Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến thắng của chính nghĩa

02:01, 07/01/2019

Năm 1975, ngay sau khi đất nước Việt Nam vừa thống nhất, quân Pol Pot đã xâm lược các đảo, biên giới đất liền phía Tây Nam Việt Nam, khu vực giáp với Campuchia...

[links()]Năm 1975, ngay sau khi đất nước Việt Nam vừa thống nhất, quân Pol Pot đã xâm lược các đảo, biên giới đất liền phía Tây Nam Việt Nam, khu vực giáp với Campuchia. Liên tục trong 2 năm 1975, 1976, quân đội Pol Pot đã khiêu khích, lấn chiếm, xâm nhập sâu vào biên giới Việt Nam.

Chiến sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 302, Quân khu 7 chăm sóc khu di tích Đoàn 125 tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: Đ.Tùng
Chiến sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 302, Quân khu 7 chăm sóc khu di tích Đoàn 125 tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: Đ.Tùng

Đúng ngày 30-4-1977, quân Pol Pot đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam.

* Vừa hòa bình đã phải cầm súng

Vừa tổ chức lực lượng vũ trang đẩy lùi quân Pol Pot, Việt Nam vừa đẩy mạnh các biện pháp ngoại giao nhằm tìm kiếm hòa bình, nhưng quân Pol Pot vẫn chủ động gây ra các vụ xung đột, lấn chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam. Từ ngày 25-9-1977, quân Pol Pot tập trung 9 sư đoàn chủ lực tấn công vào các tỉnh biên giới Tây Nam. Riêng ở 3 xã thuộc các huyện Tân Biên, Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh), quân Pol Pot đã tàn sát trên 1 ngàn người dân. Đến ngày 15-11-1977, quân Pol Pot lại mở cuộc tiến công mới nhằm đánh chiếm TX.Tây Ninh.

CCB huyện Cẩm Mỹ dâng hương tại đài tưởng niệm 49 liệt sĩ Đoàn 125 tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: Minh Thành.
CCB huyện Cẩm Mỹ dâng hương tại đài tưởng niệm 49 liệt sĩ Đoàn 125 tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: Minh Thành.

Trước tình hình đó, từ ngày 5-12-1977 đến 5-1-1978, 8 sư đoàn quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt phản công truy kích quân Pol Pot; đánh thiệt hại 5 sư đoàn, làm thất bại kế hoạch đánh chiếm TX.Tây Ninh của quân Pol Pot. Từ ngày 26-3-1978, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam chuyển sang tiến công, đẩy quân Pol Pot lùi xa dần biên giới và dồn đối phương vào thế bị động.

Từ tháng 5 đến tháng 11-1978, Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phát triển, xây dựng được các tổ chức đảng, chuẩn bị thành lập Mặt trận và bộ máy lãnh đạo. Ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời, công bố cương lĩnh cách mạng 11 điểm, trong đó nêu rõ quyết tâm đoàn kết, tập hợp lực lượng đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot, xóa bỏ chế độ diệt chủng; tăng cường tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới; kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế giúp đỡ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia.

Trước hành động xâm lược của quân Pol Pot và đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23-12-1978, quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công, tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.

Người dân Phnom Penh mít tinh mừng ngày thoát khỏi chế độ diệt chủng năm 1979. Ảnh: Tư liệu
Người dân Phnom Penh mít tinh mừng ngày thoát khỏi chế độ diệt chủng năm 1979. Ảnh: Tư liệu

Ông Huỳnh Công Phúc, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh kể lại: “Khi bắt đầu tiến công sang bên kia biên giới, tôi là chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 407, Quân khu 5, đánh từ tỉnh Đắk Lắk sang các tỉnh Mondulkiri, Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear (Campuchia). Cảm giác của người thanh niên khi vào trận lớn là rất hồi hộp nhưng chúng tôi luôn mang theo quyết tâm cao phải đập tan quân diệt chủng Pol Pot đã gây ra quá nhiều tội ác cho nhân dân Campuchia và Việt Nam”.

* Giúp đất nước Campuchia hồi sinh

Ngày 26-12-1978, toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pol Pot bị đánh tan. Đến ngày 31-12-1978, quân dân ta đã đánh đuổi quân Pol Pot, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ bị địch lấn chiếm. 15 sư đoàn của Pol Pot án ngữ các trục đường tiến về Phnom Penh cơ bản bị tiêu diệt và tan rã. Ngày 6-1-1979, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia bắt đầu tổng công kích vào Phnom Penh, đến ngày 7-1-1979, thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng.

Ngay sau đó, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và ra tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pol Pot, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia. Đến ngày 17-1-1979, toàn bộ đất nước Campuchia được giải phóng; phần lớn lực lượng Pol Pot bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên tuyến biên giới phía Tây, Tây Bắc Campuchia.

Quân tình nguyện Việt Nam tiến về Takeo năm 1979. Ảnh: Tư liệu.
Quân tình nguyện Việt Nam tiến về Takeo năm 1979. Ảnh: Tư liệu.

Tuy bộ máy thống trị của chế độ Pol Pot đã bị đánh đổ nhưng tàn quân khoảng 4 vạn tên dựa vào sự giúp đỡ của bên ngoài vẫn tiếp tục chống phá cách mạng Campuchia. Thực hiện những cam kết trong Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác (ký ngày 18-2-1979), sau ngày giải phóng Campuchia, Việt Nam lại tiếp tục sát cánh cùng với quân dân Campuchia ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng, hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp.

Ông Trần Văn Tam, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tam Phước, TP.Biên Hòa, nguyên cán bộ Trung đoàn 201, Sư đoàn 302, Mặt trận 479 kể: “Cùng với việc giúp nước bạn xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, quân tình nguyện Việt Nam chúng tôi đã giúp nước bạn xây dựng lực lượng vũ trang, phối hợp chiến đấu truy quét tàn quân Pol Pot ở các vùng biên giới. Trải qua bao hiểm nguy, khó khăn, khi lực lượng bạn dần dần lớn mạnh, từng bước bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng, hồi sinh đất nước, những người lính tình nguyện chúng tôi lại rút về, tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam”.

Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 - 7-1-2019) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chiến thắng lịch sử ngày 7-1-1979 là thắng lợi chung của nhân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia; đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ láng giềng anh em truyền thống, gắn bó, thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam với nhân dân Campuchia; xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng, hồi sinh dân tộc Campuchia, mở ra kỷ nguyên mới, phát triển trong độc lập, tự do, hòa bình, trung lập và phồn vinh.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều