Báo Đồng Nai điện tử
En

Ký ức hào hùng

10:04, 29/04/2018

Trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam, ngày 30-4-1975 là một ngày đặc biệt không bao giờ quên trong cuộc đời. Ngày này đã chấm dứt 30 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra trang sử mới của dân tộc…

Trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam, ngày 30-4-1975 là một ngày đặc biệt không bao giờ quên trong cuộc đời. Ngày này đã chấm dứt 30 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra trang sử mới của dân tộc…

Nhân dân vui mừng sau khi Biên Hòa hoàn toàn giải phóng năm 1975. Ảnh: tư liệu
Nhân dân vui mừng sau khi Biên Hòa hoàn toàn giải phóng năm 1975. Ảnh: tư liệu

Khi nhắc về thời khắc lịch sử trước ngày đất nước thống nhất, những ký ức của ông Võ Văn Lượng, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Biên Hòa, lại ùa về.

* Sức mạnh dân tộc

Ông Võ Văn Lượng kể: đầu tháng 3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên nổ ra liên tiếp thu được những thắng lợi giòn giã. Nhân dân nức lòng, phấn khởi nghe tin bộ đội ta giải phóng nhanh chóng từng tỉnh, từ Quảng Trị trở vào. Ở Nhơn Trạch quê ông lúc đó, một số binh lính các đồn, bót đã đưa gia đình về quê hoặc vào thị trấn ở cho an toàn hơn; một số thì co cụm lại; một số uống rượu, đánh bạc giải sầu hoặc mang súng về với cách mạng.

Trước tình hình này, theo chủ trương của Trung ương, toàn bộ Tỉnh ủy Biên Hòa chuyển hướng để thực hiện nhiệm vụ mới. Ban TVTU và các cơ quan của tỉnh chuyển về khu vực Suối Trầu, Suối Cả, phối hợp các lực lượng để chuẩn bị, dọn đường cho bộ đội tiến về giải phóng Sài Gòn.

Ngày 14-4, Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp tại căn cứ Suối Đục (huyện Long Thành), triển khai kế hoạch của cấp trên, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng huyện theo tinh thần tự lực đã quán triệt từ trước: “Huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, cán bộ tuyên huấn tại huyện Long Thành đã cho rải hàng ngàn truyền đơn kêu gọi binh sĩ Sài Gòn trở về với nhân dân vào lúc chế độ Thiệu đang sụp đổ. Chỉ trong vòng 1 tuần, 176 tên lính đã bỏ ngũ, nộp súng cho cách mạng.

Cũng trong lúc này, chiến tuyến Xuân Lộc “thất thủ”, tàn quân địch tháo chạy tán loạn, trở thành “vũ khí” tinh thần để đồng bào ta vững tin vào khí thế cách mạng đang hừng hực dâng trào. Thất bại ở chiến tuyến Xuân Lộc, khá nhiều tên địch đã lạc vào gần căn cứ Tỉnh ủy, bộ đội Tiểu đoàn 207, du kích địa phương và lực lượng bảo vệ Tỉnh ủy đã bắt gần 100 tên, thu nhiều vũ khí. Cách mạng đã giáo dục số này rồi cho về với gia đình.

Tiếp đến ngày 22-4, Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp các bí thư huyện ủy, thông báo kế hoạch Chiến dịch Hồ Chí Minh, tấn công giải phóng Sài Gòn. Sau đó, guồng máy cách mạng được triển khai nhanh chóng, các UBND cách mạng huyện, xã chuẩn bị tiếp quản chính quyền địa phương. Nhân dân một số nơi như: Cẩm Đường, Bình Sơn, Lộc An, Long An sửa đường cho xe tăng, pháo, xe quân sự chở bộ đội chủ lực chuẩn bị về giải phóng Biên Hòa.

Từ ngày 26-4, bộ đội ta đã chiếm giữ được nhiều vị trí quan trọng ở ngã ba Thái Lan, căn cứ Nước Trong, khu Cầu Xéo, bao vây kho bom Thành Tuy Hạ… Phía quốc lộ 1 đoạn từ Trảng Bom về Hố Nai, dù một số bót có những tên ngoan cố, phản ứng điên cuồng khi bộ đội tiến về giải phóng Biên Hòa, nhưng với sức chiến đấu không gì ngăn cản nổi của quân ta, tối 29-4 bộ đội đã về đến Hố Nai.

