Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp người lạc lối trở về

08:07, 23/07/2018

Không chỉ tạo nên sự gắn kết giữa hội viên, phát huy vai trò của cựu chiến binh trong việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương, ông Trần Đăng Nghị, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh KP.2, phường Xuân Hòa (TX.Long Khánh) còn được mọi người nể phục vì tính kiên trì trong cảm hóa người lạc lối.

Không chỉ tạo nên sự gắn kết giữa hội viên, phát huy vai trò của cựu chiến binh trong việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương, ông Trần Đăng Nghị, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh KP.2, phường Xuân Hòa (TX.Long Khánh) còn được mọi người nể phục vì tính kiên trì trong cảm hóa người lạc lối.

Ông Trần Đăng Nghị, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh KP.2, phường Xuân Hòa, TX.Long Khánh (trái) tặng ảnh chân dung Bác Hồ cho cựu chiến binh Phan Văn Hồng (80 tuổi, ngụ KP.2, phường Xuân Hòa).
Ông Trần Đăng Nghị, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh KP.2, phường Xuân Hòa, TX.Long Khánh (trái) tặng ảnh chân dung Bác Hồ cho cựu chiến binh Phan Văn Hồng (80 tuổi, ngụ KP.2, phường Xuân Hòa).

* Thương anh em

Theo ông Nghị, sau chiến tranh, trở về với cuộc sống hòa bình, người lính nào cũng chỉ có chiếc ba lô với vài bộ quần áo, giấy đi đường, giấy nhập ngũ và ra quân. Do vậy, cuộc sống ai cũng khó khăn. Có người như ông khi ra quân được tham gia công tác xây dựng chính quyền nên còn có đồng lương, chế độ hỗ trợ. Nhiều đồng đội khác không được may mắn như vậy, trong đó có ông Phan Văn Hồng (ngụ KP.2, phường Xuân Hòa). Sau khi giải ngũ trở về, ông Hồng làm nghề ăn xin, tính hay cáu gắt, ít tiếp xúc với mọi người mà nếu có tiếp xúc thì câu trước còn ổn, đến câu sau đã cự cãi to tiếng. Cả khu phố đặt cho ông Hồng biệt danh “Chí Phèo” và cho rằng ông Hồng “nổ” khi nhận mình từng là bộ đội.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh Phạm Văn Hoàng, những việc làm của ông Nghị rất đáng trân trọng, góp phần tô điểm thêm hương sắc cho cuộc sống giàu lòng nhân ái ở địa phương.

Năm 2010, khi ông Nghị đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh KP.2, nghe thông tin ông Phan Văn Hồng từng là bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ, ông Nghị tiến hành xác minh. Theo hồ sơ còn lưu lại thì người đàn ông bị cả khu phố gọi là “Chí Phèo” này đúng là bộ đội từng có mặt tại chiến trường Quảng Trị. Vì nhiều lý do mà ông Hồng tính tình thay đổi, sống kiểu “hận đời” và lang thang xin ăn khắp nơi.

Khi nắm rõ được câu chuyện, ông Nghị tìm đến nhà trò chuyện cùng ông Hồng. “Ngày đầu đến tôi bị ông Hồng chửi xối xả vì cho rằng tôi ít tuổi hơn mà dám dạy đời người khác. Nhưng tôi cứ kiên trì tìm đến nhà hết lần này đến lần khác trong suốt gần 3 năm để nói chuyện. Tôi nói: Giờ 4 đứa con anh lớn rồi mà cha chúng suốt ngày đi ăn xin, động chút là ăn vạ và chửi người khác thì ai dám làm sui gia với anh? Những việc như vậy không người lính Cụ Hồ nào làm hết vì mất đi hình ảnh đẹp đẽ. Sau đó, điều khuyên nhủ của tôi bắt đầu có tác dụng” - ông Nghị cho hay.

Khi thấy tâm tính ông Hồng bắt đầu có sự thay đổi, ông Nghị mạnh dạn đề xuất kết nạp ông Hồng vào Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Cựu chiến binh. Ban đầu không thành viên nào trong 2 chi hội này đồng tình vì lo ông Hồng sẽ quậy phá. Chỉ đến khi ông Nghị đứng ra bảo lãnh thì việc mới thành. Được đồng đội cảm hóa, hiện ông Hồng đã sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, hòa đồng với xóm làng. Các con ông đều có công việc làm ổn định và gia đình riêng.

“Chồng tôi đã thay đổi rất nhiều từ những lời khuyên, giúp đỡ của ông Trần Đăng Nghị. Cũng chính từ đó gia đình, con cái của chúng tôi có cuộc sống tươi sáng” - bà Nguyễn Thị Hồng, vợ ông Phan Văn Hồng nói.

* Trách nhiệm với cộng đồng

Bên cạnh việc dành nhiều thời gian, tâm sức để kéo đồng đội cũng như gia đình họ trở về với cuộc sống tích cực, ông Nghị còn là người sống có trách nhiệm với cộng đồng khi chung tay xây dựng quê hương.

Có lần, khi con đường đất ở tổ 8 bị mưa làm cho xói lở, ngập nước ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con, ông Nghị chủ động quyên góp trong gia đình được hơn 10 triệu đồng và đứng ra vận động bà con đóng góp thêm gần 60 triệu đồng để cứng hóa đoạn đường dài gần 900m, rộng 4m, giúp người dân đi lại thuận tiện.

Đặc biệt, qua 8 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh KP.2, ông Nghị phát triển tốt nguồn quỹ hội được 80 triệu đồng và sử dụng đúng mục đích, có ý nghĩa. Hằng năm có từ 7-10 hội viên được vay vốn từ chi hội để trang trải sinh hoạt, làm kinh tế. Ông Nghị cho hay: “Phường có 4 chi hội cựu chiến binh, trong đó Chi hội KP.2 là đông nhất với 40 hội viên. Chi hội hiện còn 1 hộ cận nghèo. Hiện anh em trong chi hội đang nỗ lực để giúp gia đình hội viên này thoát nghèo bền vững”.

Ông Nghị còn là người góp công lớn trong việc lan truyền những điều tốt đẹp trong cuộc sống đến với mọi người. Dù đã bước qua tuổi 63, trí nhớ, khả năng thuyết trình có phần giảm sút nhiều, song năm nào ông Nghị cũng tham gia kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do các cấp Hội tổ chức.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều