Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân lên những "cặp nến" yêu thương

04:02, 22/02/2020

Với mong muốn kết nối những trái tim nhân ái để nâng bước các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, hướng đến một tương lai tươi sáng, từ tháng 4-2018, Tỉnh đoàn, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã phối hợp tổ chức ra mắt chương trình học bổng bảo trợ với tên gọi Cặp nến yêu thương.

Với mong muốn kết nối những trái tim nhân ái để nâng bước các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, hướng đến một tương lai tươi sáng, từ tháng 4-2018, Tỉnh đoàn, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã phối hợp tổ chức ra mắt chương trình học bổng bảo trợ với tên gọi Cặp nến yêu thương.

Nhóm tình nguyện viên trao tận tay học bổng bảo trợ Cặp nến yêu thương cho nến hồng. Ảnh: Tỉnh đoàn cung cấp
Nhóm tình nguyện viên trao tận tay học bổng bảo trợ Cặp nến yêu thương cho nến hồng. Ảnh: Tỉnh đoàn cung cấp

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, chương trình Cặp nến yêu thương đã kết nối được những cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp có tấm lòng nhân ái hỗ trợ gần 200 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh, giúp các em có thêm động lực vượt khó vươn lên.

* Kết nối những tấm lòng

Chị Hồ Hồng Nguyên, Phó bí thư Tỉnh đoàn cho biết, để thực hiện chương trình Cặp nến yêu thương, các huyện, Thành đoàn đã giới thiệu những trường hợp thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích cao trong học tập, có nguy cơ bỏ học (gọi là nến hồng); hoặc bản thân gia đình, người thân của học sinh có thể tự đăng ký làm nến hồng với xác nhận của chính quyền địa phương. Căn cứ vào đó, Ban tổ chức tiến hành khảo sát, ghi hình và đăng tải trên Fanpage chương trình Cặp nến yêu thương nhằm huy động sự giúp đỡ trực tiếp của các mạnh thường quân (gọi là nến xanh). Nến xanh trên cơ sở đó sẽ chọn tối thiểu một nến hồng để hỗ trợ trong thời gian tối thiểu là 1 năm. Mỗi nến hồng được hỗ trợ ít nhất 200 ngàn đồng/tháng (2,4 triệu đồng/năm) từ nến xanh thông qua số tài khoản của chương trình.

Qua 2 năm thực hiện, chương trình Cặp nến yêu thương đã kết nối tấm lòng hảo tâm của 13 cá nhân, đơn vị tình nguyện làm nến xanh hỗ trợ cho gần 200 nến hồng với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Trong đó, có những đơn vị tình nguyện hỗ trợ hàng chục nến hồng như: Quỹ từ thiện Kim Oanh (hỗ trợ 50 nến hồng năm 2018-2019), Công ty bảo mật Nam Trường Sơn (hỗ trợ 50 nến hồng năm 2018-2019), Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel (hỗ trợ 20 nến hồng năm 2019-2020)...

Cũng theo chị Hồ Hồng Nguyên, sau 1 năm thực hiện, Ban tổ chức đã thành lập đội hình tình nguyện viên thực hiện công tác khảo sát, thu thập thông tin các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Đồng thời, mỗi quý nhận tiền hỗ trợ của nến xanh từ Ban tổ chức trao tận tay cho các nến hồng. Bên cạnh đó, các thành viên đội tình nguyện viên còn hỗ trợ, động viên các nến hồng nỗ lực vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Sinh viên Hoàng Bảo An, Khoa Dược Trường đại học công nghệ Miền Đông (huyện Thống Nhất), là một trong những tình nguyện viên phụ trách địa bàn các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh cho biết, khi đến với gia đình các em, An nhận ra rằng còn rất nhiều mảnh đời kém may mắn. “Tôi hiểu được giá trị của sự sẻ chia, hiểu thế nào là một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nếu sau này ra trường, có điều kiện tôi cũng sẽ chung tay để giúp nến hồng có thêm cơ hội vươn tới ước mơ của mình” - An bộc bạch.

* Thắp sáng niềm tin

Tham gia chương trình Cặp nến yêu thương, mỗi nến hồng được nhận học bổng bảo trợ 200 ngàn đồng/tháng. Số tiền hỗ trợ mỗi tháng không đủ để trang trải chi phí học tập, cuộc sống nhưng đã chia sẻ phần nào khó khăn, giúp các nến hồng có thêm niềm tin vào ngày mai tươi sáng.