Cũng thời điểm này, tại mặt trận Nhơn Trạch, hàng chục ngàn bộ đội các binh chủng được nhân dân giúp đỡ ghe xuồng, đã ào ạt vượt sông Nhà Bè, tiến về sào huyệt, hang ổ cuối cùng của chế độ Sài Gòn.

* Nhớ mãi không quên

Thời khắc trọng điểm đã đến, sáng 30-4-1975, toàn tỉnh Biên Hòa hoàn toàn giải phóng. Lúc này ông Lượng và nhiều đồng chí từ Long Thành, Nhơn Trạch lên Biên Hòa. Khắp các vùng từ  nông thôn đến trung tâm thành phố, đồng bào nô nức ra đường, cờ hoa tung bay chào mừng quân giải phóng. Đặt chân đến Biên Hòa, ông Lượng được giao nhiệm vụ tiếp quản Ngân hàng Giao thông (nay là Ngân hàng thương mại cổ phần công thương chi nhánh Đồng Nai).

Ông Lượng bùi ngùi: “Đêm đầu tiên trong đời được ở tỉnh lỵ Biên Hòa cho tôi niềm phấn khởi không bờ bến, nhìn đèn đường và các nhà dân sáng trưng ánh điện, lòng tôi nao nức, dường như có một luồng điện chạy rần rật trong cơ thể. Ai có là người trong cuộc, từng trải qua các cuộc đấu tranh đầy gian khổ, với bao mất mát, hy sinh của dân tộc mới hiểu tình cảm ngất ngây say men chiến thắng quá to lớn này”.

Có dịp đi thăm nhiều nơi vào những ngày đầu quân quản, tận mắt thấy các công trình quân sự, kho tàng, đồn, bót dày đặc, với những hàng rào thép gai tua tủa; Sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình bố phòng nghiêm ngặt, tưởng chừng con kiến khó lọt vào, thế mà lực lượng vũ trang của ta vẫn giáng những đòn chí mạng vào địch, đánh bại ý đồ của kẻ xâm lược và bè lũ tay sai, bán nước, hại dân. Cách mạng Việt Nam đã được bạn bè năm châu quý mến, ca ngợi là ngọn cờ tiên phong của cao trào giải phóng dân tộc thế giới nửa cuối thế kỷ 20 và Bác Hồ được thế giới công nhận là “Anh hùng giải phóng dân tộc” cũng vì lẽ này.

* Lo cho dân

“Bây giờ ngẫm lại quá khứ, nhìn ở hiện tại, tôi thấy các địa phương trong tỉnh có nhiều nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm đổi mới trên mọi lĩnh vực. Đời sống nhân dân, việc chăm lo gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, tôn giáo, dân tộc có bước tiến vượt bậc. Đội ngũ lãnh đạo của Đồng Nai sau này đã tiếp nối được truyền thống, sự tài trí, làm việc không biết mệt mỏi, vì một Đồng Nai phát triển” - ông Lượng bày tỏ.

Bà Phạm Thị Sơn (85 tuổi, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) cho rằng mỗi dịp tháng 4 đến, bà lại càng trân trọng quá khứ hơn. Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước bị chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30-4. Trước đây, bà làm giao liên ở Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1, hoạt động về đêm trong rừng. Khi phát hiện bà là “Việt cộng”, địch đã bắt, tra tấn dã man nhưng bà “thà chết chứ không chịu khai báo”... Bà Sơn rất vui vì Đồng Nai đã phát triển mạnh mẽ, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Đồng Nai mới đây, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cũng đã nhận xét Đồng Nai là vùng đất địa linh nhân kiệt. Nơi đây có đặc thù là: tỉnh có nhiều đồng bào tôn giáo nhất cả nước; khu công nghiệp, công nhân đông nhưng rất yên ổn; kinh tế luôn tăng trưởng với những con số ấn tượng. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người ở Đồng Nai hơn 4 ngàn USD, cao gấp đôi bình quân đầu người cả nước. Có được thành quả này, không thể quên thế hệ đi trước đã ngã xuống cho Đồng Nai giàu mạnh hôm nay.   

Phương Hằng  

 

Tin xem nhiều