Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng phong cách người đứng đầu và cán bộ, đảng viên

07:03, 15/03/2018

Xây dựng phong cách, tác phong công tác, lãnh đạo của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu theo tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ...

Tại hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong tỉnh chiều 13-3, PGS.TS Ngô Văn Thạo, cộng tác viên khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đã giới thiệu chuyên đề về: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên”.

Đồng chí Nguyễn Hữu Định, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, khen thưởng các tổ chức cơ sở Đảng trong khối đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu năm 2017
Đồng chí Nguyễn Hữu Định, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, khen thưởng các tổ chức cơ sở Đảng trong khối đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu năm 2017

 Xây dựng phong cách, tác phong công tác, lãnh đạo của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu theo tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đây cũng là một trong những biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Đảng và xã hội.

* Gần gũi với nhân dân

Theo PGS-TS. Ngô Văn Thạo, có 6 đặc trưng riêng trong phong cách Hồ Chí Minh, đó là: tư duy, làm việc, lãnh đạo, diễn đạt, ứng xử và phong cách sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận vấn đề trong mối quan hệ biện chứng, tìm ra bản chất bên trong. Muốn đánh thắng quân xâm lược, Người đã ra đi tìm đường cứu nước, sang nước Pháp để hiểu như thế nào. Người luôn tư duy, độc lập, tự chủ, sáng tạo, khoa học trong làm việc.

PGS-TS. Ngô Văn Thạo cho biết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn Sửa đổi lối làm việc. Trong tác phẩm này, Bác đã nói rất rõ cán bộ phải làm gì và làm như thế nào, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Để học tập và làm theo phong cách, tác phong công tác của Người, cán bộ, đảng viên nên đọc lại tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Trong cuốn sách, Bác đã chỉ ra một phong cách công tác mới: lấy lợi ích và hiệu quả thiết thực làm chuẩn mực cao nhất để đánh giá tác phong cán bộ và chất lượng công việc.

Là một nhà lãnh đạo, bận trăm công ngàn việc nhưng Bác Hồ vẫn dành được thời gian đi thăm đồng bào, trồng rau, nuôi cá… Theo thống kê trong vòng 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955-1965), Bác Hồ đã có trên 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội từ miền núi đến hải đảo.

Ngoài ra, hàng ngày Bác còn chịu khó đọc báo, đọc thư của nhân dân gửi lên, thấy có ý kiến hay, tiếp thu; việc gì cần giải quyết, Bác dùng bút đỏ đóng khung, chuyển tới cơ quan có trách nhiệm. Do đó, khi vào hội trường, ai nói đúng - sai hay bưng bít sự thật, Bác đều biết rõ.

Trong cách nói, cách viết của Bác hết sức giản dị, cụ thể, thiết thực, dễ hiểu với tất cả mọi người. Nhờ đó, nhiều câu nói, bài viết của Người đã đi vào lòng người, trở thành niềm tin, lời hiệu triệu, thôi thúc quần chúng tham gia mạnh mẽ các phong trào.

Là nhà văn hóa lớn của dân tộc và nhân loại, nhưng khi tiếp xúc với mọi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác. Điều đó lý giải vì sao, mỗi khi và ở đâu có Hồ Chí Minh xuất hiện là ở đó rộn niềm vui, những tiếng cười và sự hồ hởi không dứt.

* Làm việc khoa học, dân chủ

PGS-TS. Ngô Văn Thạo nhấn mạnh, cần học phong cách dân chủ, hay “cách làm việc dân chủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, học tập phong cách quần chúng, phong cách làm việc khoa học, phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: dân chủ là chìa khóa vạn năng giải quyết mọi vấn đề. Khi Bác ra đi tìm đường cứu nước, nước ta chưa có dân chủ, cả nước đang sống trong thời kỳ phong kiến và chế độ gia trưởng. Đến phương Tây, Bác thấy chỗ nào có dân chủ thì huy động được sức mạnh tập thể, khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần cống hiến của quần chúng nhân dân.

Theo Bác, cán bộ không bao giờ được “độc tôn chân lý”, phải thành thực lắng nghe ý kiến của cấp dưới thì mới được dân mến và nể trọng. Làm việc theo lối quan liêu thì dù có “đầy túi quần thông báo, đầy túi áo chỉ thị, công việc vẫn không chạy”. Tuy nhiên, dân chủ phải có định hướng, dân chủ phải đi đến tập trung chứ không phải dân chủ quá trớn, vô tổ chức.

Về xây dựng phong cách quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu người cán bộ phải gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của quần chúng. Người khẳng định, nếu “cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. PGS-TS. Ngô Văn Thạo bộc bạch hiện nay có một bộ phận cán bộ đương chức sống xa dân, không biết những người dân sống xung quanh mình là ai.

Về phong cách làm việc khoa học, Người làm việc gì cũng có mục đích, kế hoạch rõ ràng, thiết thực. Giờ nào, việc ấy, không luộm thuộm, không ôm đồm quá nhiều việc để rồi “đánh trống bỏ dùi”, gây lãng phí tiền của, nhân lực, thời gian của nhân dân.

Người yêu cầu cán bộ giải quyết công việc trên cơ sở dữ liệu khách quan, dựa trên nền tảng thực tế để lựa chọn phương án khả thi nhất và phương án đó phải đặt trong tổng thể chiến lược lâu dài. Không được rơi vào bệnh “cận thị” không trông xa, thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ tới mà chỉ chăm chú tỉ mỉ việc trước mắt. Không được vì cái lợi nhỏ trước mắt mà làm tổn hại đến lợi ích to lớn, lâu dài.

Trong mọi công việc, người cán bộ phải làm gương, thường xuyên cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm. Người nhắc cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải cứ viết lên trán chữ “cộng sản” là được yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”.

Phương Hằng

Tin xem nhiều