Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: "Hỏi tuổi, tuổi khuyên nên dừng lại. Hỏi lòng, lòng bảo: Cứ xung phong!"

11:04, 26/04/2019

Sau khi về hưu, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tiếp tục làm Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính (quỹ dành riêng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số nghèo, học giỏi, phấn đấu rèn luyện tốt trong cả nước) và đã gắn bó với quỹ gần 20 năm nay khi bà là Phó chủ tịch Quốc hội năm 1999.

Sau khi về hưu, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tiếp tục làm Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính (quỹ dành riêng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số nghèo, học giỏi, phấn đấu rèn luyện tốt trong cả nước) và đã gắn bó với quỹ gần 20 năm nay khi bà là Phó chủ tịch Quốc hội năm 1999. Trong nhiều năm qua, Quỹ Học bổng Vừ A Dính đã trao tặng hàng chục ngàn suất học bổng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số học giỏi, rèn luyện tốt. Quỹ Học bổng Vừ A Dính còn chú trọng đến chương trình đầu tư theo chiều sâu với sự đa dạng của nhiều mô hình đầu tư cho các em với nhiều dự án tiêu biểu: “Mở đường đến tương lai”, “Ươm mầm tương lai”, “Chắp cánh ước mơ”…

Bà Trương Mỹ Hoa trong ngày khánh thành trường học trên đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa). Trường học do Quỹ Học bổng Vừ A Dính tài trợ xây dựng  Nguồn ảnh: Quỹ Học bổng Vừ A Dính
Bà Trương Mỹ Hoa trong ngày khánh thành trường học trên đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa). Trường học do Quỹ Học bổng Vừ A Dính tài trợ xây dựng Nguồn ảnh: Quỹ Học bổng Vừ A Dính

Năm 2014, bà nhận làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” với vai trò kết nối mọi nguồn lực trong xã hội hướng về biển đảo Việt Nam. Nhiều người dân biển đảo, người dân tộc thiểu số đã quá quen với hình ảnh bà bôn ba khắp nơi để tìm hiểu thực tế, kết nối những tấm lòng thơm thảo cho những chương trình thiện nguyện. Bà có thể ngồi hằng giờ kể tên từng em học sinh nhận học bổng, nắm rõ bao nhiêu em học lực thế nào, nguyện vọng ra sao… và tâm nguyện của bà vẫn là “còn sức, còn đóng góp”.

Ngày chiến thắng, có thể mình sẽ không có mặt

* Bà có cả tuổi trẻ tham gia cách mạng, con đường này khởi đầu ra sao, thưa bà? Bà có hình dung được những gian khổ mà mình sẽ phải trải qua khi làm cách mạng?

“Tôi nghĩ thời nào thì thanh niên cũng phải phấn đấu cả. Sự rèn luyện trong thời bình có những nét khác so với rèn luyện trong thời chiến, song tuổi trẻ thì thời nào cũng cần rèn luyện. Với thời tuổi trẻ của tôi thì thước đo của sự cống hiến, hy sinh là sự lựa chọn giữa “sự sống” và “cái chết”, còn ở thời bình, tôi cho rằng lựa chọn đó cũng khắc nghiệt không kém, và thước đo của nó là sự lựa chọn giữa “cái chung” với “cái riêng”. Sự lựa chọn này đặt mọi người, trong đó có giới trẻ vào sự cân nhắc giữa lợi ích chung - riêng, của cá nhân và tập thể, giữa cá nhân và đất nước của mình”.

- Tôi tham gia cách mạng năm 1960, khi mới 15 tuổi. May mắn của tôi là được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên sớm hiểu công việc của cha, của mẹ, của các cô các chú: gác lính, đưa thư… và đó chính là sự giáo dục một cách rất trực tiếp về “làm cách mạng”. Cho nên nói rằng 15 tuổi tham gia cách mạng có nghĩa là tôi được đứng vào hàng ngũ một cách chính thức, thoát ly gia đình và toàn tâm toàn ý hoạt động cách mạng, chứ còn cả tuổi thơ của tôi thì đã gắn với cách mạng rồi. Tôi nhận thức khá sớm về việc mình là ai, mình cần làm gì, mình sinh ra trong gia đình thế nào để có sự cẩn trọng chọn lựa các mối quan hệ xung quanh, để không gây bất kỳ sự bất lợi nào cho công việc của cha mẹ và của tổ chức.

