Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng trách nhiệm trong quản lý, điều hành

11:04, 20/04/2018

Không né tránh những vấn đề nóng đang diễn ra trong đời sống xã hội, hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 (khóa X) vào ngày 19-4 dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy và Đinh Quốc Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã tập trung thảo luận nhằm tìm ra những giải pháp giải quyết hiệu quả.

Không né tránh những vấn đề nóng đang diễn ra trong đời sống xã hội, hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 (khóa X) vào ngày 19-4 dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy và Đinh Quốc Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã tập trung thảo luận nhằm tìm ra những giải pháp giải quyết hiệu quả.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư phát biểu tại kỳ họp.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư phát biểu tại kỳ họp.

Trong đó, đáng lưu ý là công tác quản lý về đất đai ở một số địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép, sai phép còn xảy ra; xem lại quy trình thu hút đầu tư, tăng cường kiểm tra, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để không còn những vụ việc như ở Công ty TNHH KL Texwell Vina (huyện Trảng Bom).

* Còn không ít doanh nghiệp như Texwell

Quý I-2018, số đảng viên vi phạm phải xử lý kỷ luật gia tăng. Những nội dung vi phạm chủ yếu là: vi phạm những điều đảng viên không được làm, mất đoàn kết nội bộ, phẩm chất lối sống… “Tại sao năm nào tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng tăng mà số vi phạm lại tăng? Điều này cần phải xem xét lại, nhất là về tính gương mẫu của đảng viên, trong đó trách nhiệm cao nhất là ở người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành” - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư băn khoăn.

Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Thanh Bình cho hay tính đến thời điểm này nguồn thu chủ yếu của Đồng Nai vẫn là từ xuất nhập khẩu, nhưng vẫn chưa đánh giá được giá trị thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là việc đóng góp vào ngân sách cho địa phương. Hơn thế nữa, qua sự việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn ở Công ty TNHH KL Texwell Vina, đặt ra vấn đề cần xem xét lại công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp này.

“Qua kiểm tra từ năm 2006 đến nay, Công ty TNHH KL Texwell Vina làm ăn liên tục thua lỗ. Chưa biết công ty này có đóng góp gì cho ngân sách địa phương nhưng việc tỉnh phải bỏ ra 8,3 tỷ đồng “giải cứu” cho công ty trong quý I-2018 vừa qua đã cho thấy có nhiều lỗ hổng trong quản lý” - đồng chí Huỳnh Thanh Bình nói.

Cũng theo Giám đốc Sở Tài chính, Công ty TNHH KL Texwell Vina đến Đồng Nai đầu tư theo hình thức thuê hết nhà xưởng, máy móc và lao động, chỉ thực hiện gia công. Trong khi tỉnh đang chú trọng doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, ít lao động thì đa số lao động ở Texwell là lao động phổ thông và sau khi lãnh đạo công ty bỏ trốn, số lao động này đều được các đơn vị khác tiếp nhận. Điều này đặt ra việc Đồng Nai vẫn đang thiếu trầm trọng nguồn lao động, chủ yếu lại là lao động phổ thông.

Giám đốc Sở kế hoạch - đầu tư Cao Tiến Dũng cho biết sau khi xảy ra vụ việc ở Công ty TNHH KL Texwell Vina, sở tiến hành rà soát và phát hiện toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp đang hoạt động như Texwell. Sở đã thành lập đoàn kiểm tra và hiện kiểm tra được 12 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này đều có đặc điểm chung là đi thuê nhà xưởng, máy móc, lao động, chỉ tiến hành gia công nhưng điều này được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, những sai phạm mà các doanh nghiệp này mắc phải đa số liên quan đến hợp đồng lao động và môi trường làm việc chưa đảm bảo.

Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh lưu ý cần kiểm soát những doanh nghiệp vốn ít nhưng lại thuê lao động nhiều khi đăng ký đầu tư vào Đồng Nai bởi tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, nhất là về chính sách bảo hiểm xã hội, thuế. “Kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài phải chú ý đến môi trường và nộp được bao nhiêu thuế chứ không phải tổng mức đầu tư là bao nhiêu. Nếu doanh nghiệp có mức đầu tư cao nhưng không nộp thuế, gây ảnh hưởng môi trường thì cũng không cho vào. Tôi cũng đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch - đầu tư và các đơn vị có liên quan nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp để quản lý hoạt động của doanh nghiệp được tốt hơn, hạn chế được rủi ro” - đồng chí Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.

* Nhiều sai phạm trong quản lý đất đai

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đóng góp ý kiến tại kỳ họp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đóng góp ý kiến tại kỳ họp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh: “Lãnh đạo các địa phương, đơn vị phải chủ động lên. Có vấn đề gì không rõ, không hiểu thì gọi điện hoặc có văn bản gửi ngay đến UBND tỉnh để kịp thời xử lý, giải quyết ngay, không để kéo dài. Riêng trong công tác quản lý đất đai lỏng lẻo, sai phạm, đừng nói là người đứng đầu các xã, phường không biết”.

Cơn sốt bất động sản thời gian gần đây đã kéo theo nhiều vấn đề đáng quan tâm nảy sinh trong đời sống xã hội, trong đó đáng chú ý là tình trạng phân lô, bán nền trái phép ở những địa bàn nóng như TP.Biên Hòa, các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch…

Theo đồng chí Phạm Xuân Hà, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom, hiện đang xuất hiện tâm lý mua bán đất bằng bất kỳ giá nào, không cần biết đất có hợp pháp hay không. Chính vì vậy mà tại Trảng Bom, số đơn thư khiếu kiện liên quan đến đất đai không hợp pháp đang gia tăng. “Hình thức phổ biến nhất hiện nay là lập vi bằng. Người mua tự vẽ ra quy hoạch, tự phân lô trên một tờ, một thửa đất nào đó rồi bán, văn phòng thừa phát lại lập vi bằng. Vấn đề đặt ra là văn phòng thừa phát lại có thực hiện đúng pháp luật hay không, nếu không đúng thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu?” - Bí thư Huyện ủy Trảng Bom băn khoăn.

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho hay hiện luật quy định về hoạt động thừa phát lại, trong đó có lập vi bằng chưa chặt chẽ. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai ở địa phương. Qua thực tế kiểm tra, Sở Tư pháp phát hiện nhiều sai phạm nhưng mức xử phạt rất thấp, không thấm vào đâu so với lợi nhuận văn phòng thừa phát lại thu được nên còn thiếu tính răn đe. 

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức thừa nhận tình hình kinh doanh bất động sản trái phép vẫn đang diễn ra, trong đó nổi lên là tình trạng mua bán đất nông nghiệp. Mặc dù Đồng Nai là địa phương có quy hoạch về sử dụng đất sớm và công bố công khai cho người dân biết nhưng nhiều trường hợp vẫn bất chấp, mua bán kinh doanh kiếm lời và làm việc chủ yếu qua lập vi bằng, thừa phát lại.

Phân lô, bán nền đất nông nghiệp ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: HƯƠNG GIANG
Phân lô, bán nền đất nông nghiệp ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: HƯƠNG GIANG

“Chúng tôi đang tiến hành rà soát lại tất cả các khu vực phân lô trên đất nông nghiệp sẽ không đưa vào thực hiện chuyển mục đích sang đất ở, đồng thời tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện. Pháp luật cũng đã có đầy đủ quy định liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai và để xảy ra sai phạm người có trách nhiệm chính là chủ tịch UBND xã, phường của địa phương đó” - đồng chí Đặng Minh Đức nhấn mạnh.

Phát biểu bế mạc hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư lưu ý các địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy trong năm 2018. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh; tập trung kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn hệ thống; triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý và điều hành thu ngân sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó xử lý nghiêm những cán bộ gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp…

Nguyễn Phượng

 

 

Tin xem nhiều