Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiểm soát quyền lực trong cơ chế một Đảng cầm quyền

10:11, 18/11/2018

Một trong 8 giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền.

Một trong 8 giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền. Đây là vấn đề cấp thiết trong công tác cán bộ của Đảng, trong điều kiện chỉ có một Đảng cầm quyền như ở Việt Nam.

Các nhà chính trị học đã chỉ ra rằng quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối, quyền lực càng lớn sự tha hóa càng lớn. Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII cũng là sự tiếp tục cụ thể hóa tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về kiểm soát quyền lực, đó là “hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng).

Để cụ thể hóa các quy định về kiểm soát quyền lực, tất nhiên cần thời gian và cần có các quy định cụ thể khác nhau, tuy nhiên có thể thấy, kiểm soát quyền lực đối với các tổ chức Đảng hiện nay cần tuân thủ và thực thi nghiêm minh Hiến pháp và pháp luật.

Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Như vậy, trước hết các tổ chức Đảng phải không được làm thay công việc của Nhà nước. Đảng là đảng cầm quyền và được hiến định trong Hiến pháp nhưng đảng không phải Nhà nước và không có quyền lực của cơ quan nhà nước.

Hai là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát hoạt động của Đảng. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Như vậy, nhân dân có thẩm quyền giám sát hoạt động của Đảng từ sự gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, cho đến các hành vi vi phạm pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ba là, dân chủ trong lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ. Đối với các tổ chức Đảng cần công khai, minh bạch các quy trình công tác cán bộ, công khai, dân chủ và thi tuyển có cạnh tranh trong công tác cán bộ. Về lâu dài cần hướng tới việc cho phép cả những người không công tác ở đơn vị ấy nếu có hiểu biết và có đủ điều kiện vẫn được thi tuyển vào các vị trí lãnh đạo.

Bốn là, việc kiểm soát quyền lực phải được thực thi ở cả cơ chế “tự kiểm soát” của Đảng thông qua sinh hoạt Đảng, thông qua tự phê bình và phê bình, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng thật sự công khai, minh bạch, nghiêm minh và mang tính răn đe cao. Cần tránh và bỏ hẳn hình thức “giơ cao, đánh khẽ” bởi trong thực tế nhân dân đã quá quen với những cụm từ kiểu như “rút kinh nghiệm, rút kinh nghiệm sâu sắc”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Vậy nên, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, chống chạy chức chạy quyền nhằm kiến tạo một đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh trong bối cảnh hiện nay là công việc quan trọng và cấp bách.

        Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều