Báo Đồng Nai điện tử
En

Cả hệ thống cùng vào cuộc

09:09, 05/09/2019

Trước đây, việc cho vay và vay vốn giữa ngân hàng chính sách xã hội các cấp với người vay vốn chỉ là câu chuyện giữa hai bên. Tuy nhiên, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri số 32-TT/TU của Ban TVTU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, việc cho vay và vay vốn đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Trước đây, việc cho vay và vay vốn giữa ngân hàng chính sách xã hội các cấp với người vay vốn chỉ là câu chuyện giữa hai bên. Tuy nhiên, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri số 32-TT/TU của Ban TVTU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, việc cho vay và vay vốn đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai làm thủ tục vay tiền tại điểm giao dịch của ngân hàng tại trụ sở UBND phường Thanh Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: V. Truyên
Người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai làm thủ tục vay tiền tại điểm giao dịch của ngân hàng tại trụ sở UBND phường Thanh Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: V. Truyên

Nhờ đó, người dân được tiếp cận dễ dàng với nguồn tiền được vay và khoản vay ngày càng cao. Công tác xác minh hồ sơ vay vốn, giám sát sử dụng vốn vay, đôn đốc trả gốc - lãi theo thời hạn có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng chính sách xã hội các cấp với cấp ủy, chính quyền địa phương.

* Thay đổi tạo chuyển biến

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 và Thông tri số 32, từ 3 chương trình cho vay là: cho vay đối với hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và cho vay đối với học sinh - sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai, huyện, thành phố đã tăng thành 15 chương trình cho vay vốn. Trong đó có thể kể đến các chương trình như: cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay đối với học sinh - sinh viên, xuất khẩu lao động, cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo…

Sáng 6-9, tại hội trường Tỉnh ủy sẽ diễn ra hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri số 32-TT/TU của Ban TVTU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hội nghị sẽ nghe một số tham luận của các địa phương, sở, ngành, tổ tiết kiệm vay vốn trong việc thực hiện tín dụng chính sách, cá nhân sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế trong thời gian qua; khen thưởng cá nhân, tập thể thực hiện tốt Chỉ thị số 40.

Mới đây nhất, chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội cũng đã được triển khai. Ngoài ra, số tiền cho vay tối đa đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo cũng được ngân hàng chính sách các cấp áp dụng tăng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của người dân.

Theo ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai, trước kia người dân muốn vay vốn phải đến tận trụ sở các ngân hàng chính sách xã hội để nhận hồ sơ, nghe hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, sau đó về nhà điền thông tin theo mẫu, đến chính quyền địa phương nơi cư trú để xác minh hồ sơ rồi mới đưa hồ sơ đến trụ sở ngân hàng để chờ ngày được mời lên nhận tiền vay. Từ năm 2014, khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 và Thông tri số 32, việc vay vốn của người dân không còn phải qua nhiều bước, hồ sơ không phải qua nhiều cấp bậc nữa.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, huyện, thành phố đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền 170 xã, phường, thị trấn tổ chức mô hình Điểm giao dịch của ngân hàng chính sách xã hội tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn. Tại đây, cán bộ ngân hàng tiếp nhận hồ sơ vay vốn của người dân sau khi đã có xác nhận của chính quyền địa phương, giao vốn cho người vay, tiếp nhận tiền trả lãi - gốc hằng tháng do người dân chi trả.

Bà Phan Kim Hoa (ngụ phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, bà được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai vào năm 2018. Số tiền này bà sử dụng để buôn bán hàng ăn uống ngay tại nhà ở KP.3. Mỗi tháng bà trả cả vốn và lãi là hơn 2 triệu đồng.

“Tôi thấy thủ tục vay đơn giản nhưng cũng rất kỹ lưỡng. Hồ sơ vay sau khi được chính quyền địa phương xác minh chuyển đến Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai để thẩm định. Sau đó, tôi được nhận tiền vay ngay tại trụ sở UBND phường. Mỗi lần tới ngày trả lãi, gốc trong tháng tôi chỉ cần đến UBND phường là có nhân viên ngân hàng tiếp nhận. Việc này vừa giảm được thời gian đi lại của người dân, vừa giúp tôi đỡ “ngại” khi phải hằng tháng đến ngân hàng trả nợ” - bà Hoa nói.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay, đồng thời tăng cường sự giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên, thời gian qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã phối hợp và giao vốn ủy thác cho 4 đoàn thể là: Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh các cấp thực hiện cho vay, giám sát sử dụng vốn vay thay vì chỉ mình ngân hàng có trách nhiệm với khoản tiền cho người dân vay.

* Cộng đồng trách nhiệm, phát huy vốn vay

Trong lần làm việc với Đồng Nai về tín dụng chính sách xã hội, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng đã đánh giá cao những nỗ lực, sự phối hợp của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai với cấp ủy, chính quyền ở Đồng Nai trong thực hiện cho vay và thu hồi vốn chính sách. Trong đó, ông Dương Quyết Thắng ghi nhận và biểu dương việc nợ quá hạn và nợ khoanh của tỉnh luôn ở mức thấp hơn mức bình quân của cả nước.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai Huỳnh Công Nam cho hay, mỗi tổ làm việc ở điểm giao dịch của ngân hàng tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn chỉ có 4 người. Ít người nên công việc chỉ tập trung vào việc thu lãi, gốc, tiếp nhận hồ sơ của người dân là chính. Còn việc xác minh thông tin để làm hồ sơ cho người dân vay vốn, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay ra sao, đôn đốc người dân trả gốc lãi đúng hẹn theo ngày làm việc cố định… đều nhờ vào sự phối hợp của cấp ủy chính quyền địa phương, các đoàn thể nhận ủy thác vốn vay.

Ông Trần Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) cho biết, 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 và Thông tri số 32, xã đã có 2,2 ngàn lượt hộ nghèo cũng như các đối tượng khác được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội với số tiền hơn 38 tỷ đồng. Hiện 100% dư nợ cho vay trên địa bàn được ủy thác qua các tổ chức chính trị, xã hội và được quản lý thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Trước hoặc sau từng buổi giao dịch, đại diện ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, huyện đều có những buổi họp giao ban cùng cấp ủy, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình vay, trả nợ, nhu cầu vay vốn cụ thể ở địa phương để có sự điều chỉnh sao cho phù hợp, thuận tiện cho người dân nhất.

Ngoài nguồn vốn của Trung ương phân bổ về cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai, hằng năm UBND tỉnh, huyện, thành phố đã điều tiết nguồn tiền sang ngân hàng chính sách xã hội cùng cấp. Số tiền do tỉnh, huyện, thành phố điều chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai năm sau đều cao hơn năm trước. Từ năm 2014 đến tháng 6-2019, tỉnh Đồng Nai đã điều chuyển trên 287 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai. Nguồn tiền này để kết hợp với ngân sách trung ương đã tạo thêm nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.

Ông Trần Đức Tùng (ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) bên vườn dâu tằm của gia đình sau khi được học lớp trồng dâu nuôi tằm và vay vốn sản xuất. Ảnh: Văn Truyên
Ông Trần Đức Tùng (ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) bên vườn dâu tằm của gia đình sau khi được học lớp trồng dâu nuôi tằm và vay vốn sản xuất. Ảnh: Văn Truyên

Ông Trần Đức Tùng (ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) cho hay năm 2018, ông bắt tay vào nghề trồng dâu nuôi tằm. Để có vốn sản xuất, ông làm hồ sơ và được cấp ủy, chính quyền địa phương và ngân hàng chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng đầu tư làm nhà nuôi tằm. Trước khi nhận khoản tiền vay, ông được UBND xã cho đăng ký tham gia lớp học trồng dâu nuôi tằm mở ngay ở xã. Sau lớp học, cùng với số tiền và kiến thức có được, ông Tùng bắt đầu phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm và gần 1 năm qua đã mang lại kết quả tốt.

Nhờ sự phối hợp, cùng cộng đồng trách nhiệm trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giữ tỷ lệ nợ quá hạn ở Đồng Nai luôn thấp hơn mức bình quân của cả nước. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại tỷ lệ nợ quá hạn ở Đồng Nai chỉ là 0,34% so với mức 1% của cả nước.

Tổng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đến tháng 6-2019 là trên 2,413 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 46% so với khi chưa có Chỉ thị số 40 và Thông tri số 32).

Võ Tuyên

Tin xem nhiều