Báo Đồng Nai điện tử
En

Điểm tựa để người khiếm thị vươn lên

08:11, 21/11/2017

Hỗ trợ vay vốn sản xuất - kinh doanh, dạy nghề tạo việc làm, xây dựng nhà, tặng học bổng cho con em hội viên... là những việc làm ý nghĩa của các cấp Hội Người mù trong tỉnh nhằm giúp hội viên vơi bớt khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ vay vốn sản xuất - kinh doanh, dạy nghề tạo việc làm, xây dựng nhà, tặng học bổng cho con em hội viên... là những việc làm ý nghĩa của các cấp Hội Người mù trong tỉnh nhằm giúp hội viên vơi bớt khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Hội viên người mù làm nghề xoa bóp chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nhằm nâng cao tay nghề xoa bóp.
Hội viên người mù làm nghề xoa bóp chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nhằm nâng cao tay nghề xoa bóp.

Từ gợi ý, giúp đỡ của Hội Người mù tỉnh, anh Trần Thiện Minh, thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) được tham gia học nghề xoa bóp. Bằng tinh thần ham học hỏi, anh Minh đã làm nên “kỳ tích” với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng, trở thành tấm gương sáng cho hội viên khác noi theo.

* Ưu tiên dạy nghề, tạo việc làm

Sau khi học nghề xoa bóp tại Trung tâm đào tạo và phục hồi chức năng Hội Người mù Việt Nam ở Hà Nội trở về, anh Trần Thiện Minh đi làm cho các cơ sở xoa bóp để tích lũy thêm kinh nghiệm. Năm 2006, Hội Người mù tỉnh mở cơ sở xoa bóp, anh trở về làm. Càng làm anh càng nhận ra tay nghề của mình chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách nên anh  tiếp tục đi học lớp xoa bóp tại Thái Lan.

Theo đánh giá của Hội Người mù tỉnh, bằng những cố gắng của các cấp Hội trong nhiệm kỳ qua, đời sống của hội viên người mù được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hội viên nghèo giảm từ 26,94% (tính từ tháng 12-2012) xuống còn 11,3% (tính đến tháng 12-2016). Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Cao Nguyễn Huy, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên người mù giảm đáng kể nhưng nhìn chung đời sống của hội viên người phù so với mặt bằng chung của xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, rất cần thêm sự chung tay của toàn xã hội trong việc tạo điều kiện để người mù có thể sống bằng chính sức lao động của mình.

Anh Minh chia sẻ, sau khóa học anh có nhiệm vụ truyền đạt kiến thức đã học lại cho hội viên khác. Nhiệm vụ này không nặng nề nhưng lại chiếm thời gian nên để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình, anh tranh thủ lúc hết giờ hay ngày nghỉ làm thêm cho khách quen bên ngoài.

Với mong muốn thoát nghèo bền vững, anh Minh mạnh dạn về huyện Trảng Bom mở 2 cơ sở xoa bóp. Tuy gặp chút ít khó khăn nhưng bằng thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo, 2 cơ sở do anh làm chủ dần có được niềm tin của khách.

Hiện tại cơ sở của anh đang tạo việc làm cho 8 hội viên với mức thu nhập từ 3-7 triệu đồng/người/tháng. Riêng anh Minh đã có cuộc sống thoải mái trong căn nhà khang trang do chính mình gầy dựng.

Anh Trần Thiện Minh chỉ là một trong số nhiều trường hợp được Hội Người mù các cấp hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm. Bởi theo ông Cao Nguyễn Huy, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, dạy nghề và tạo việc làm phù hợp với khuyết tật mắt là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Hội nhằm giúp người mù thực sự thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào gia đình và xã hội.

Vì vậy, trong nhiệm kỳ qua Tỉnh hội đã cùng với Hội Người mù các huyện triển khai có hiệu quả các dự án vay vốn làm kinh tế gia đình. 5 năm qua, thông qua các nguồn quỹ, Hội đã hỗ trợ vốn cho trên 750 lượt hội viên.

Bên cạnh việc phối hợp với Trường cao đẳng y tế Đồng Nai tổ chức đào tạo nghề xoa bóp, các cấp Hội đã và đang duy trì ổn định hoạt động của 15 cơ sở, tổ, nhóm dịch vụ xoa bóp, giải quyết việc làm cho 52 hội viên với mức thu nhập ổn định bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, Tỉnh hội đã thành lập Câu lạc bộ vì sức khỏe cộng đồng để tập hợp cán bộ, hội viên đã được đào tạo nghề xoa bóp trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng nâng cao tay nghề xoa bóp cho các thành viên.

Ngoài ra, tại các Hội cơ sở cũng tổ chức dạy nghề, tạo việc làm như: dạy nghề đan thảm chùi chân ở Long Thành; gia công cây mì meo nấm mèo ở TX.Long Khánh; đan lát ở huyện Nhơn Trạch.

* Làm tốt vai trò “cầu nối”

Bên cạnh công tác hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm, các cấp Hội Người mù trong tỉnh còn đóng vai trò “cầu nối” để vận động các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho hội viên. Trong nhiệm kỳ, Hội đã vận động xây dựng được 18 căn nhà tình thương, sửa chữa chống dột cho 48 căn nhà với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.

Sáng mai 22-11 tại Nhà khách 71 sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Hội Người mù tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2017-2022 với sự tham dự của 85 đại biểu chính thức đại diện cho trên 1 ngàn hội viên trong tỉnh.

Căn nhà trị giá chỉ khoảng 40 triệu đồng, nhưng với chị Trần Thị Lan (ở xã Ngọc Định, huyện Định Quán) thì đó là căn nhà mơ ước nhờ sự vận động của Hội Người mù tỉnh.

Chị Lan kể, 31 tuổi chị mới tìm được cho mình bến đỗ hạnh phúc, nhưng không được bao lâu thì mỗi người một nơi. Chị ở trọ tại Bình Dương vừa đi làm nghề xoa bóp, vừa chăm sóc 2 con nhỏ. Mỗi dịp lễ, tết về thăm mẹ, 3 mẹ con chị Lan phải đi ở nhờ.

Cảm thông với hoàn cảnh của chị, Hội Người mù tỉnh vận động xây dựng cho chị căn nhà tình thương. Từ đó, mẹ con chị đã có nơi chốn để quay về, không phải đi ở nhờ anh em, hàng xóm, bản thân chị yên tâm làm việc kiếm tiền để chăm lo cho các con.

Bên cạnh vận động các phần quà trao cho cán bộ, hội viên vào các dịp lễ, tết, Hội Người mù từ tỉnh đến cơ sở còn vận động mạnh thường quân ủng hộ các suất học bổng tặng cho con hội viên có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích cao trong học tập. Đậy là nguồn động viên tinh thần giúp các em tiếp tục vượt khó vươn lên.

Vượt qua biết bao khó khăn, em Lê Nhật Tú (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) thi đậu vào Trường đại học quốc tế TP.Hồ Chí Minh. Cha mất, mẹ bị khiếm thị, thu nhập của chị gái không cao khiến việc học của Tú tưởng chừng bị gián đoạn. Nhờ nguồn hỗ trợ học bổng từ những năm học THPT đến đại học do Hội Người mù tỉnh, thành phố vận động, Nhật Tú được tiếp tục tới trường.

Nhật Tú bộc bạch, chỉ còn hơn 1 năm học nữa là em tốt nghiệp, dù khó khăn đến mấy em cũng sẽ cố gắng vượt qua. Ra trường, có việc làm ổn định cuộc sống của gia đình em sẽ bớt khó khăn hơn.

Nga Sơn

Tin xem nhiều