Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiến hành vừa quyết liệt, vừa thận trọng...

08:04, 26/04/2018

Nếu thực hiện được như Kế hoạch số 166 mà Tỉnh ủy đã đề ra, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của Đồng Nai sẽ tinh gọn và giảm được một số lượng biên chế đáng kể. Tuy nhiên, sắp xếp lại tổ chức bộ máy là vấn đề rất lớn và khó, liên quan đến nhiều yếu tố.

Nếu thực hiện được như Kế hoạch số 166 mà Tỉnh ủy đã đề ra, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của Đồng Nai sẽ tinh gọn và giảm được một số lượng biên chế đáng kể. Tuy nhiên, sắp xếp lại tổ chức bộ máy là vấn đề rất lớn và khó, liên quan đến nhiều yếu tố. Vì vậy, để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch có hiệu quả trong toàn Đảng bộ, cần phải:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ về sự cần thiết phải tinh giản biên chế để tạo sự đồng thuận và quyết tâm hành động.

Công tác tuyên truyền phải làm cho toàn bộ cán bộ nhận thức rõ rằng tinh giản biên chế với mục tiêu “thà ít mà tốt” là yêu cầu, động lực tự thân của bộ máy hiện nay chứ không phải là sức ép từ bên ngoài, là vì lợi ích của chính họ.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ và kiên trì thực hiện đề án mô tả việc làm. 

Do căn bệnh nể nang, “dĩ hòa vi quý” mà kết quả bình xét ở các đơn vị còn nhiều hình thức, nên việc giảm biên chế gặp rất nhiều khó khăn. Theo Nghị định số 108/2014/NĐ/CP, công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liền mới thuộc diện cần tinh giản. Vì thế, lúc này cần khẩn trương xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá có khả năng định lượng cao và mang tính toàn diện, bao gồm cả sự tự đánh giá với đồng nghiệp đánh giá, cấp trên đánh giá, cấp dưới đánh giá, đối tượng phục vụ đánh giá. Phải công khai hóa tiêu chí đánh giá và quan trọng là phải đánh giá đúng, phải khắc phục cho bằng được tình trạng cào bằng trong đánh giá.

Việc xây dựng đề án vị trí việc làm và mô tả công việc một cách khoa học phải tiếp tục được đẩy mạnh, tức là phải từ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để xác định việc làm và từ việc làm mới tính toán số người lao động cần có. Khi đã có kết quả đánh giá và có đề án mô tả việc làm cụ thể thì phải tuyển dụng theo vị trí việc làm, phải đánh giá theo yêu cầu đối với từng vị trí công việc để sàng lọc cán bộ.

Thứ ba, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu với hiệu quả việc thực hiện kiện toàn, tinh giản tổ chức bộ máy của địa phương, đơn vị.

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong công tác tinh giản biên chế là giải pháp hết sức quan trọng bởi ở cơ quan, đơn vị được làm việc theo chế độ thủ trưởng, vì vậy thủ trưởng phải là người chịu trách nhiệm chính với mọi hoạt động xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình. Bên cạnh đó, cũng cần phải “áp” chỉ tiêu tinh giản biên chế cho người đứng đầu các cơ sở và khoán biên chế, khoán quỹ lương cho họ. Kết quả tinh giản biên chế phải trở thành một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu. Nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ thì phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước cấp trên.

Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề rất lớn, rất khó vì đó không đơn giản là công ăn việc làm của cán bộ, công chức mà là sự vận hành của cả hệ thống chính trị, không chỉ là số phận của những người công chức mà gắn theo đó là cuộc sống của từng ấy gia đình; không chỉ nhằm mục tiêu “giảm cơ học” để giảm chi ngân sách mà còn để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả... Vì thế, việc này phải được tiến hành vừa quyết liệt, vừa thận trọng, vừa cấp bách, vừa có lộ trình; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; vừa thử nghiệm, vừa tổng kết cũng như phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra.

TS. Vũ Thị Nghĩa

Tin xem nhiều