Tôi được kết nạp đảng năm 17 tuổi và cả tuổi thơ tôi sống trong bầu không khí làm cách mạng, do đó tôi hòa nhập một cách tự nhiên, ý thức một cách rất rõ ràng và kiên định về mục tiêu cách mạng, tin tưởng hết lòng mà không bao giờ băn khoăn gì cả. Tôi hiểu rất rõ, làm cách mạng nghĩa là “dấn thân”. Thế nên nếu hỏi điều gì thôi thúc tôi, giữ cho tôi sự kiên định và tin tưởng tuyệt đối trong chừng ấy năm tù đày thì có lẽ đó chính là suy nghĩ “dấn thân” từ rất sớm đó. Tôi không ảo tưởng về con đường cách mạng mình sẽ đi, đó dĩ nhiên là con đường gian khổ, phải chấp nhận chiến đấu, thậm chí phải xem nhẹ cái chết…

* Điều gì thôi thúc một cô gái trẻ độ tuổi 15-17 chọn cho mình con đường gian khổ đó? Bà có lúc nào thấy “sợ” không?

- Chính vì tham gia cách mạng là gian khổ, nguy hiểm và sẵn sàng hy sinh mạng sống cho cách mạng nên hỏi tôi có sợ không thì tôi khẳng định, tôi không sợ những hiểm nguy cho bản thân mình. Năm 1964, trước khi bị bắt vào tù, một nhà văn người Ý cũng từng hỏi tôi câu hỏi này, tôi cũng trả lời tôi không sợ vì tôi ý thức rõ làm cách mạng là làm gì, gian khổ ra sao và kể cả sinh mạng cũng không được tiếc nuối. Cái sợ duy nhất của tôi là sợ mình sơ sẩy, thiếu kinh nghiệm không hoàn thành nhiệm vụ và gây thiệt hại cho tổ chức, cho cách mạng.

Tôi chọn cho mình một cái tên giả phòng khi bị bắt, đó là tên Tâm. Tôi rất thích chữ “Tâm” từ khi đi học và qua bài giảng của thầy, tôi hiểu ý nghĩa mấy câu thư chữ Hán nói về chữ Tâm: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/Phi mao tùng thử đắc/Tố Phật dã do tha”. Hiểu nôm na là cái Tâm con người ta quyết định tất cả “Phật do Tâm mà ra, dã thú cũng do Tâm mà ra”. Hiểu rộng hơn thì “thiện cũng là Tâm, ác cũng là Tâm”, “cách mạng là do Tâm, phản cách mạng cũng từ Tâm”, “đúng là do Tâm, sai cũng do Tâm”, “chính nghĩa từ Tâm mà phi nghĩa cũng từ Tâm”… Tất cả bắt đầu từ Tâm của con người. Tôi chọn tên Tâm cũng là để khẳng định với lòng mình: con đường mình đã chọn, ý chí đã quyết thì phải rất kiên tâm, không bao giờ được lung lay dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

* Bị bắt năm 1964, khi chỉ mới 19 tuổi và phải trải qua sự khốc liệt của những nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt nhất, điều gì giữ cho bà sự kiên định sắt đá đó?

“Ở góc độ gia đình, may mắn lớn nhất của tôi là hàng chục năm qua tôi luôn nhận được sự ủng hộ, yêu thương vô điều kiện cho mọi công việc mình làm. Đôi lúc tôi vẫn thấy hơi áy náy bởi dù muốn dù không, vì công việc chung nhiều nên có lúc tôi vẫn phải thu vén, cắt xén bớt, chưa dành hết thời gian cho gia đình, cho con cháu. Nhưng nói chung, mọi người trong gia đình tôi vẫn thông cảm và chia sẻ công việc với tôi”.

- Tôi ngồi tù 11 năm, bị đày đọa khắp các nhà tù, từ Gia Định, Thủ Đức, Chí Hòa rồi ra chuồng cọp Côn Đảo, sau đó lên Tân Hiệp và lại ra Côn Đảo lần thứ 2... Với tôi, lao tù cũng là một phần của con đường làm cách mạng, vào tù không phải là để nghỉ ngơi hay dừng chân. Trong tù là một cuộc chiến khốc liệt, cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch, không giáo không gươm nhưng rất khắc nghiệt, chỉ có ý chí và tấm lòng: cuộc chiến về tư tưởng và tâm trí để giữ gìn khí tiết cách mạng của chính mình. Nếu chiến đấu ở thành phố, đô thị thời gian đó gọi là “chiến đấu trong lòng địch”, thì cuộc chiến đấu trong tù được ví như chiến đấu “trong lòng của trong lòng” kẻ thù.

Trong tù, chị em chúng tôi phần lớn đều có 2 sự khẳng định sắt đá chưa một phút nào lung lạc: thứ nhất là cách mạng nhất định thắng lợi vì đây là cuộc chiến mà lẽ phải, chính nghĩa thuộc về ta và đây phải là niềm tin tuyệt đối, son sắt. Và thứ 2, ngày chiến thắng thì chưa chắc đã có mình. Khẳng định điều này để chấp nhận hy sinh khi cần thiết. Thực tế trong tù, người cán bộ cách mạng đối diện với trăm mưu ngàn kế chiêu dụ của địch: chỉ cần chịu chào cờ địch thì sẽ được trả tự do, chỉ cần “chào kính” (gặp địch cúi đầu chào) thì sẽ được nhiều ưu đãi, đồng ý học “tố cộng”, đả đảo cách mạng, đả đảo Bác Hồ… để có thức ăn ngon, áo mặc, được tắm rửa gội đầu… Tôi chống hoàn toàn tất cả những điều này và bị liệt vào dạng tù nhân “cứng đầu cứng cổ”. 2 lần ra Côn Đảo, bị biệt giam và ở chuồng cọp, chịu bao gian khổ nhưng ý chí của chúng tôi không lung lạc. Những câu thơ trong bài thơ Trăng trối của nhà thơ Tố Hữu luôn khắc sâu trong tâm trí mọi người: “Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cận cổ, súng kề tai/ Là mạng sống chỉ coi còn một nửa”…

* Khi được trả tự do vào thời điểm cận kề Ngày Giải phóng miền Nam, tâm trạng bà lúc đó ra sao?

- Ngày 7-3-1975, tôi được trả tự do vô điều kiện từ Nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa, Đồng Nai). Không thể nói hết sự vui mừng cảm động bởi tôi từng xác định “ngày chiến thắng chưa chắc đã có mặt mình”, nghĩa là tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống, luôn đấu tranh với kẻ thù trong tù để giữ gìn khí tiết cách mạng và không làm điều gì tổn hại cho thanh danh của cách mạng. Nhưng cuối cùng tôi đã về kịp ngày chiến thắng. Tôi xin tổ chức cho kiểm điểm để yên tâm tham gia chiến dịch, vì tôi nghĩ biết đâu trong chiến dịch này, nếu tôi có hy sinh thì tôi cũng thấy nhẹ nhàng, yên tâm vì đã được tổ chức đánh giá đúng về mình.

Nguyện vọng đó được chấp thuận, tôi xuống đường, lòng phơi phới nhẹ nhàng. Không thể nói hết tâm trạng lúc đó, tôi chỉ có thể nói lại cảm xúc của mình một câu ngắn gọn thôi: “vui sao nước mắt lại trào”.

Bà Trương Mỹ Hoa trong một chuyến thăm học sinh ở huyện Trường Sa
Bà Trương Mỹ Hoa trong một chuyến thăm học sinh ở huyện Trường Sa

Thiện nguyện là làm theo “mệnh lệnh trái tim”

* Không chỉ làm Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính, bà còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”?

