Báo Đồng Nai điện tử
En

Tri ân người có công từ những việc làm nhỏ

09:07, 03/07/2019

Theo Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Tân Phú, trong số 18 xã, thị trấn của huyện, xã Phú Điền là nơi duy trì được mô hình thăm, thắp nhang cho liệt sĩ trong ngày giỗ đều đặn hằng năm...

[links()]Sáng 17-6, khi bà Lương Thị Dung (ngụ ấp 4, xã Phú Điền, huyện Tân Phú) đang chuẩn bị lễ giỗ cho cha là liệt sĩ Lương Văn Thắng (hy sinh năm 1972) thì đoàn cán bộ đại diện cho Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Điền đến nhà xin phép bày biện trái cây ra dĩa rồi đặt lên bàn thờ. Sau đó, mỗi người thắp một nén nhang cho cha bà.

Cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Phú Điền, huyện Tân Phú cùng bà Phạm Thị Chín (80 tuổi, ngụ xã Phú Điền), vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Vạn (hy sinh năm 1968) thắp nhang cho chồng bà. Ảnh: V.Truyên
Cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Phú Điền, huyện Tân Phú cùng bà Phạm Thị Chín (80 tuổi, ngụ xã Phú Điền), vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Vạn (hy sinh năm 1968) thắp nhang cho chồng bà. Ảnh: V.Truyên

Gia đình bà Dung là một trong 28 gia đình liệt sĩ được cán bộ đại diện xã Phú Điền cùng cán đoàn thể của xã đến thắp hương trong ngày giỗ liệt sĩ hằng năm.

* Nghĩa tình từ việc làm nhỏ

Theo bà Đinh Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền, toàn xã có 75 gia đình thuộc diện chính sách, trong đó có 28 gia đình liệt sĩ. Mỗi gia đình chính sách được hưởng đầy đủ chế độ trợ cấp, quà trong dịp lễ, tết do Nhà nước quy định. Ngoài ra, từ năm 1995, mỗi năm UBND xã đều dự trù một phần kinh phí để đến thăm các gia đình liệt sĩ vào dịp giỗ. 25 năm qua, xã duy trì đều đặn mô hình tri ân gia đình có công này.

Bà Phạm Thị Chín (80 tuổi, ngụ xã Phú Điền), vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Vạn (hy sinh năm 1968) cho biết, gia đình bà đến xã định cư từ năm 1995. Giỗ chồng bà vào mùng 2 Tết. “Ngày Tết nhà nào cũng sum họp gia đình, vui chơi là vậy nhưng các cháu công tác ở xã, ấp chưa bao giờ quên đến nhà để thắp nén nhang trong ngày giỗ chồng tôi. Tôi quý lắm. Quý cái tình của người cán bộ ở địa phương với gia đình” - bà Chín nói.

Bà Phạm Thị Hồng Tươi, cán bộ lao động – thương binh và xã hội xã Phú Điền, huyện Tân Phú xếp dĩa trái cây để cùng ông Lê Hoàng Dân (76 tuổi, ngụ xã Phú Điền) làm đám giỗ cho anh trai ông Dân là liệt sĩ Lê Văn Thành (hy sinh
Bà Phạm Thị Hồng Tươi, cán bộ lao động – thương binh và xã hội xã Phú Điền, huyện Tân Phú xếp dĩa trái cây để cùng ông Lê Hoàng Dân (76 tuổi, ngụ xã Phú Điền) làm đám giỗ cho anh trai ông Dân là liệt sĩ Lê Văn Thành (hy sinh

Còn ông Lê Hoàng Dân (76 tuổi, ngụ xã Phú Điền), em trai liệt sĩ Lê Văn Thành (hy sinh năm 1962) cho hay, giỗ anh trai ông rơi vào ngày 23-5 âm lịch hằng năm. Chưa năm nào những cán bộ làm việc ở xã quên ngày giỗ của anh trai ông. Ông Lê Hoàng Dân bộc bạch: “Năm nào vào ngày giỗ các cháu ở xã đều xuống nhà sớm để hỗ trợ gia đình chuẩn bị giỗ cho anh tôi”.

* Cùng thể hiện lòng tri ân

Để không bỏ sót, nhớ nhầm ngày giỗ của các liệt sĩ, nhiều thế hệ cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội ở xã Phú Điền chuyền tay nhau tấm bảng bằng giấy bìa cứng được viết bằng bút chì ghi tên liệt sĩ, ngày mất liệt sĩ (ngày âm và ngày dương), tên người thân liệt sĩ, địa chỉ nhà kèm số điện thoại người thờ cúng liệt sĩ...

“Bây giờ danh sách có lưu trong máy vi tính nhưng bảng danh sách này vẫn được treo ngay tại nơi làm việc để mọi người cùng theo dõi, nhắc nhở nhau nhớ ngày giỗ liệt sĩ. 25 năm qua, trong danh sách này xã đã 2 lần thực hiện điều chỉnh về thông tin thay đổi nơi thờ cúng của liệt sĩ. Còn các thông tin liên quan đến các liệt sĩ, người thân liệt sĩ đều lưu giữ cẩn thận” - bà Đinh Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền cho biết.

Bà Đinh Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền, huyện Tân Phú (bên trái) và bà Phạm Thị Hồng Tươi, cán bộ lao động – thương binh và xã hội xã dò lại thông tin về ngày giỗ liệt sĩ trong tấm bảng bằng giấy bìa cứng đã truyền qua 3 thế hệ cán bộ lao động – thương binh và xã hội xã. (ảnh: Văn Truyên)
Bà Đinh Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền, huyện Tân Phú (bên trái) và bà Phạm Thị Hồng Tươi, cán bộ lao động – thương binh và xã hội xã dò lại thông tin về ngày giỗ liệt sĩ trong tấm bảng bằng giấy bìa cứng đã truyền qua 3 thế hệ cán bộ lao động – thương binh và xã hội xã. (ảnh: Văn Truyên)

Ngoài ra, vào Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7 hằng năm, xã đều tổ chức họp mặt gia đình chính sách, người có công. Mỗi lần như vậy, từ nguồn đóng góp của bà con trong xã thông qua Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, sự hỗ trợ của mạnh thường quân, UBND xã đều tổ chức trao quà cho gia đình chính sách, người có công. Cũng trong dịp này, xã tổ chức cho học sinh, đoàn viên thanh niên cùng người dân ôn lại những câu chuyện kể về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của những liệt sĩ, người hoạt động trong kháng chiến...

Em Nguyễn Thị Thu Thảo (học sinh lớp 9 Trường THCS Đồng Hiệp, xã Phú Điền) cho biết: “Qua những buổi nghe ông bà, cô chú là người từng tham gia hoạt động cách mạng, người thân của liệt sĩ kể chuyện truyền thống yêu nước, em thêm tự hào về nơi mình sinh sống, biết ơn những người đã cống hiến, hy sinh cho đất nước”. 

Theo Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Tân Phú, trong số 18 xã, thị trấn của huyện, xã Phú Điền là nơi duy trì được mô hình thăm, thắp nhang cho liệt sĩ trong ngày giỗ đều đặn hằng năm. Thời gian tới, việc tri ân gia đình có công này của xã Phú Điền sẽ được nhân rộng nhằm thể hiện tốt hơn việc tri ân, tưởng nhớ những thế hệ có công với đất nước.

Văn Truyên

Tin xem nhiều