Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều thay đổi trong công tác cán bộ

08:06, 12/06/2018

Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã tập trung xem xét, thảo luận việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã tập trung xem xét, thảo luận việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tỉnh ủy Đồng Nai thường xuyên cập nhật kiến thức cho cán bộ của tỉnh.
Tỉnh ủy Đồng Nai thường xuyên cập nhật kiến thức cho cán bộ của tỉnh. Trong ảnh: Cán bộ chủ chốt toàn tỉnh tham dự hội nghị quán triệt các văn bản mới của Trung ương về công tác dân vận và công tác kiểm tra giám sát của Đảng, tháng 5-2018.(Ảnh:Khánh Lộc)

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết cùng với cả nước, tới đây đội ngũ cán bộ Đồng Nai có nhiều thay đổi. Đến năm 2020, số cán bộ của tỉnh về hưu hoặc không còn đủ thời gian một nhiệm kỳ công tác phải thay thế rất nhiều, khoảng 50%. Do đó, công tác quy hoạch cán bộ của tỉnh sẽ diễn ra liên tục.

* Bí thư cấp tỉnh không là người địa phương

Đồng chí Nguyễn Phú Cường nhận định nếu như lớp cán bộ trước chủ yếu được đào tạo trong nước; chương trình học tập, giảng dạy có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn thì lớp cán bộ trẻ hiện nay được đào tạo từ nhiều nguồn, không chỉ đào tạo trong nước mà còn đào tạo ở rất nhiều nước, với các trường phái khác nhau. Cán bộ trẻ có kiến thức, năng lực ứng phó với các thách thức chủ quan, khách quan của tiến trình toàn cầu hóa nhưng thường hạn chế về thực tiễn, lười học lý luận chính trị.

“Đảng đã xác định, phải tập trung nâng cao nhận thức, đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài. Chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, rèn luyện trong thực tiễn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên. Đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ”- đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Đảng sẽ thực hiện nhất quán một số chủ trương: bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; tinh giản số lượng và nâng cao chất lượng cấp ủy; tiếp tục thực hiện bầu trực tiếp bí thư tại đại hội Đảng bộ các cấp ở những nơi có điều kiện…

* Tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời”

Thời gian tới, Trung ương cũng sẽ nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung; giữa nguồn nhân lực ở khu vực công và khu vực tư; có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời”. Không lấy việc bố trí chức vụ, phong, thăng quân hàm, nâng ngạch để thực hiện chế độ chính sách cán bộ.

Đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược (lãnh đạo cơ quan Đảng, Nhà nước; lãnh đạo chủ chốt bộ, ban, ngành trung ương; bí thư các tỉnh ủy, thành ủy), Trung ương xác định phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định, là những cán bộ xuất sắc đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo chức danh; có thành tích nổi trội, có sản phẩm cụ thể, có triển vọng phát triển và trải qua thực tiễn phong phú.

Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải được điều động, luân chuyển giữ vị trí cấp trưởng, phù hợp với chức danh quy hoạch ở những địa bàn khó khăn, lĩnh vực trọng yếu, nơi triển khai mô hình mới. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cấp chiến lược.

Ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, nhận xét trước đây vấn đề cán bộ đã được đặt ra nhiều lần, nhưng làm thế nào để hạn chế quyền lực và lỗ hổng trong công tác cán bộ thì chưa nhìn thẳng và đánh giá đúng sự thật.

Khắc phục tình trạng này, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác cán bộ. Theo đó, Trung ương đã xác định mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, đẩy mạnh thực hiện bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh và cấp huyện không là người địa phương; đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả chủ trương này, theo ông Toại, cần xây dựng cơ chế rõ ràng để người khác tỉnh về tỉnh khác làm lãnh đạo không bị cô lập, trên bảo dưới không nghe.

Ông Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, nhận định công tác cán bộ có 9 khâu, trong đó khâu khó nhất là đánh giá cán bộ. Tại sao có cán bộ được bổ nhiệm đúng quy trình, có bằng khen, giấy khen, thành tích rực rỡ nhưng sau đó phát hiện ra quá nhiều sai phạm? Điều này chứng tỏ khâu đánh giá cán bộ thời gian qua vẫn chưa thực chất.

Ông Huỳnh Văn Tới cho rằng, chỉ có đánh giá đúng mới chọn được cán bộ, vì thế khâu đánh giá cán bộ phải được cải tiến. Đồng Nai đã có cơ chế về đánh giá cán bộ như giám sát ở cộng đồng, công khai kết quả đánh giá trước quần chúng, song phải đẩy mạnh hơn nữa việc này.

Phương Hằng

Tin xem nhiều