Báo Đồng Nai điện tử
En

Coi trọng vai trò chủ thể của người dân

10:07, 27/07/2018

Sáng 27-7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tổ chức hội thảo Phát huy dân chủ trong xây dựng và giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới...

Sáng 27-7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh tổ chức hội thảo khoa học Phát huy dân chủ trong xây dựng và giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới ở Đồng Nai.

Đồng chí Thái Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Thái Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo.

Các tham luận, ý kiến tại hội thảo đều khẳng định, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có thể xem là cuộc cách mạng toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để thực hiện hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới cũng như giữ được danh hiệu sau khi đã được công nhận đạt chuẩn, phải đặc biệt coi trọng vai trò chủ thể của người dân, phát huy dân chủ, tạo đồng thuận xã hội, khi ấy việc gì cũng thành công.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bảo cho rằng phát huy dân chủ trong xây dựng và giữ vững danh hiệu nông thôn mới phải đạt được yêu cầu: đồng tâm, đồng lòng, đồng thuận và đồng tiến. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cũng là chìa khóa giải quyết những vấn đề còn tồn tại, hạn chế đang đặt ra. Khi dân chủ trong xây dựng nông thôn mới được phát huy thì hiệu quả đem lại rất tích cực trên các mặt.

* Đề cao vai trò chủ động của dân

Theo Phó chủ tịch UBND xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) Huỳnh Thanh Phương, một trong những tiêu chí để đạt chuẩn xã nông thôn mới là đường giao thông nông thôn được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Muốn làm được điều này phải huy động sức dân, mà người dân ở Phước Tân phần đông ở khắp các tỉnh trên cả nước về đây lập nghiệp, sinh sống.

Trong đó, cũng theo ông Phương, công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu, nói rõ cho dân hiểu việc làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, lợi ích đem lại không ngoài ai khác mà chính là bản thân người dân.

Phó chủ tịch UBND xã Phước Tân chia sẻ, theo kinh nghiệm của địa phương, trước khi bắt tay xây dựng một tuyến đường, xã yêu cầu ấp tổ chức họp dân lấy ý kiến, nếu dân đồng ý thì tiến hành thiết kế dự án, dự kiến kinh phí và số tiền đóng góp của mỗi hộ rồi công khai cho dân biết. Khi có khoảng 80% hộ dân đóng góp kinh phí làm đường thì tiến hành khởi công, số hộ còn lại vừa làm vừa vận động.

Trong quá trình thi công, người dân được trực tiếp tham gia vào ban giám sát cộng đồng, nắm rõ quá trình xây dựng và chất lượng công trình. Nhờ đó, người dân rất phấn khởi, tin tưởng, hưởng ứng nhiệt tình việc xây dựng đường giao thông nông thôn. Kết quả, đến nay hơn 300 tuyến đường giao thông nông thôn ở Phước Tân được xây dựng, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ 2 tuyến đường, còn lại người dân tự đóng góp kinh phí. Năm 2017, Phước Tân đã được công nhận xã nông thôn mới.

Xã Ngọc Định, huyện Định Quán vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017.
Xã Ngọc Định, huyện Định Quán vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017 (ảnh tư liệu)

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) Bùi Trọng Vinh khẳng định, điều gì người dân được biết, được tham gia ý kiến và giám sát quá trình thực hiện thì nhận được sự ủng hộ cao của dân. Xuân Định có trên 92% dân số là đồng bào Công giáo, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, các tầng lớp nhân dân luôn đoàn kết, tham gia tích cực phong trào thi đua yêu nước, trong đó có xây dựng nông thôn mới.

Quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân tự nguyện hiến một phần đất của gia đình để làm và mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa. Từ năm 2008-2017, người dân xã Xuân Định đã hiến 1.396m2 đất, 14 ngàn ngày công lao động, làm mới và sửa chữa 31 tuyến đường giao thông nông thôn... với tổng kinh phí trên 5,2 tỷ đồng.

Từ sự chung sức, đồng lòng của người dân, Xuân Định là một trong những xã đầu tiên của cả nước hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Không những thế, Xuân Định cũng sớm trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ông Lê Văn Gọi, Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh đề nghị tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân để sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền cơ sở; nâng cao kiến thức quản lý kinh tế - xã hội cho đội ngũ cán bộ cơ sở, giải quyết tốt những vấn đề đặt ra từ cơ sở.

* Huy động cả hệ thống chính trị

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn kiêm Phó trưởng ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho biết, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng 6% nhưng tỉnh luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng vì hơn 60% dân cư vẫn sống ở vùng nông thôn.

Trước khi có Nghị quyết 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã chủ động xây dựng nông thôn “4 có” (kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đời sống kinh tế cải thiện, đời sống văn hóa và môi trường sinh thái tốt). Với tinh thần chủ động đó, Đồng Nai có những thuận lợi nhất định ban đầu trong việc thực hiện chương trình nông thôn mới.

Đoàn thẩm định nông thôn mới trung ương thăm vườn cây ăn trái tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: T.L
Đoàn thẩm định nông thôn mới trung ương thăm vườn cây ăn trái tại huyện Cẩm Mỹ (Ảnh: Tư liệu)

Trong xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai xem nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự thành công. Theo đó, đã có nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; huy động đông đảo nhân dân ở khu vực nông thôn tham gia với vai trò chủ thể vừa làm vừa thụ hưởng.

Kết quả, lực lượng nông dân ở khu vực nông thôn đã cơ bản thể hiện rõ vai trò chủ thể, góp phần đáng kể làm chuyển biến rõ nét diện mạo nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hộ nghèo giảm mạnh, văn hóa - xã hội phát triển, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội giữ vững…

Đến nay, Đồng Nai có 129/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 97% tổng số xã), trong đó 15 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 8/11 đơn vị cấp huyện đạt huyện nông thôn mới. Đồng Nai luôn là tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, theo Phó bí thư thường trực Huyện ủy Vĩnh Cửu Nguyễn Tấn Phước, cần có sự chỉ đạo tập trung, cụ thể, liên tục, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức đoàn thể phải tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân hiểu đúng, nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Vĩnh Cửu cho rằng, muốn xây dựng nông thôn mới thành công phải huy động được các nguồn lực, trong đó nguồn lực nhân dân là chính. Mọi huy động đóng góp của dân phải được bàn bạc công khai, minh bạch, dân chủ, đồng thuận cao. Khi người dân thấy được kết quả, lợi ích thiết thực sẽ tăng thêm lòng tin, đồng lòng vào quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần thường xuyên biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình hay, điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới...

Phương Hằng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều