Báo Đồng Nai điện tử
En

Tâm nguyện sẽ được tiếp nối...

10:09, 21/09/2018

Nhận được tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang ra đi đột ngột lúc 10 giờ 5 ngày 21-9, không riêng tôi mà có lẽ ai cũng cảm thấy tiếc thương. Mới hồi đầu năm 2018, trước Tết Mậu Tuất, Chủ tịch nước còn về Đồng Nai...

Nhận được tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang ra đi đột ngột lúc 10 giờ 5 ngày 21-9, không riêng tôi mà có lẽ ai cũng cảm thấy tiếc thương. Mới hồi đầu năm 2018, trước Tết Mậu Tuất, Chủ tịch nước còn về Đồng Nai viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, dâng hương trước phần mộ tập thể các liệt sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Sân bay Biên Hòa.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng và lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh vào ngày 30-1-2018.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng và lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh vào ngày 30-1-2018. (Ảnh: Huy Anh)

>>>Hình ảnh những ngày làm việc cuối cùng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Lịch làm việc của Chủ tịch nước lúc đó dày đặc. Viếng nghĩa trang xong, Chủ tịch nước đến thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Mận, thương binh tiêu biểu Lê Văn Niên (phường Tân Hiệp) và một số gia đình chính sách ở TP.Biên Hòa.

Vừa dứt buổi làm việc ở Đồng Nai, Chủ tịch nước đến làm việc với tỉnh Bình Dương, còn trước đó Chủ tịch nước làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thăm hỏi, chúc tết cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3.

Và, cũng mới đầu tháng 9 đây thôi, Chủ tịch nước còn dự lễ khai giảng tại Trường THPT Chu Văn An ở Hà Nội, cũng như có những ngày liên tục tiếp các đoàn làm việc trong và ngoài nước trực tiếp xử lý những vấn đề hệ trọng của đất nước, thậm chí ngày 20-9 còn có thư cho thiếu niên, nhi đồng cả nước, nhân dịp Tết Trung thu. Thế mà...

* Một tầm nhìn lớn

Trong giới khoa học, từ lâu cái tên Trần Đại Quang đã được nhiều người biết đến, đặc biệt là những nghiên cứu về an ninh quốc gia từ khá sớm khi ông còn là phó tiến sĩ vào năm 1996, cho đến khi được phong chức danh Giáo sư ngành khoa học an ninh năm 2009.

Còn nhớ, khoảng tháng 8-2015, tôi có được nghe giới thiệu về quyển sách Không gian mạng - tương lai và hành động của Đại tướng, GS-TS.Trần Đại Quang, một tài liệu được đánh giá là nội dung có nhiều quan điểm mới trong thời điểm ấy về không gian mạng. Lúc ấy trong miền Nam không sao tìm được quyển sách, nên khoảng tháng 9-2015 nhân dịp cùng với đoàn Đảng bộ tỉnh Đồng Nai ra Hà Nội dự hội nghị trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, tôi quyết tâm kiếm cho được quyển sách này. Thế nhưng, cả buổi tối đi hết các nhà sách ở khu Tràng Tiền, Đinh Lễ mà tôi vẫn không tìm được quyển sách quý.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà cho các thương binh tỉnh Đồng Nai nhân dịp năm mới 2018.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà cho các thương binh tỉnh Đồng Nai nhân dịp năm mới 2018.

Thật tình cờ, ngay sáng hôm sau, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an lúc ấy là Đại tướng Trần Đại Quang được phân công tiếp và làm việc với đoàn Đồng Nai. Bên lề buổi làm việc, tôi có nhắc đến quyển sách Không gian mạng - tương lai và hành động. Lúc ấy Bộ trưởng chỉ cười và không nói gì, nhưng bất ngờ là chưa đầy 60 phút sau trợ lý của Bộ trưởng đã mang sách đến và đích thân Bộ trưởng ký tặng cho một số đồng chí trong đoàn Đồng Nai. Tranh thủ thời gian ít ỏi của buổi nghỉ trưa, Bộ trưởng trao đổi với tôi những vấn đề về không gian mạng với những góc nhìn, nhận định mới và thoáng.

Ở thời điểm mà khái niệm về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hầu như chưa được đề cập đến, hay ít nhất là chưa nghe nói đến ở Việt Nam, nhưng GS-TS.Trần Đại Quang đã nhận định chắc chắn công nghệ thông tin, internet sẽ phát triển như vũ bão, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội loài người. Điều này là một thách thức rất lớn trong các hoạt động tình báo - gián điệp và an ninh mạng không riêng gì thế giới mà cả ở Việt Nam, nhưng chúng ta không thể “đóng cửa” né tránh mà ngược lại cần phải có nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn về không gian mạng.

Tôi vẫn nhớ đến vẻ mặt sinh động, nhiệt tình của GS-TS.Trần Đại Quang khi nhắc đến vấn đề tâm huyết của mình. Ông cho rằng internet là phát minh có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, trở thành nguyên nhân, động lực, môi trường, chất xúc tác cho những thay đổi căn bản sâu sắc trong mọi mặt đời sống xã hội loài người. Cùng với sự phát triển không ngừng của các dịch vụ internet, đặc biệt là sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các kết nối không dây, internet 3G, mạng xã hội, các thiết bị di động thông minh và dịch vụ điện toán đám mây, con người tương tác đa chiều hơn, phản ánh sinh động hơn, tức thời hơn mọi mặt đời sống và các mối quan hệ xã hội lên internet. Chính điều này đã biến internet trở thành không gian xã hội mới, nơi con người có thể thực hiện các hành vi mang bản chất xã hội của mình như: giao tiếp, lao động, sáng tạo, học tập, sản xuất, tiêu dùng và vui chơi giải trí.

Tuy nhiên, “tấm huy chương nào cũng có 2 mặt”, cùng với những lợi ích thì hiểm họa, sự đe dọa từ không gian mạng cũng rất lớn. Nguy cơ về một cuộc chiến tranh “không khói thuốc súng, không chiến tuyến, không biên giới lãnh thổ và cũng không loại trừ bất cứ quốc gia nào” đang hiện hữu hơn bao giờ hết. Thậm chí, không loại trừ nguy cơ hình thành “xã hội ảo trong xã hội thực, nhà nước ảo trong nhà nước thực”, hay sự phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát của các trí tuệ nhân tạo.

* Không gian mạng chưa yên tĩnh...

Cũng từ lần trao đổi này, tôi được nghe đến khái niệm “chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”. Đại tướng Trần Đại Quang đưa ra nhận định: những năm qua đất nước ta đã xây dựng được “thế trận lòng dân” tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, qua đó trong chiến lược vệ quốc đã khá yên tâm về hệ thống phòng thủ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cần xây dựng thế trận trong tư tưởng về không gian mạng, bởi các thế lực thù địch, phản động đang tìm cách làm suy yếu “thế trận lòng dân” bằng cách ly gián, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước thông qua các phương tiện như mạng xã hội, internet... Do đó, cần thiết phải xây dựng “biên giới mạng”, thiết lập “cửa khẩu mạng”, xây dựng lực lượng “biên phòng mạng” và thực thi “chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”.

Đại tướng cũng nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy chính sự thiếu vắng của quy phạm pháp luật quốc tế điều chỉnh các vấn đề này là một phần nguyên nhân của những căng thẳng, xung đột ngày càng gia tăng trên không gian mạng. Và chính sự chưa hoàn thiện trong hành lang pháp lý quốc gia là một phần nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta chưa quản lý, kiểm soát và khai thác hiệu quả các nguồn lực này trên phần lãnh thổ quốc gia. Khi đó, không gian mạng thật sự trở thành không gian sinh tồn mở rộng, với nguồn tài nguyên thông tin vô tận trở thành không gian kiến tạo và gia tăng sức mạnh quốc gia.

Dù Bộ trưởng, Đại tướng Trần Đại Quang chỉ cho rằng nghiên cứu của mình chỉ nhằm góp một phần nhỏ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, nhưng bản thân tôi nhận thấy tư duy và quan điểm của ông trong vai trò của nhà khoa học lẫn vai trò của lãnh đạo cấp cao về vấn đề không gian mạng đều là những vấn đề mới và hết sức quan trọng của đất nước. Theo tôi, đây là cơ sở khoa học và thực tiễn để từ đó xây dựng đề án Luật An ninh mạng trình Quốc hội phê duyệt vừa qua. Các vấn đề lớn luôn bắt đầu từ thai nghén ý tưởng, nhưng trong quá trình thực hiện cần phải có sự tâm huyết cũng như huy động tâm sức của các lực lượng tham gia xây dựng. Thời gian qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã kiên trì chủ trì rất nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo khoa học để lắng nghe những ý kiến khác nhau, tổng hợp những nội dung khả thi để hoàn chỉnh dự án Luật An ninh mạng. Đó chính là cơ sở lý luận và thực tiễn để Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng vào ngày 12-6-2018.

Hiện nay, trong thực tế vẫn còn một số người hiểu chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật An ninh mạng nên còn có ý kiến khác nhau, không gian mạng vẫn chưa thật sự được yên tĩnh; vẫn còn một chặng đường dài để tổ chức thực hiện và đưa luật vào cuộc sống, cũng như cần có thời gian để tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về luật đến các tầng lớp nhân dân. Vậy mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người tâm huyết trong suốt chặng đường xây dựng luật đã ra đi...

Đối với một nguyên thủ quốc gia, ngoài những nhiệm vụ được giao theo pháp định, còn có ý tưởng, tâm huyết theo đuổi những vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc, đó là điều hiếm hoi, rất đáng quý mà xã hội trân trọng ở Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ra đi, tâm nguyện dở dang của Chủ tịch nước sẽ có toàn hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 nên hiện nay chưa triển khai trong thực tế, nhưng chắc chắn điều gì phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, đất nước tất sẽ được người dân đồng tình, ủng hộ và đi vào cuộc sống. Chủ tịch nước ra đi đột ngột, nhưng tin rằng sẽ yên lòng bởi tâm nguyện về một không gian mạng an toàn cho quốc gia, dân tộc sẽ được tiếp nối.

PGS-TS.Huỳnh Văn Tới

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai

Tin xem nhiều