của huyện và phải dồn sức thực hiện. Trong đó, dù đi sau các huyện khác trong xây dựng nông thôn mới nhưng chúng tôi cho rằng: chậm nhưng chắc và kết quả phải thực chất” - bà Hoàng chia sẻ.

Nhờ sự sâu sát của Bí thư Huyện ủy, nhất là việc tích cực chỉ đạo việc ứng dụng, hướng dẫn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp mà đến nay Cẩm Mỹ đã có 9/13 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Tình hình kinh tế - xã hội địa phương phát triển ổn định; tổng giá trị sản xuất trên địa bàn và giá trị sản xuất ở một số ngành, như: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ đều tăng.

Đã nhiều năm nay, vào mỗi buổi sáng từ 6 giờ 30 đến trước 7 giờ 45, ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh, đều có mặt tại quán cà phê nằm liền kề với Trung tâm Văn hóa - thể thao thị xã gặp gỡ các văn nghệ sĩ và người dân đang sinh sống trên địa bàn để nghe họ chia sẻ những câu chuyện đời, chuyện nghề. Từ những câu chuyện nắm bắt được từ người dân, ông Hoàng không tiếc thời gian tìm hiểu, đến tận nơi viết thành bài để đưa lên trang thông tin điện tử của thị xã giới thiệu đến các tầng lớp nhân dân.

Với những kiến nghị, phản ảnh của người nông dân về thiếu điện, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt, địa bàn mất an ninh trật tự... đều được ông chuyển đến cơ quan chức năng hay báo cáo lãnh đạo thị xã xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Theo ông Bùi Viết Đồng, nghệ sĩ nhiếp ảnh đang sinh sống tại TX.Long Khánh, mỗi năm câu lạc bộ nhiếp ảnh thị xã đều tổ chức các đợt sáng tác ảnh. Tuy nhiên, hội viên rất khó tiếp cận với các công ty, trang trại để vào chụp ảnh hoặc để tổ chức trưng bày ảnh do anh em sáng tác. Khi gặp mặt và nói lên khó khăn tại buổi cà phê sáng với ông Phạm Văn Hoàng, ông đã giúp liên hệ để được tạo điều kiện vào sáng tác ảnh, đứng ra tìm kiếm địa điểm tổ chức triển lãm.

* Gương mẫu đi đầu

Bí thư Đảng ủy, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Tân Phú Nguyễn Văn Quản cho biết: “Ngành thuế là ngành có đặc thù riêng, khá nhạy cảm. Do vậy, bản thân tôi cùng Ban Chấp hành Đảng ủy luôn nhắc nhở, quán triệt trong tập thể cán bộ, đảng viên của đơn vị phải chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhắc nhở đến từng đảng viên những điều được và không được làm của người đảng viên. Để từ đó, trong quá trình tiếp xúc với quần chúng nhân dân sẽ nhận được sự tin tưởng, tạo thiện cảm tốt”.

Bên cạnh làm tốt công tác chuyên môn, ông Quản còn là người luôn quan tâm chăm lo đời sống cán bộ, công chức trong cơ quan, tạo sự công bằng, dân chủ trong các hoạt động an sinh xã hội của đơn vị.

“Mỗi năm theo quy định cán bộ thuế được thưởng 2,5 tháng lương. Nếu thưởng theo kiểu mức lương ai cao thì nhiều tiền còn ai thấp thì ít sẽ rất thiệt thòi cho người đến sau. Vậy nên tôi đã đưa ra ý kiến và được tập thể đồng thuận là trong các khoản thưởng thì từ lãnh đạo đến nhân viên đều được hưởng bằng nhau. Ban đầu có một vài ý kiến chưa đồng thuận, nhưng qua phân tích điều hay, lẽ thiệt, nêu cao tinh thần tương trợ nên ai cũng đồng tình”, ông Quản chia sẻ.

Bà Vũ Thị Minh Châu, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho hay muốn đấu tranh với các biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra thì trước hết là phải tiếp tục củng cố tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đó là việc nói phải luôn đi đôi với làm, thẳng thắn trong công tác phê và tự phê bình trong Đảng. Bên cạnh đó, cần phải chăm lo nâng cao đời sống của nhân dân. Trảng Bom đang quyết liệt chỉ đạo công tác nâng cao đời sống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hồ Văn Hà, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho rằng, để tiếp tục đưa Xuân Lộc trở thành huyện nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao, rất cần tính tiên phong gương mẫu, làm hết trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, mà trước hết là tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu. Cán bộ, đảng viên phải gần dân, làm hết trách nhiệm để lo cho dân có cuộc sống ngày một tốt hơn.

 Việc gần dân cũng là cơ hội để nhân dân đánh giá phê bình cán bộ của Đảng đã làm tốt nhiệm vụ của mình hay chưa. Bởi suy cho cùng, cán bộ không làm tốt nhiệm vụ của mình, không gần gũi với dân cũng chính là một biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự  chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra.

Nhóm phóng viên Văn hóa - xã hội

Bài 3: Giải pháp ngăn chặn suy thoái

Tin xem nhiều