Báo Đồng Nai điện tử
En

Bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

07:01, 27/01/2018

Trải qua gần 5 năm (bắt đầu từ ngày 13-5-1968) với hơn 200 phiên họp chung công khai và hàng chục cuộc tiếp xúc riêng đến ngày 27-1-1973 tại Paris (Pháp), Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (còn gọi là Hiệp định Paris) đã được ký kết.

Trải qua gần 5 năm (bắt đầu từ ngày 13-5-1968) với hơn 200 phiên họp chung công khai và hàng chục cuộc tiếp xúc riêng đến ngày 27-1-1973 tại Paris (Pháp), Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (còn gọi là Hiệp định Paris) đã được ký kết.

Quang cảnh đàm phán Hiệp định Paris.
Quang cảnh đàm phán Hiệp định Paris.

Th.S Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, nhận định Hiệp định Paris là kết quả của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Qua đó, Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Điều này đã tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng.

* Thành quả đấu tranh kiên cường

Nội dung Hiệp định Paris:

- Mỹ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

- Mỹ rút hết quân viễn chinh và quân các nước thân Mỹ, phá hết các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

- Các bên để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị thông qua tổng tuyển cử tự do.

- Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có 2 chính quyền, 2 quân đội, 2 vùng kiểm soát và 3 lực lượng chính trị.

- Các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả cho nhau tù binh và dân thường bị bắt.

Ngày 31-3-1968, sau đòn bất ngờ, mạnh mẽ của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân của quân và dân ta, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và bắt đầu nói đến giải pháp thương lượng. Ngày 13-5-1968, cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu tại Paris. Thế nhưng vì muốn tìm kiếm cơ hội trên mặt trận quân sự, buộc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký kết bản Hiệp ước với những điều khoản có lợi cho mình mà phía Mỹ liên tục trì hoãn.

Từ năm 1969, Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đồng thời mở rộng phạm vi xâm lược ở Lào và Campuchia. Quân và dân ta đã phối hợp chặt chẽ với nhân dân Lào, Campuchia chiến đấu giành được những thắng lợi lo lớn, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trước nguy cơ đổ vỡ của Quân đội Việt Nam cộng hòa, Mỹ huy động trở lại lực lượng lớn không quân và hải quân ồ ạt tham chiến ở miền Nam và trở lại đánh phá miền Bắc.

Nhớ lại những ngày tháng 7-1972 ở thành cổ Quảng Trị, cựu chiến binh Đỗ Hữu Nhuận (ở phường An Bình, TP.Biên Hòa) khi ấy là chiến sĩ ở Trung đoàn 27 của Mặt trận Quảng Trị, kể bắt đầu từ cuối tháng 6-1972, không quân Mỹ bắt đầu ném bom rải thảm Quảng Trị để chuẩn bị các hoạt động bộ binh. Mục tiêu của Mỹ và Chính quyền Việt Nam cộng hòa là phải giành chiến thắng trước ngày 13-7-1972 lúc hội nghị Paris nhóm họp trở lại. Trước sự chống trả quyết liệt của quân giải phóng, Mỹ đã không thực hiện được âm mưu. Lúc này, Mỹ chọn bức tường của một nhà thờ bị Mỹ đánh phá cách thành cổ 3km để cắm cờ cho phóng viên quay phim, chụp hình hòng đánh lừa dư luận thế giới. Âm mưu này của Mỹ sớm bị phát hiện, khi quân Mỹ đang leo lên bức tường đổ nát để cắm cờ thì bị pháo binh của ta đồng loạt trút đạn, khiến cho Mỹ phải từ bỏ âm mưu cắm cờ lên Thành cổ Quảng Trị.

