Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: Để trở thành mái ấm của người lao động

03:04, 22/04/2018

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động ở một địa phương có tới gần 1,2 triệu lao động, vai trò của công đoàn cơ sở (CĐCS) là hết sức quan trọng. Tổ chức Công đoàn phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, mới có thể tập hợp, thu hút đông đảo người lao động (NLĐ) tham gia, mới có thể trở thành mái ấm của giai cấp công nhân...

[links()]Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động ở một địa phương có tới gần 1,2 triệu lao động, vai trò của công đoàn cơ sở (CĐCS) là hết sức quan trọng. Tổ chức Công đoàn phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, mới có thể tập hợp, thu hút đông đảo người lao động (NLĐ) tham gia, mới có thể trở thành mái ấm của giai cấp công nhân.

* Cán bộ công đoàn: “Người đứng mũi chịu sào”

“Muốn làm tốt công tác Công đoàn tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người cán bộ Công đoàn phải là “người đứng mũi chịu sào”, phải có lập trường vững vàng, có trách nhiệm trong công tác, hiểu được vị trí, vai trò của Công đoàn và am hiểu pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ”, đó là chia sẻ chị Nguyễn Thị Vũ Phương, Phó chủ tịch CÐCS Công ty TNHH Unipax (khu công nghiệp Amata).

Chị Phương được Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa khen thưởng nữ cán bộ Công đoàn tiêu biểu năm 2017
Chị Phương được Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa khen thưởng nữ cán bộ Công đoàn tiêu biểu năm 2017

Là người nhiều năm tham gia công tác công đoàn, bằng sự mềm dẻo, khéo léo và am hiểu pháp luật, chị Phương đã cùng ban chấp hành CÐCS công ty phối hợp với chủ sử dụng lao động thực hiện nhiều hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho NLÐ như: nâng chất lượng bữa ăn giữa ca, thay đổi môi trường làm việc, khen thưởng công nhân có nhiều sáng kiến…Theo chị Phương, muốn CÐCS hoạt động hiệu quả, cán bộ Công đoàn phải tạo được sự tin tưởng của doanh nghiệp và giúp họ hiểu về lợi ích của Công đoàn. Một khi doanh nghiệp đã hợp tác tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động tốt, thì mọi phúc lợi của công nhân được Công đoàn đề xuất đều được doanh nghiệp xem xét và thực hiện. Muốn làm được điều đó, người cán bộ Công đoàn phải hết lòng vì lợi ích của tập thể.

Am hiểu pháp luật, kỹ năng thương lượng tốt, mềm dẻo, linh hoạt…là những gì ông Đinh Sỹ Phúc, đã thực hiện trong nhiều năm với vai trò Chủ tịch CĐCS Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2). Từ tiếng nói của Công đoàn,  nhiều mô hình chăm lo đời sống NLĐ đã ra đời. Điển hình nhất là siêu thị bán hàng trả sau cho công nhân, hệ thống vắt và lưu sữa cho công nhân đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Từ kiến nghị của Công đoàn, công ty cũng đã chi hơn 50 tỷ đồng để xây dựng trường mầm non cho con em công nhân.

Khám sức khỏe định kỳ cho công nhân Công ty TNHH ChangShin Việt Nam
Khám sức khỏe định kỳ cho công nhân Công ty TNHH ChangShin Việt Nam

Qua trao đổi với nhiều cán bộ CĐCS, hầu hết các ý kiến cho rằng, để mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, NLĐ, người cán bộ CĐ cần phải là thủ lĩnh của công nhân lao động, đặc biệt chủ tịch CĐCS phải là người “đứng mũi chịu sào”, thể hiện được mình là người đại diện cho số đông, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đòi hỏi Chủ tịch CĐCS phải nắm rõ kiến thức pháp luật, có bản lĩnh, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, nhất là phải nắm bắt được tâm tư, tình cảm, đời sống của NLĐ để trong quá trình thương lượng và đối thoại, đưa ra những đề xuất đúng thực tế của NLĐ với chủ sử dụng lao động.

Để xây dựng một đội ngũ cán bộ Công đoàn có bản lĩnh, trí tuệ, tinh thông nghiệp vụ, có kỹ năng thương lượng, đối thoại, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ CĐ, giỏi ngoại ngữ…là vấn đề mà Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đang hướng tới. Bà Nguyễn Thị Như Ý, Phó chủ tịch thường trực phụ trách Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết,  Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về Công đoàn và Bộ luật Lao động, đặc biệt chú trọng đến đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Công đoàn các đơn vị thuộc Công đoàn khu công nghiệp. Theo bà, một giải pháp kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mới cho CĐCS, đó là Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiến hành luân chuyển cán bộ Công đoàn xuống công tác tại cơ sở, giai đoạn đầu sẽ ưu tiên địa bàn có khu công nghiệp. Giải pháp luân chuyển không chỉ giúp nâng cao chất lượng và vai trò của tổ chức CĐCS mà còn giúp cán bộ có dịp cọ xát với thực tế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Công đoàn trẻ.

* Đổi mới để phát triển

Mặc dù thời gian qua, các CĐCS ở Đồng Nay đã có sự đổi mới, cải thiện đáng kể về chất lượng hoạt động, nhưng theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn trong một lần về Đồng Nai, ông vẫn băn khoăn về khâu cán bộ Công đoàn.

Một tiết mục văn nghệ của công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam
Một tiết mục văn nghệ của công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, tại một số doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn không phải do NLĐ bầu trực tiếp mà do các tổ chức chính trị - xã hội cơ cấu trước rồi đưa vào đại hội. Từ đó, hình thành đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở làm chính trị chứ không toàn tâm, toàn ý cho hoạt động Công đoàn. Vì thế, một số chủ tịch CĐCS chưa biết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của NLĐ, hoặc có lắng nghe nhưng không biết trình bày thế nào với chủ sử dụng lao động do năng lực, trình độ hạn chế. Do vậy, nguyện vọng của NLĐ không đến được với chủ doanh nghiệp. Chưa kể, đa phần cán bộ Công đoàn đều là kiêm nhiệm nên không toàn thời gian cho hoạt động Công đoàn. Mặt khác, cán bộ Công đoàn được chủ doanh nghiệp trả lương nên nhiều khi muốn đứng về phía công nhân cũng không dễ. Có những trường hợp cán bộ Công đoàn hoạt động nhiệt tình đã bị chủ doanh nghiệp gây sức ép, thậm chí cho thôi việc. Vì thế, để họ thực sự “dấn thân” là điều không hề đơn giản.

Trong buổi làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai mới đây, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, cán bộ Công đoàn được giao trọng trách rất cao cả là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ. Do đó, cán bộ Công đoàn muốn đối thoại tốt với doanh nghiệp nhất định phải nắm thật chắc luật cũng như tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt là phải nắm bắt được tâm lý chủ doanh nghiệp, để biết đề xuất điều gì và khi nào…

Do đó, để CĐCS thực sự là mái ấm của NLĐ, được cả giới chủ lẫn NLĐ tin tưởng, trong một chuyến công tác về Đồng Nai, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường  chia sẻ, trách nhiệm rất quan trọng của CĐCS ở Đồng Nai hiện nay là phải đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật cho NLĐ. Khi nắm Luật, NLĐ sẽ không bị chủ doanh nghiệp chèn ép.

Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành có số đoàn viên đông nhất cả nước nên Tổng Liên đoàn Lao động rất quan tâm. Cũng theo ông Bùi Văn Cường, tổ chức Công đoàn phải đặt lợi ích đoàn viên lên hàng đầu. Ngoài việc bảo vệ công đoàn viên bằng các chính sách pháp luật thì CĐCS còn phải tạo ra lợi ích rất cụ thể, thiết thực cho từng đoàn viên như: được giảm giá mua xăng dầu, giảm giá khi thuê phòng trọ, khi ăn uống ở nhà hàng, trợ giá khi mua nhà ở xã hội, siêu thị công đoàn, nhà trẻ mẫu giáo, tư vấn pháp luật và các thiết chế văn hóa thể thao, khám sức khỏe định kỳ…

Thực tế đã chứng minh, việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS là vô cùng quan trọng, quyết định sự phát triển của tổ chức Công đoàn, do đó để xây dựng Công đoàn ngày càng vững mạnh, việc cần thiết là phải  nâng cao nhận thức cho cán bộ Công đoàn các cấp về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Công đoàn thời kỳ mới, toàn diện, vững mạnh…Có như thế, tổ chức CĐCS mới thực sự trở thành ngôi nhà ấm áp của người lao động.

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều