Báo Đồng Nai điện tử
En

Lời căn dặn Bác dành cho Đảng

09:08, 26/08/2019

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã vĩnh biệt toàn dân để đi vào cõi vĩnh hằng vào ngày 2-9-1969. Trước đó 4 năm, nhân dịp sinh nhật tuổi 75 của mình, Bác đã bắt đầu viết Di chúc. Cuối bản Di chúc đề ngày 15-5-1965. Sau đó, tháng 5-1968, Bác cẩn thận viết bổ sung thêm một số đoạn vì "khi xem lại thư này tôi thấy cần phải viết thêm mấy điểm".

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã vĩnh biệt toàn dân để đi vào cõi vĩnh hằng vào ngày 2-9-1969. Trước đó 4 năm, nhân dịp sinh nhật tuổi 75 của mình, Bác đã bắt đầu viết Di chúc. Cuối bản Di chúc đề ngày 15-5-1965. Sau đó, tháng 5-1968, Bác cẩn thận viết bổ sung thêm một số đoạn vì “khi xem lại thư này tôi thấy cần phải viết thêm mấy điểm”.

Bác Hồ và bản Di chúc Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân
Bác Hồ và bản Di chúc Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân

Đó là những đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi.

* Căn dặn chu đáo

Lần cuối cùng, vào ngày 10-5-1969, nghĩa là chỉ hơn 3 tháng trước ngày Bác “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc. Có lẽ Bác đã linh cảm được tình hình sức khỏe của mình, cho nên trong đoạn này, Bác đã dẫn ý thơ của Đỗ Phủ: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là “Người thọ 70, xưa nay hiếm”, rồi Bác đã liên hệ đến mình: “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ”. Vì không lạ, nên Bác vẫn rất lạc quan nói thẳng vào vấn đề ra đi của mình với một phong thái hết sức nhẹ nhàng, ung dung: “Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa? Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.

Để nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, trước kia cũng như hiện nay, Đảng không có cách nào tốt hơn là làm theo Di chúc của Bác, trong đó việc phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng. Chính trên tinh thần ấy, ở Đại hội XI, XII, Đảng ta đã liên tiếp ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là một trong những quyết sách chính trị quan trọng nhằm đưa Đảng tiến lên, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.

Chính vì để mọi người “khỏi cảm thất đột ngột” nên Bác đã cẩn thận căn dặn chu đáo tất cả mọi việc quan trọng của Đảng, của nước, của “phong trào cộng sản thế giới” nói chung và “về việc riêng” của Bác. Trong tất cả những điều Bác căn dặn cho toàn Đảng, toàn dân điều đầu tiên Bác dành nói về Đảng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong Di chúc, Bác nhấn mạnh “trước hết nói về Đảng”, dành nhiều tâm sức để dặn dò cho đồng chí, đồng bào như vậy. Với một tư duy chính trị sắc bén, hơn ai hết, Bác hiểu rất rõ vai trò của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị thành lập Đảng, Bác đã khẳng định: “Cách mệnh trước hết phải có Đảng cách mệnh” và “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”. Thực tiễn đã chứng minh vận mệnh của dân tộc gần một thế kỷ qua không tách khỏi vận mệnh của Đảng. Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh là điều kiện quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng.

* Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh

Trong Di chúc, khi nói về Đảng, Bác đã chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu để Đảng ta lãnh đạo nhân dân đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác là “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”.

Tiếp ngay sau đó Bác khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Vì thế “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Cuối cùng khi nói về Đảng, Bác ân cần dặn dò: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thật ra, Đảng ta đã là đảng cầm quyền từ sau Cách mạng tháng Tám, nhưng do thực tế còn phải tiếp tục đấu tranh giành chính quyền nên ý nghĩa “Đảng cầm quyền” chưa mang tính xã hội trọn vẹn. Di huấn của Bác lần này là hướng về tương lai sau khi đất nước hoàn toàn độc lập và thống nhất.

Gần một thế kỷ đã qua, cùng với dân tộc, Đảng ta đã tạo dựng cho mình một lịch sử vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Với những biến động cực kỳ to lớn về chính trị trên bình diện quốc tế, những thay đổi sâu sắc về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu, khu vực và trong nước của giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, giữ vững vai trò lãnh đạo của mình để đưa đất nước vượt qua mọi biến động của thời cuộc và phát triển đi lên.

TS.Vũ Thị Nghĩa

Tin xem nhiều