Không thể thực hiện được âm mưu đánh chiếm Quảng Trị, sau khi trúng cử Tổng thống, Richard Nixon lại âm mưu giành một thắng lợi quân sự quyết định và ngay lập tức mở cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Ông Ngô Văn Ý (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) - người tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội suốt 12 ngày đêm, cho biết bắt đầu từ tối 18 đến ngày 29-12-1972, máy bay Mỹ thay nhau bay kín bầu trời Hà Nội, Hải Phòng rồi ném bom ồ ạt xuống các khu đông dân cư, bệnh viện, trường học, bến xe, nhà ga... gây nhiều thương vong cho dân thường.

Ông Ý còn nhớ, trước khi diễn ra cuộc tập kích ông đã nghe thủ trưởng đơn vị truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Trung ương là các lực lượng vũ trang trong đó có các đơn vị không quân tăng cường chuẩn bị chiến đấu. Nhờ chuẩn bị tốt cả về tư tưởng, tổ chức, lực lượng và phương tiện nên quân và dân miền Bắc, mà trực tiếp là nhân dân Hà Hội và Hải Phòng, đã đánh trả địch những đòn đích đáng ngay từ những ngày đầu. Thắng lợi này buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấp nhận những điều khoản của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

* Tạo thời cơ giải phóng miền Nam

Hiệp định Paris chính thức được ký kết ngày 27-1-1973 và chỉ 2 tháng sau (ngày 29-3-1973) Mỹ đã phải rút hết quân về nước, Chính quyền Việt Nam cộng hòa mất đi chỗ dựa vững chắc, từ đó suy yếu và cục diện chiến trường thay đổi theo hướng có lợi cho ta.

Ông Ngô Văn Ý (bìa phải) và các cựu chiến binh phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) nhắc lại những kỷ niệm chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.
Ông Ngô Văn Ý (bìa phải) và các cựu chiến binh phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) nhắc lại những kỷ niệm chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

Dù phải rút khỏi Việt Nam, vì muốn giữ danh dự, uy tín và đặc biệt là quyền lợi, Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ Việt Nam. Bằng chứng là Mỹ giữ lại lực lượng cố vấn quân sự đội lốt dân sự, lập lại bộ chỉ huy quân sự trá hình, tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế cho Việt Nam cộng hòa. Đồng thời, tăng cường lực lượng mọi mặt, như: giúp chính quyền Việt Nam cộng hòa đôn quân, bắt lính, đưa thêm nhiều vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh... vào miền Nam Việt Nam.

Mặc dù được viện trợ, nhưng theo Th.S Trần Quang Toại, số viện trợ cho chính quyền Việt Nam cộng hòa lúc này không còn như trước. Bởi, sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ đã rơi vào tình trạng “khủng hoảng lòng tin”. Nhiều tài liệu lịch sử ghi chép lại cho thấy kinh tế Mỹ suy thoái, nạn lạm phát và thất nghiệp tăng lên, xã hội Mỹ bị rối loạn, nội bộ chính quyền và các đảng phái chia rẽ sâu sắc...

Trong khi đó, việc ký kết Hiệp định Paris và chấm dứt sự có mặt của Quân đội Mỹ trên đất nước ta đã tạo nên sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng ở Việt Nam. Không chỉ vậy, mà theo ông Phùng Duy Tường (phường Hòa Bình, TP. Biên Hòa) - nguyên Đội phó Đội biệt động TX.Biên Hòa lúc bấy giờ, sau Hiệp định Paris tâm thế của quân và dân ta lúc ấy phấn khởi và có thêm niềm tin mãnh liệt vào cuộc kháng chiến nhất định sẽ thành công. Vì vậy, quân và dân ta khi đối mặt với các trận đánh sau này cũng tự tin hơn.

Sau Hiệp định Paris, miền Bắc tranh thủ thời gian này để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, ổn định đời sống nhân dân... trở thành hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Từ những diễn biến có lợi sau Hiệp định Paris, đầu năm 1975 Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với 3 chiến dịch lớn mang tên: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và đỉnh điểm là Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn lần lượt diễn ra và giành thắng lợi đã đánh dấu thời khắc “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nga Sơn

Tin xem nhiều