- Muốn ngư dân bám biển, muốn trẻ em trên đảo có tri thức, có tương lai và có thể quay về xây dựng quê hương, thì cả đất nước phải chung tay lại. Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” ra đời một thời gian ngắn ngay sau sự kiện giàn khoan HD981 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam - thời khắc có tính lịch sử của đất nước. Để làm gì? Để chung tay góp sức, để kết nối những ước nguyện, những trái tim trên mọi miền đất nước đến Trường Sa, Hoàng Sa. Tôi thích chữ “Vì” trong cái tên của câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”. Chữ “Vì” này có thể tập hợp mọi hành động mà ta có thể làm, còn cụ thể hành động đó là gì thì tùy vào thực tế: xây trường, lo học bổng, giúp đỡ con em chiến sĩ và ngư dân, làm nhà, chia sẻ tinh thần, vật chất… Tóm lại là tập hợp mọi hành động để chiến sĩ và người dân thấy lòng mình ấm áp hơn, để họ hiểu là cả nước luôn hướng về biển đảo để họ yên tâm bám đảo, bám biển, gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chẳng hạn, cũng từ chữ “Vì” này, chúng tôi có dự án ươm mầm tương lai của Quỹ Học bổng Vừ A Dính với 345 em dân tộc thiểu số, trong đó có 111 em từ biển đảo và trong số đó có 69 em là con em ngư dân trên các đảo từ cù lao Chàm, Lý Sơn. Phú Quý đến Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc, Nam Du… Các em được hỗ trợ học bổng từ lớp 6-12 ở nội trú. Rồi cũng từ chữ “Vì” này thì có rất nhiều sự hỗ trợ khác cho đời sống ngư dân, chiến sĩ, cho đời sống và môi trường biển đảo mà tôi khó có thể liệt kê hết, song điều vui mừng nhất là tấm lòng hướng về biển đảo trong những năm qua của cộng đồng bà con trong và ngoài nước ngày càng được nhân rộng, ấm áp nghĩa tình.

* Rời khỏi vị trí Phó chủ tịch nước, bà gần như không nghỉ ngơi mà lại chuyển từ sự đóng góp này sang sự đóng góp khác?

- Thật sự từ khi về hưu thì tôi mới có điều kiện, thời gian tập trung hơn cho những hoạt động vì biển đảo, vì con em các dân tộc thiểu số… Tôi nghĩ khi mình còn sức khỏe thì cố gắng làm, nhiều người còn chung sức với mình thì phải chịu khó, phải tiếp tục đóng góp cho đất nước.

Khi làm công tác lãnh đạo nhà nước, thì với tôi đó là nhiệm vụ, là “mệnh lệnh của đất nước”, còn làm thiện nguyện là sự tự giác, tự nguyện của cá nhân tôi, là làm theo “mệnh lệnh của trái tim”. Khi về hưu, tôi không tiếp tục tham gia trong các tổ chức khác mà tập trung lo cho quỹ. Tôi cũng đề nghị mọi người thông cảm bởi sức mình có hạn nên muốn dành mọi sức lực còn lại cho Quỹ Học bổng Vừ A Dính, cho Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”.

* Và hạnh phúc của bà là gì trong công tác thiện nguyện?

- Tôi thấy mình hạnh phúc, bởi không có gì vui bằng có thể làm được những điều tốt cho mọi người, cho cộng đồng. Đây là niềm vui thực sự mà tôi cảm nhận được sau từng ấy năm gắn bó với quỹ học bổng, với các công tác thiện nguyện liên quan đến biển đảo, đến con em các dân tộc thiểu số khắp mọi miền đất nước. Tôi rất xúc động và vui mừng khi nhiều em học rất giỏi và có tâm nguyện quay về đảo, về với đồng bào, với bản làng của mình và có ý thức xây dựng quê hương. Với tôi, đó là món quà lớn nhất thay cho lời cảm ơn của các cháu.

Sau này, tôi lại phụ trách thêm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” dù công việc cũng rất nhiều, liên tục di chuyển đến mọi vùng biển đảo cũng là thử thách với sức khỏe của tôi, và tôi thường trả lời vui với anh em: “Hỏi tuổi, tuổi khuyên nên dừng lại/Hỏi lòng, lòng bảo: Cứ xung phong!”.

 Xin cảm ơn bà!

Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều