Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan tâm chính sách dân tộc và an ninh trật tự xã hội

10:08, 13/08/2018

Ngày 13-8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các phó chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề.

Ngày 13-8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các phó chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề.

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chất vấn tại phiên họp thứ 26  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 13-8 tại đầu cầu Đồng Nai.
Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chất vấn tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 13-8 tại đầu cầu Đồng Nai.

Một là, việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Hai là, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội phạm kinh tế, tội phạm về chức vụ, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

* Tăng cho vay, giảm cho không

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội nêu: Vấn đề giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu để đảm bảo sự tiến bộ, công bằng xã hội. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số rất cao, cứ 2 hộ nghèo của cả nước thì có 1 hộ là dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân đầu người của vùng dân tộc thiểu số thấp, có nơi chỉ bằng 1/3 thu nhập bình quân chung cả nước. Giải pháp nào khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc là chính nên cần tiếp tục tham mưu và tháo gỡ trong thời gian tới. Trước mắt, cần nhất là tích hợp các chính sách lại để làm thành một chương trình mục tiêu quốc gia về thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Bộ trưởng ví việc này giống như người bệnh uống thuốc chưa đủ liều, chưa đúng thuốc thì bệnh cứ kéo dài.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi: Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ có nhiều văn bản liên quan đến chính sách dân tộc thiểu số, nhưng theo báo cáo của Bộ trưởng còn nhiều hạn chế. Vậy hệ thống văn bản đó đầy đủ chưa, còn cần gì nữa?

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thẳng thắn nêu: Có tình trạng đồng bào dựa dẫm và không muốn ra khỏi diện hộ nghèo. Các đại biểu đi tiếp xúc cử tri có thể thấy rõ việc này. Thời gian tới, cần nghiên cứu tích hợp các chính sách dân tộc thành chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư thỏa đáng. Tăng cho vay ưu đãi, giảm cho không để bà con có trách nhiệm làm ăn, trả nợ; nếu cho không, ỷ lại, hiệu quả không cao.

* Đã gian lận thi cử ở kỳ thi trước

Đối với nhóm vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội, đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nêu: Hiện nay, một số đối tượng tội phạm công nghệ cao giả mạo các số máy của các cơ quan chức năng, mạo danh cán bộ công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân, Bộ trưởng cho biết giải pháp trọng tâm để phòng chống hiệu quả loại tội phạm này thời gian tới?

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, về việc lừa đảo thông qua hình thức gọi điện (Voice IP), Bộ Công an vừa qua đã phối hợp với nhiều nước để phát hiện. Thường các đối tượng nhắm tới người nhẹ dạ cả tin và có dính dáng tới pháp luật để lừa đảo, khiến nạn nhân gửi tiền và nhanh chóng chuyển tiền đó ra nước ngoài. Bộ Công an đã tiến hành đấu tranh với một số băng nhóm tội phạm trong nước để ngăn chặn tình trạng này.

Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia xảy ra gian lận nghiêm trọng vừa qua, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã phối hợp công an địa phương khởi tố 3 vụ án với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Đối tượng là người tham gia chấm thi, quản lý bài thi và có vi phạm. Đây là thủ đoạn mới đã được phát hiện, kỳ thi trước cũng có gian lận và Bộ Công an cùng Bộ GD-ĐT đưa phương án để tránh bị lợi dụng.

Tội phạm này không mới nhưng gian lận thì nhiều thủ đoạn. Có thể năm trước có tình trạng gian lận trong thi cử. Điển hình khi khảo sát các cháu đậu  đại học điểm cao nhưng khi vào học với yêu cầu cao thì nhiều cháu không theo học được. Thời gian tới, cần quy trình quản lý các khâu khép kín để không thể can thiệp được, nhất là bằng các biện pháp khoa học - kỹ thuật hiện đại. Đây cũng là thách thức rất lớn với các cơ quan bảo vệ pháp luật tới đây.

Một số đại biểu cũng đặt câu hỏi về tín dụng đen, trộm cắp diễn ra nhiều, manh động ở các thành phố lớn; số vụ án giết người dã man, giết nhiều người trong gia đình, người thân có chiều hướng tăng... đáng lo ngại cho vấn đề đạo đức, gia đình, xã hội.

Kết luận phần chất vấn với Bộ trưởng Tô Lâm, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, nhóm vấn đề đưa ra chất vấn là nội dung rất được cử tri và nhân dân quan tâm. Bên cạnh kết quả đạt được thì qua các ý kiến cho thấy xã hội chưa thực sự bình yên. Các bộ, ngành cần có các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế; quyết không để tội phạm lộng hành; tạo sự chuyển biến thực sự trong thực tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều nội dung, trong đó có chất vấn và trả lời chất vấn dưới hình thức “hỏi nhanh - đáp ngọn”, đại biểu đặt câu hỏi 1 phút, trả lời không quá 3 phút/đại biểu. Hỏi và đáp phải rõ ràng, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Các bộ trưởng nắm chắc vấn đề, trả lời có trách nhiệm.

Phương Hằng

 

 

Tin xem nhiều