Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội xem xét đề nghị phê chuẩn Hiệp định CPTPP

10:11, 02/11/2018

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sáng 2-11, Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước báo cáo về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sáng 2-11, Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước báo cáo về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Ngành may xuất khẩu chuẩn bị để đón lợi thế khi CPTPP có hiệu lực. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai. Ảnh: HƯƠNG GIANG
Ngành may xuất khẩu chuẩn bị để đón lợi thế khi CPTPP có hiệu lực. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Trình bày tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, ngày 8-9-2018 Chính phủ có Tờ trình số 373/TTr-CP đề nghị Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

10 ngàn tỷ USD

Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10 ngàn tỷ USD.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan như sau: được sự đồng ý của Bộ Chính trị và ủy quyền của Chính phủ, ngày 8-3-2018 tại Santiago (Chile), Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam đã ký Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan cùng với Bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.

Sau khi ký hiệp định, các nước sẽ tiến hành thủ tục pháp lý trong nước, bao gồm việc phê chuẩn hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình để hiệp định có hiệu lực.

Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp nước ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh. Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa ta với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với ta.

Bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thế chế... Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội của nước ta. “Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ quy định tại Khoản 14, Điều 70 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu.

Cơ hội và thách thức từ CPTPP đối với Việt Nam.
Cơ hội và thách thức từ CPTPP đối với Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Tiếp đó, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo thuyết minh Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Sau khi nghe tờ trình, các báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn hiệp định này.

CPTPP, tiền thân là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào đầu năm 2017, quy mô của hiệp định giảm xuống. Tuy nhiên, 11 thành viên còn lại vẫn nỗ lực đàm phán và tiến tới ký kết CPTPP. Việc đàm phán CPTPP kéo dài và nhiều khó khăn, sự tham gia tích cực của Việt Nam đã được nhiều nước thành viên đánh giá cao. Theo quy định, chỉ cần 6 trong tổng số 11 quốc gia thành viên thông qua là CPTPP sẽ có hiệu lực đầy đủ.

Hiệp định CPTPP được ký kết đã khẳng định: trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng trở lại ở một số nơi, nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế vẫn đang theo đuổi đường lối kinh tế mở cửa và hội nhập. Và Việt Nam là một quốc gia trong số đó.

Tại sự kiện ký kết CPTPP, bộ trưởng 11 nền kinh tế cũng đã đưa ra tuyên bố chung. Tuyên bố Bộ trưởng CPTPP gồm có 4 ý chính. Thứ nhất, các bên tuyên bố ký hiệp định. Thứ hai, khẳng định CPTPP sẽ mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên. Thứ ba, là các bộ trưởng khẳng định sau lễ ký sẽ thực hiện các thủ tục trong nước để thông qua hiệp định, làm sao đưa hiệp định vào thực thi trong thời gian sớm nhất. Và ý cuối cùng của tuyên bố chung là các bộ trưởng CPTPP hoan nghênh tất cả các nước, các nền kinh tế quan tâm, bày tỏ ý định muốn tham gia Hiệp định CPTPP.

Theo Chinhphu.vn

 

Tin xem nhiều