Tình nguyện viên chương trình Cặp nến yêu thương chia sẻ về phương pháp tự học cho em Lâm Thị Bích Tuyền, ở phường Tân Phong, TP.Biên Hòa. Ảnh: Nga Sơn
Tình nguyện viên chương trình Cặp nến yêu thương chia sẻ về phương pháp tự học cho em Lâm Thị Bích Tuyền, ở phường Tân Phong, TP.Biên Hòa. Ảnh: Nga Sơn

Em Lâm Thị Bích Tuyền (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) từng có một gia đình hạnh phúc, với đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Năm 2012, tai nạn lao động xảy ra đã cướp đi người cha - trụ cột chính trong gia đình. 3 năm sau, mẹ em mất vì bệnh ung thư bỏ lại 2 chị em Tuyền côi cút. Thương 2 cháu nhỏ mồ côi cha mẹ, bên nội lại neo người nên bà ngoại lặn lội từ Lạng Sơn vào Đồng Nai ở để đi làm kiếm tiền nuôi 2 cháu. Bà Nông Thị Thiềm (bà ngoại của Tuyền) kể, lúc vào Đồng Nai, bà đã ngoài 60 tuổi nên khó kiếm được việc làm. Ban ngày bà nhận giữ trẻ, đêm đến bà nhận hàng may mặc về cắt chỉ để kiếm thu nhập trang trải tiền thuê nhà, tiền học và tiền sinh hoạt của 3 bà cháu. Thương bà vất vả, ban ngày đi học, tối về Tuyền lại thay bà cắt chỉ. 1 năm trở lại đây do tuổi cao, sức khỏe ngày một yếu, bà ngoại không thể nhận giữ trẻ hay cắt chỉ như trước, cuộc sống của 3 bà cháu ngày càng chật vật.

Mặc dù muốn tiếp tục đến trường nhưng Tuyền đã quyết định nghỉ học ở trường để có thời gian đi làm kiếm tiền lo cho bà và em gái đang học lớp 8. Tối đến, sau khi cơm nước xong, Tuyền tự học chương trình lớp 10 ở nhà, chờ đến kỳ thi THPT quốc gia sẽ đăng ký dự thi với tư cách thí sinh tự do. Ở nhà tự học không thể bằng đến trường có thầy cô chỉ dạy nhưng với hoàn cảnh hiện tại, Tuyền đành phải tự khắc phục khó khăn. Những bài nào không hiểu, Tuyền hỏi những thầy cô giáo hoặc bạn bè đồng trang lứa ở gần nhà. Tuyền cũng giữ liên lạc với các chị tình nguyện viên chương trình Cặp nến yêu thương để khi cần có thể gọi điện thoại hỏi thêm và được giúp đỡ rất nhiệt tình.

Với em Phạm Thị Bích Tuyền (ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), chương trình Cặp nến yêu thương không chỉ giúp gia đình em vơi bớt khó khăn ở thời điểm này mà chính là động lực để em trở lại lớp học sau khi hoàn thành phác đồ điều trị bệnh u não tại Bệnh viện ung bướu TP.Hồ Chí Minh.

Phạm Thị Bích Tuyền tâm sự, trước học kỳ 1 lớp 8, em hay bị đau đầu, mờ mắt cứ nghĩ là do học hành căng thẳng hay thời tiết thay đổi nên chỉ uống thuốc giảm đau thông thường. Chỉ khi xuất hiện tình trạng sút cân nhanh kèm theo nôn ói, gia đình đưa em đi khám mới phát hiện em bị bệnh u não. Từ lúc đó, em phải trải qua những đợt phẫu thuật và truyền hóa chất nên nghỉ học ở nhà. Em chỉ mong 14 đợt truyền thuốc sớm qua để được tiếp tục đến trường. 

Chị Trần Thị Sen (mẹ của Tuyền) bộc bạch, số tiền hỗ trợ hằng tháng tuy không nhiều nhưng đáng quý ở chỗ đó là sự quan tâm, động viên để Tuyền có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật, tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành đầu bếp giỏi trong tương lai.

Nga Sơn

Tin xem nhiều