Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp người lao động hiểu luật

09:07, 11/07/2018

Để người lao động hiểu, nắm vững luật, tự bảo vệ quyền lợi cho mình khi bị xâm phạm, các cấp Công đoàn, đặc biệt là Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả.

Để người lao động hiểu, nắm vững luật, tự bảo vệ quyền lợi cho mình khi bị xâm phạm, các cấp Công đoàn, đặc biệt là Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả.

Cán bộ Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động Công ty cổ phần kiến trúc và nội thất Nano (Cụm công nghiệp Dốc 47, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa).
Cán bộ Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động Công ty cổ phần kiến trúc và nội thất Nano (Cụm công nghiệp Dốc 47, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa).

* Nhiều kiểu vi phạm

5 năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức 254 lớp tập huấn, 195 đợt tuyên truyền lưu động cho 13 ngàn lượt cán bộ, đoàn viên và người lao động về pháp luật, chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống và việc làm của người lao động.

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đoàn Văn Đây, phần lớn các cuộc đình công xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù có đến 70% doanh nghiệp khối này đã xây dựng và đăng ký thang, bảng lương nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra vẫn phát hiện nhiều doanh nghiệp không áp dụng đúng theo thang, bảng lương đã đăng ký. Còn một số ít doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng, công khai điều chỉnh việc tăng lương tối thiểu vùng theo quy định, cắt giảm các khoản phụ cấp ngoài lương, trả lương chậm, chưa thỏa thuận với người lao động khi tổ chức làm thêm giờ, trả lương làm thêm giờ chưa đúng.

Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ chế độ chính sách với lao động nữ, chậm hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội, đề ra các quy định trái luật như phạt tiền lương, trừ tiền chuyên cần, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải lao động trái pháp luật. Có những nơi chuyên gia quản lý là người nước ngoài có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người lao động.

Ngoài ra, còn phải kể đến nguyên nhân một bộ phận người lao động còn hạn chế về kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật chưa cao, không thực hiện kiến nghị lên người sử dụng lao động theo trình tự mà tự động đình công trái pháp luật. Trong một số cuộc đình công đã xuất hiện tình trạng người lao động bị lôi kéo, xúi giục, kích động. Các vụ đình công xảy ra mang tính lây lan trong đội ngũ công nhân lao động.

Điển hình như đầu tháng 9-2017, với lý do gặp khó khăn trong sản xuất và đơn hàng, lãnh đạo Công ty TNHH Splendour (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch) đã thỏa thuận để những lao động làm việc lâu năm đang hưởng mức lương cao viết đơn xin nghỉ việc, sau đó ký hợp đồng mới với công ty để nhận mức lương thấp hơn hiện tại. Do không nắm vững luật nên hàng trăm lao động đã viết đơn nghỉ việc. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của những người lao động. Sự việc kéo dài trong khoảng 1 tháng khiến nhiều người lao động phải liên tục kiến nghị, khiếu nại với các cơ quan chức năng.

Ngay sau khi nhận được khiếu nại của người lao động, các cơ quan chức năng và Liên đoàn Lao động tỉnh, huyện Nhơn Trạch đã đến công ty nắm bắt tình hình, yêu cầu lãnh đạo Công ty TNHH Splendour chấm dứt việc phân biệt đối xử với những lao động lâu năm, thực hiện việc chuyển đổi công việc của người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Kết quả, lãnh đạo Công ty TNHH Splendour đã ra thông báo sẽ không thực hiện đơn phương yêu cầu người lao động làm đơn nghỉ việc, chuyển đổi hợp đồng lao động từ loại lao động không xác định thời hạn sang loại hợp đồng lao động khác. Công ty cũng dựa vào tình hình đơn hàng và sản xuất của công ty để điều động người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Điều này được thực hiện theo nội quy lao động của công ty và theo Điều 31 của Bộ luật Lao động.

* Tư vấn, bảo vệ tại tòa cho người lao động

Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 623 báo cáo viên, hơn 1,4 ngàn tuyên truyền viên, trong đó có 39 báo cáo viên cấp tỉnh; phát hành hơn 715 ngàn tài liệu các loại đến các Công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động trong tỉnh.

Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Vũ Ngọc Hà cho biết trong nhiệm kỳ qua, trung tâm đã tổ chức tư vấn pháp luật cho hơn 75,2 ngàn lượt người lao động; trực tiếp hỗ trợ cho hơn 5,5 ngàn người lao động có hiệu quả; bảo vệ quyền lợi cho 913 người lao động tại tòa án thắng lợi với số tiền người lao động được các doanh nghiệp bồi thường hơn 10,6 tỷ đồng. Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cũng là đơn vị duy nhất có hoạt động tham gia đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại tòa án trong số 19 trung tâm tư vấn pháp luật và 32 văn phòng tư vấn pháp luật của hệ thống Công đoàn trong cả nước.

2 vụ kiện của người lao động kiện chủ doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật ấn tượng nhất, dai dẳng nhất là vụ kiện của chị Phạm Thị Thanh Uyển kiện Công ty TNHH Shinwa Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) và vụ ông Pablo Rosario Rostata (quốc tịch Philippines, ngụ TP.Hồ Chí Minh) kiện Công ty TNHH nhà thép tiền chế Zamil Steel Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa).

“Sau gần 6 năm theo đuổi vụ kiện của chị Uyển, tháng 9-2017, Tòa án nhân dân tỉnh đã buộc Công ty TNHH Shinwa Việt Nam phải bồi thường cho chị Uyển số tiền gần 1 tỷ đồng. Riêng vụ của ông Pablo, gần 10 năm theo kiện, mới đây Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đã tuyên công ty phải bồi thường cho ông Pablo 167 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Pablo không đồng tình và kháng cáo. Bản thân tôi cũng sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc để giúp đỡ tại tòa cho ông Pablo nhằm đòi lại những quyền lợi chính đáng mà ông Pablo phải được hưởng” - ông Vũ Ngọc Hà chia sẻ.

* Tiếp tục phát huy

Để nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động, thời gian qua đội ngũ cán bộ, luật sư, nhân viên của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh và lực lượng công nhân nòng cốt đã không ngại khó, không ngại khổ, tận dụng các nguồn kinh phí, điều kiện có thể để vào tận công ty hay đến các khu nhà trọ vào ban đêm để tuyên truyền pháp luật cho người lao động.

Ông Vũ Ngọc Hà (phải) phiên dịch, bảo vệ tại tòa cho ông Pablo Rosario Rostata (quốc tịch Philippines, ngụ TP.Hồ Chí Minh) kiện Công ty TNHH nhà thép tiền chế Zamil Steel Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa).
Ông Vũ Ngọc Hà (phải) phiên dịch, bảo vệ tại tòa cho ông Pablo Rosario Rostata (quốc tịch Philippines, ngụ TP.Hồ Chí Minh) kiện Công ty TNHH nhà thép tiền chế Zamil Steel Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa).

Nắm bắt tâm lý, thói quen của người lao động, thời gian qua Liên đoàn Lao động tỉnh đã từng bước khai thác thông tin để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục qua các kênh mạng xã hội như: Facebook, Zalo... Hiện nay Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 2 trang Facebook Liên đoàn Lao động tỉnh và Điểm hẹn công nhân Đồng Nai thu hút số lượng người tham gia theo dõi, trao đổi thông tin khá lớn. Bên cạnh việc cung cấp thông tin đến đoàn viên và người lao động, kênh mạng xã hội này được đánh giá là một giải pháp hiệu quả trong việc thu thập thông tin, nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; là kênh để tiếp nhận những vấn đề bức xúc cấp bách của đoàn viên, người lao động để định hướng, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng đào tạo thêm lực lượng công nhân nòng cốt để tư vấn ban đầu cho người lao động; nâng cao chất lượng của 2 trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn ở 2 huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch. Còn các cán bộ ở Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh sẽ tập trung vào mảng bảo vệ quyền lợi tại tòa cho người lao động; tăng cường tuyên truyền pháp luật lưu động, giúp người lao động có thể tự bảo vệ được quyền lợi cho mình” - ông Vũ Ngọc Hà cho hay.

Tuy nhiên, do số lượng người lao động đông mà lực lượng cán bộ, luật sư, tư vấn viên còn mỏng nên lãnh đạo Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh kiến nghị Liên đoàn Lao động tỉnh hoàn thiện mô hình tư vấn pháp luật, cấp thêm kinh phí để nhân rộng mô hình công nhân nòng cốt, trợ cấp thường xuyên cho đối tượng này để động viên, khích lệ anh em tiếp tục nỗ lực, gắn bó với trung tâm, thực hiện tốt chức năng của mình trong việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động.

Hạnh Dung

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích