Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi chắp cánh cho những phi công Việt

08:11, 07/11/2017

Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay đã giúp Việt Nam đào tạo rất nhiều phi công lái máy bay chiến đấu, đồng thời hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa lực lượng không quân. Nhiều phi công được đào tạo bài bản từ Liên Xô trở về đã thể hiện trình độ và bản lĩnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay đã giúp Việt Nam đào tạo rất nhiều phi công lái máy bay chiến đấu, đồng thời hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa lực lượng không quân. Nhiều phi công được đào tạo bài bản từ Liên Xô trở về đã thể hiện trình độ và bản lĩnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

>>> Bài 1: Bước ngoặt lịch sử

>>> Bài 2: Ánh sáng soi đường của cách mạng Việt Nam

>>> Bài 3: Nước Nga, niềm nhớ

Ông Nguyễn Ngọc Ngân bên tấm ảnh chụp chung với giáo viên và đồng đội khi học phi công ở Liên Xô từ năm 1980-1984
Ông Nguyễn Ngọc Ngân bên tấm ảnh chụp chung với giáo viên và đồng đội khi học phi công ở Liên Xô từ năm 1980-1984

Ông Nguyễn Ngọc Ngân (hiện ở phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) là một trong những phi công được đào tạo bài bản tại Liên Xô từ năm 1980-1984. Khi về nước, ông Ngân được phân công làm nhiệm vụ ở nhiều sân bay quân sự, trong đó có Sân bay Biên Hòa (thuộc Trung đoàn 935, Sư đoàn 370).

Những kỷ niệm khó quên

Sau hơn 30 năm công tác trong lực lượng không quân, năm 2015 ông Ngân về nghỉ chế độ với quân hàm trung tá. Nhà ở gần Sân bay Biên Hòa nên mỗi lần nghe thấy tiếng máy bay chiến đấu gầm rú oai hùng tập luyện trên bầu trời Biên Hòa, ông Ngân lại cảm thấy nhớ đường băng và bầu trời. Ông Ngân kể, trước năm 1980 ông đã hoàn thành một khóa bay sơ cấp với loại máy bay cánh bằng ở trong nước. Trong một đợt tuyển phi công đi đào tạo lái máy bay chiến đấu phản lực ở Liên Xô năm 1980, ông may mắn được chọn đi cùng với nhiều đồng đội khác.

Thời điểm ấy tình hình Việt Nam và cả ở Liên Xô rất khó khăn, nhưng những người bạn Liên Xô trước sau như một đều hỗ trợ hết mình cho những người bạn Việt Nam như ông Ngân. Học viên phi công Việt Nam được đào tạo với chế độ đặc biệt, cứ 4 học viên lại có 1 giáo viên phụ trách. Mọi vấn đề từ lý thuyết tới thực hành bay đều được giáo viên Liên Xô chỉ bảo ân cần nhưng rất nghiêm khắc. Các thầy giáo Liên Xô tận tụy kèm cặp học viên Việt Nam trên những chuyến bay đôi, khi học viên có đủ trình độ, bản lĩnh thì được cho bay đơn.

Ngoài những buổi học ở lớp và trên đường băng, ông Ngân còn cùng với đồng đội tranh thủ học thêm tiếng Nga. Người dân Liên Xô rất quý mến người Việt Nam, bởi Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa nhỏ bé nhưng đã chiến đấu dũng cảm trước nhiều kẻ thù lớn. Người Liên Xô không chỉ nhiệt tình dạy tiếng Nga mà còn mời về nhà ăn tối, nói chuyện rôm rả như người nhà. “Đó là những tình cảm đặc biệt mà người Liên Xô luôn dành cho người Việt Nam” - ông Ngân xúc động nói.

Còn ông Nguyễn Minh Tiến, nguyên Phó phòng Kỹ thuật máy bay động cơ, Cục kỹ thuật (Quân chủng Phòng không - không quân), là cán bộ giàu kinh nghiệm, người được ví như “bác sĩ máy bay”. Hiện ông Tiến đã nghỉ chế độ với cấp bậc đại tá, sinh sống tại phường Tân Phong (TP.Biên Hòa). Ông Tiến có 2 lần được sang Liên Xô học tập về kỹ thuật máy bay quân sự. Sau khi Liên Xô tan rã, ông còn có thêm nhiều chuyến công tác sang Cộng hòa liên bang Nga để tiếp nhận các loại máy bay chiến đấu thế hệ mới, hiện đại, như: Su 30MK2 và sửa chữa các loại động cơ máy bay chiến đấu… ông Tiến chia sẻ: “Liên Xô nay đã có tên gọi mới là Cộng hòa liên bang Nga, nhưng con người và tình cảm dành cho người Việt vẫn không đổi, vẫn luôn chân thành, nhiệt tình khó có nơi nào sánh bằng” 

Xúc động ngày trở lại

Có hơn 8 năm học ở Liên Xô, chính vì vậy những kỷ niệm của ông Phạm Văn Chính ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) càng trở nên sâu sắc và khó phai. Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, ông Chính đã cùng vợ và nhiều đồng đội thăm lại nước Nga, thăm lại ngôi trường từng học, ngôi nhà từng ở và gặp lại một số người bạn cũ. Ông Chính đánh giá nước Nga ngày nay đã phát triển hơn trước rất nhiều, nhưng những gì thuộc về di sản của Liên Xô trước đây vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. điều đó làm cho ông Chính và các đồng đội càng xúc động khi quay trở lại đây.

Ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ: “Khi chúng tôi sang Liên Xô học tập, người Liên Xô rất quý mến và nhiệt tình với chúng tôi. Trong mắt người Liên Xô, Việt Nam là một đất nước kiên cường, người Việt Nam học tập ở Liên Xô rất chăm chỉ, thông minh và cầu thị. Người Liên Xô đã giúp đỡ chúng tôi gần như vô điều kiện. Đó là lý do chúng tôi không thể nào quên họ”.

Ông Chính cho biết trong 8 năm ở Liên Xô thì có 4 năm ông học phi công. Về Việt Nam một thời gian ngắn, ông lại được cử sang học tập ở Học viện quân chính Lênin (nay là Đại học quân sự Nga). Ông Chính khẳng định: “Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay đã là một phần ký ức không thể nào phai nhòa trong tôi”.

Nhiều người đồng đội với ông Chính từng học tập tại nước Nga sau này đã trở thành những nhân tố nòng cốt cho lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam. Ông Chính cho biết cả khóa đào tạo phi công ở Liên Xô gồm 19 người khi về nước năm 1977 đã được cử ngay về tiếp quản Sân bay Nước Mặn ở Đà Nẵng để thành lập Sư đoàn 375. Nhiều người trong số đó đã trở thành giáo viên đào tạo ra nhiều lớp phi công lái máy bay phản lực chiến đấu cho nhiều đơn vị không quân trong cả nước. Một số người được chuyển ngành sang công tác tại Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Các thế hệ phi công của Không quân Việt Nam anh hùng được đào tạo ở Liên Xô trước đây vẫn luôn nhớ về đất nước này như một phần ký ức của họ. Nhờ có sự giúp đỡ chí tình của những người bạn Liên Xô mà Không quân Việt Nam đã có được lực lượng phi công hùng mạnh, bản lĩnh. Để những ký ức về Liên Xô không mai một, những người như ông Nguyễn Ngọc Ngân, Phạm Văn Chính vẫn kết nối với nhau, có dịp lại tổ chức họp mặt, ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng, giáo dục cho thế hệ trẻ những tài sản vô giá trong mối quan hệ chí tình Việt Nam - Liên Xô trước đây.

Giữ gìn và phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Mười

Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh, kể: “Ngày 7-3-1989, khi đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, tôi được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cử sang Liên Xô học 6 tháng. Lúc đó, Liên Xô với tôi như là một thiên đường của thế giới. Từ thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, tôi luôn hy vọng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đưa kinh tế đất nước phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao như “người anh cả” Liên Xô lúc bấy giờ.

Và thực tế, sau hơn 40 năm đất nước thống nhất, đặc biệt là sau 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam phát triển tương đối mạnh về mọi mặt, đời sống của người dân được quan tâm chăm lo và cải thiện rõ rệt.

Muốn xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa, theo tôi phải khôi phục lòng tin trong nhân dân vì  “người đẩy thuyền cũng là dân, người lật thuyền cũng là dân”. Để làm được điều này, Đảng và Nhà nước cần kiên quyết thiết lập lại trật tự kỷ cương, hạn chế án oan sai, xử lý nghiêm, triệt để tệ tham nhũng. Công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cần được tăng cường, công tác phát triển đảng viên không chạy theo chỉ tiêu mà nên đề cao chất lượng đảng viên...”. Nga Sơn (ghi)

Công Nghĩa

Tin xem nhiều