Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ người nghèo vươn lên

08:07, 17/07/2018

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn dưới 1%. Sau 3 năm thực hiện nghị quyết, Đồng Nai đã về đích trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn dưới 1%. Sau 3 năm thực hiện nghị quyết, Đồng Nai đã về đích trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ông Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh thăm và tặng quà đồng bào dân tộc Tày tại xã Tà Lài, huyện Tân Phú.
Ông Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh thăm và tặng quà đồng bào dân tộc Tày tại xã Tà Lài, huyện Tân Phú.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa IX vừa diễn ra đã thông qua nghị quyết về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh giai đoạn 2018-2020.

* Người nghèo được hỗ trợ

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh cho biết qua 3 năm (2015-2017), toàn tỉnh giảm được 13.580 hộ nghèo và gần 3 ngàn hộ cận nghèo. Đến nay, toàn tỉnh còn 7.164 hộ nghèo, chiếm 0,9% tổng số hộ toàn tỉnh. Trong đó hơn 3 ngàn hộ nghèo A (hộ còn sức lao động và có khả năng thoát nghèo); còn lại là hộ nghèo B (hộ không còn khả năng thoát nghèo, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội).

Ông Bùi Văn Kiệt, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Biên Hòa nhận định: “Vẫn còn nhiều người nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Phần đông hộ nghèo là những gia đình có trình độ học vấn thấp nên việc tiếp thu kiến thức còn hạn chế”.

Như vậy, hộ nghèo A còn rất ít, cần nâng chuẩn để tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nếu không nâng chuẩn nghèo, Đồng Nai còn hơn 11 ngàn hộ mới thoát nghèo trên 2 năm (tính từ đầu năm 2019 về trước) sẽ không tiếp tục được hỗ trợ tín dụng ưu đãi, trong khi nguồn vốn này vẫn đang còn, đồng thời có hơn 35 ngàn người sẽ không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; gần 12 ngàn học sinh sẽ không được hỗ trợ giáo dục theo quy định, dẫn đến nguy cơ tái nghèo hoặc thoát nghèo nhưng thiếu tính bền vững. Mặt khác, nâng chuẩn nghèo để phù hợp mức tăng thu nhập bình quân đầu người của tỉnh và mức lương cơ sở hiện nay; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016- 2020.

Dự kiến chuẩn nghèo mới giai đoạn 2018-2020 về thu nhập là 1,2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.450.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Chuẩn cận nghèo: 1.550.000 đồng/người/tháng khu vực nông thôn và 1,9 triệu đồng/người/tháng khu vực thành thị. Nguồn kinh phí thực hiện chuẩn nghèo mới giai đoạn 2018-2020 từ ngân sách tỉnh dự kiến khoảng 311,6 tỷ đồng.

* Tránh ỷ lại

Chăm lo cho người nghèo và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội. Tuy nhiên, việc chăm lo cho người nghèo, hỗ trợ “cần câu” và trao “con cá” nếu không tuyên truyền rõ ràng, dễ dẫn đến một bộ phận không nhỏ người nghèo nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Ông Vy Văn Vũ, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn xây dựng Đảng, chính quyền của Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng để đạt hiệu quả cao nhất trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, không chỉ cần có sự chung tay của toàn xã hội mà phải có cả sự nỗ lực của chính người nghèo, tự thân vươn lên thoát nghèo, đó mới là cách bền vững nhất. Phải khơi dậy ý thức tự vươn lên của hộ nghèo, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. “Muốn thoát nghèo, người nghèo phải có trách nhiệm với chính bản thân mình” - ông Vũ nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Công Ngôn, Phó ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, để thoát nghèo bền vững các địa phương tập trung tuyên truyền giúp người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Việc hỗ trợ các điều kiện vật chất, tinh thần là để người nghèo có cơ hội thoát nghèo chứ không thể chấp nhận được tình trạng có hộ bị tốc mấy tấm tôn, không tự giác lấy đinh đóng lại, cho rằng nhà của Nhà nước xây nên để Nhà nước lo.

Ông Ngôn cũng nêu rõ, khi bình xét hộ nghèo tham gia các dự án giảm nghèo, phải có nguyên tắc và điều kiện cụ thể mới được vay vốn, phải giám sát chặt chẽ việc bình xét hộ nghèo. Người nghèo tham gia vào dự án phải có trách nhiệm làm ăn chứ không phải vào để nhận từ thiện.

Phương Hằng

Tin xem nhiều