Báo Đồng Nai điện tử
En

Những sáng kiến bạc tỷ

09:06, 26/06/2019

Với trình độ, năng lực, kinh nghiệm cộng với tinh thần sáng tạo, ham học hỏi, nhiều công nhân lao động kỹ thuật trong tỉnh đã có những sáng kiến, cải tiến, đề xuất làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng.

Với trình độ, năng lực, kinh nghiệm cộng với tinh thần sáng tạo, ham học hỏi, nhiều công nhân lao động kỹ thuật trong tỉnh đã có những sáng kiến, cải tiến, đề xuất làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý khen thưởng lao động kỹ thuật cao xuất sắc tiêu biểu của các doanh nghiệp  trong tỉnh. Ảnh: H.DUNG
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý khen thưởng lao động kỹ thuật cao xuất sắc tiêu biểu của các doanh nghiệp trong tỉnh. Ảnh: H.DUNG

Theo tác giả của những sáng kiến này, điều họ mong muốn nhất sau mỗi lần sáng kiến được áp dụng là sự ghi nhận, khen thưởng, động viên, khích lệ kịp thời của chủ doanh nghiệp và các cấp lãnh đạo để có động lực làm việc tốt hơn.

* Đổi mới để tốt hơn

Hơn 16 năm gắn bó với Công ty hữu hạn chế tạo công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (VMEP, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), anh Mai Thế Hải đã có nhiều sáng kiến giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Trong đó, phải kể đến đề xuất thay thế linh kiện nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) của dòng xe máy số sang sử dụng thiết bị nội địa hay cải tiến đổi xích xe máy từ 2 miếng thành 1 miếng cho các dòng xe Galaxy, Angel. Những sáng kiến này giúp công ty giảm chi phí sản xuất gần 60 ngàn USD mỗi năm.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết: “Vừa qua Liên đoàn Lao động tỉnh và nhiều Công đoàn cơ sở, công ty đã tổ chức khen thưởng những lao động kỹ thuật có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Qua đó tạo động lực thúc đẩy người lao động tiếp tục thi đua lao động sáng tạo, đem đến nhiều lợi ích hơn nữa cho doanh nghiệp và sự phát triển chung của tỉnh nhà”.

Anh Hải cho biết, nhiệm vụ lên ý tưởng, thiết kế, lập kế hoạch sản xuất, theo dõi sản xuất, thăm dò thị trường để chọn thời điểm ra mắt sản phẩm phù hợp yêu cầu anh phải am hiểu về cấu tạo, cách thức hoạt động của các loại xe máy. Đồng thời, phải nắm bắt tâm lý, xu hướng của khách hàng để nghiên cứu cho ra thị trường những dòng sản phẩm vừa có mẫu mã đẹp vừa có chất lượng tốt. Do đó, trong quá trình làm việc, anh Hải luôn tìm đọc nhiều tài liệu, học hỏi nhiều kinh nghiệm hay để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Phương (Công ty TNHH may mặc United Sweethearts Việt Nam, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch) lại có nhiều đề xuất giúp công ty giảm chi phí thuê nhân công.

Anh Phương cho hay, năm 2018 khi công ty tăng quy mô sản xuất thêm 30 chuyền may, anh đã kiến nghị lãnh đạo công ty đầu tư máy cắt tự động, máy chạy vải tự động để hạn chế lao động thủ công, giảm bụi, giảm tiếng ồn mà năng suất lại cao hơn.

Sau khi công ty đầu tư 2 máy cắt vải tự động, anh Phương xung phong đi học lớp vận hành máy và được phân công đảm nhận nhiệm vụ vận hành máy cắt tự động rồi hướng dẫn cho những công nhân khác thực hiện. Từ khi có 2 máy cắt vải tự động, công ty đã giảm được khoản tiền lớn thuê chuyên gia, kỹ sư nước ngoài về chuyển giao kỹ thuật, tiết kiệm tiền thuê nhân công, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Còn anh Nguyễn Hữu Quang (Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial, Khu công nghiệp Biên Hòa 2), với mong muốn có thêm nhiều kiến thức để đáp ứng công việc tốt hơn, khi đang là lao động phổ thông, anh đã đăng ký vừa làm vừa học đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh. Đến nay, anh đã được cất nhắc lên bộ phận phụ trách phát triển dự án thay đổi phần mềm quản lý vận hành và lên kế hoạch sản xuất của công ty.

Nhờ có kiến thức, trình độ, ngoại ngữ, anh Quang đã có nhiều sáng kiến, cải tiến làm lợi cho doanh nghiệp và người lao động như: sáng kiến về thiết kế ghép khuôn tiết kiệm nguyên, vật liệu sản xuất; đề xuất thay đổi quy trình sản xuất, cải tiến chi tiết máy may để tăng hiệu quả sản xuất; đề xuất cải tiến nhằm cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, giúp nhà xưởng thông thoáng, dễ chịu hơn, đỡ tiếng ồn và bụi.

* Không ngừng nỗ lực

Điểm chung của những lao động kỹ thuật có tay nghề cao là tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Họ luôn trăn trở và có suy nghĩ làm sao để hiệu quả công việc ngày mai tốt hơn hôm nay và hôm qua. Vì thế, họ được lãnh đạo doanh nghiệp rất trọng dụng. Mức thu nhập bình quân của những lao động kỹ thuật có tay nghề cao tại các doanh nghiệp trong tỉnh hiện vào khoảng 16-20 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về lý do tiếp tục con đường học hành đang dang dở của mình, anh Nguyễn Hữu Quang bộc bạch, xã hội càng phát triển, công nghệ càng hiện đại đòi hỏi bản thân mỗi người phải có kiến thức, trình độ mới có thể nắm bắt và theo kịp thời đại. Nếu không có kiến thức, người lao động rất dễ bị lạc hậu và bị bỏ lại phía sau. Hiện nay, có rất nhiều kênh để tiếp nhận kiến thức, không chỉ trực tiếp đến giảng đường mà có thể học từ xa, học trên mạng... Điều quan trọng là bản thân mỗi công nhân lao động phải xác định được mục đích học tập, thực sự quyết tâm và nỗ lực mới có thể có được điều mình mong muốn.

Còn anh Nguyễn Thành Phương thì cho rằng, ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như hiện nay, sẽ đến lúc các doanh nghiệp không còn cần lao động phổ thông không có trình độ nữa. Do đó, tự đổi mới bản thân để có chỗ đứng vững chắc trong doanh nghiệp là điều mà người lao động nên hướng tới.

Đồng tình với quan điểm này, anh Mai Thế Hải chia sẻ, ngoài những kiến thức chuyên ngành, anh cũng đang tự học ngoại ngữ, học thiết kế đồ họa trên máy vi tính để có thể làm được nhiều công việc hơn, đem lại thu nhập cao hơn cho bản thân và gia đình.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều