Báo Đồng Nai điện tử
En

Dồn lực để đạt mục tiêu phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm

09:07, 09/07/2020

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh (khóa IX), ngày 9-7, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ và tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh....

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh (khóa IX), ngày 9-7, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ và tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh và các nội dung trong chương trình của kỳ họp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại buổi thảo luận chiều 9-7. Ảnh: Công Nghĩa
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại buổi thảo luận chiều 9-7. Ảnh: Công Nghĩa

* Nhiều kịch bản cho tăng trưởng kinh tế

Trong 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội của tỉnh diễn ra trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước. Bằng những giải pháp đồng bộ, tích cực, nỗ lực vượt bậc, tỉnh Đồng Nai tiếp tục giữ vững tăng trưởng kinh tế, ước đạt 5,8%. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn kéo dài, chưa thể khống chế nên sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng.

Ông Đào Văn Phước, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề ra giải pháp nhằm thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khống chế các loại tội phạm là cần tăng cường kiểm tra, giám sát công vụ, tăng cường trách nhiệm của người thực thi công vụ, không thể để xảy ra tình trạng khi có chuyện thì "đùn đẩy" trách nhiệm, không chịu nhận trách nhiệm. Cuối cùng người dân phải chịu thiệt thòi.

Tại các cuộc thảo luận tổ, nhiều đại biểu cho rằng, so với các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, TP.HCM… thì mức tăng trưởng của Đồng Nai trong 6 tháng qua là khả quan. Hiện thu ngân sách của tỉnh được Trung ương giao đã đạt gần 50%, thu nội địa được đảm bảo. Việc thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài đạt được nhiều con số ấn tượng. Các dự án thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công đang được nỗ lực giải ngân.

Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT, hiện nay tỉnh chưa có kế hoạch điều chỉnh mức tăng trưởng của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các ngành chức năng cũng đã vạch ra nhiều “kịch bản” để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng đang có nhiều kế hoạch, biện pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, vượt qua khó khăn của dịch bệnh, hỗ trợ kích thích đầu tư, sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.

Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung nhận định, đến thời điểm này, các doanh nghiệp mới “thấm đòn” bởi dịch bệnh Covid-19. Tất cả các hợp đồng nhập liệu, xuất khẩu đều rất khó khăn. Từ tháng 1 đến 6-2020, các doanh nghiệp vẫn còn nguyên vật liệu để sản xuất nhưng dự kiến quý III, IV-2020, khi nguyên vật liệu cạn kiệt, nhiều doanh nghiệp sẽ “lao đao”.

“Ngành Công thương đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp vấn đề thủ tục hành chính, chính sách, tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu để thay thế. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp, cần có thêm nhiều giải pháp để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, nếu không doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2020” - bà Dung nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Tấn Lợi chia sẻ, 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước rất nặng nề vì Thủ tướng Chính phủ không điều chỉnh giảm chỉ tiêu thu ngân sách của bất kỳ địa phương nào. Để đạt được chỉ tiêu thu ngân sách, Cục Thuế Đồng Nai sẽ đẩy mạnh hỗ trợ người nộp thuế, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương kỷ luật của ngành; tập trung khai thác các nguồn thu mới để bù đắp các khoản thu hụt. Ngành Thuế cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhưng không làm ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung vào kiểm tra các doanh nghiệp có biểu hiện gian lận thuế, dây dưa nợ thuế...

* Phát triển đô thị cần khẩn trương và đồng bộ

Đề cập đến phát triển các đô thị hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhiều đại biểu cho rằng phải tiến hành khẩn trương và đồng bộ, tránh hiện tượng thực hiện "chắp vá" như hiện nay. Trong phát triển đô thị, phải quan tâm tới quản lý trật tự xây dựng, kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, tránh các yếu tố bất lợi như xảy ra ngập úng, tắc đường. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng ý thức văn minh đô thị của người dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng buôn bán hàng rong lấn chiếm lòng, lề đường, quảng cáo rác…

Các đại biểu biểu quyết một nội dung tại kỳ họp. Ảnh: Công Nghĩa
Các đại biểu biểu quyết một nội dung tại kỳ họp. Ảnh: Công Nghĩa

Đại biểu Hồ Văn Nam (Bí thư Thành ủy Long Khánh) cho biết, phải có những cơ chế mở cho phát triển đô thị một cách đồng bộ và hiện đại. Các sở, ngành của tỉnh phải cùng vào cuộc hỗ trợ thì mới đẩy nhanh được tiến độ. Đề cập đến việc xây dựng ý thức văn minh đô thị, ông Nam cho biết, TP.Long Khánh đã giao cho từng phường, xã quyết liệt ngăn chặn từ sớm tình trạng buôn bán hàng rong, chợ tự phát. Nếu phát hiện người dân bỏ rác ra đường, vứt rác bừa bãi thì chụp hình và công khai ở khu dân cư. Ngoài ra, thành phố cũng thực hiện biện pháp mạnh là gắn trách nhiệm của người đứng đầu phường, xã về đảm bảo trật tự văn minh đô thị.

Còn đại biểu Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh thì cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc xây dựng văn minh đô thị, như vận động vợ, chồng, con, anh em không mua bán hàng hóa ở những khu chợ tự phát, hàng quán tự phát. Về lâu dài, mỗi phường, xã phải quản lý một cách triệt để, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, không thể "đổ" hết trách nhiệm cho lực lượng công an.

Bên cạnh việc phát triển đô thị, nhiều đại biểu cũng đề cập đến tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Bởi đến cuối năm 2019, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch mới đạt 76,8%. Một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, việc cấp nước sinh hoạt cho người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi sử dụng giếng khoan, giếng đào nhưng chất lượng nước chưa đảm bảo theo quy định. Có địa phương đã được đầu tư đường ống cấp nước sinh hoạt nhưng chất lượng nước chưa đảm bảo…

Do đó, để đạt chỉ tiêu sử dụng nước sạch nông thôn, nhiều đại biểu đề xuất tỉnh nên xây dựng mạng lưới nước sạch nông thôn ở từng địa phương, công khai quy hoạch để người dân được biết. Đồng thời, nên giao trách nhiệm cho một đơn vị chủ trì về vấn đề này để thực hiện. Đơn vị này phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về kết quả người dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

* Đánh mạnh tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy

Phát biểu thảo luận tại tổ, Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng nhấn mạnh, tội phạm ma túy đang có xu hướng ngày càng gia tăng, kéo dài nhiều năm và ngày càng trẻ hóa gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhưng loại tội phạm này chưa có xu hướng giảm, nếu kéo dài sẽ cực kỳ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến thế hệ trẻ. Bởi tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có nhiều chiêu thức để dụ dỗ người trẻ, nhất là trẻ vị thành niên. Ngoài ma túy truyền thống còn có thêm các loại ma túy tổng hợp, bóng cười, cỏ Mỹ… Ma túy tổng hợp khi vướng vào cực kỳ khó cai nghiện, gần như "bó tay".

Để giảm thiểu loại tội phạm này, ông Lê Kim Bằng cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ, lâu dài, thực hiện thường xuyên và liên tục. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là phải đánh sập các đường dây mua bán, tàng trữ ma túy, chặn đứng đường dây cung cấp ma túy. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thường xuyên những nơi kinh doanh nhạy cảm, những nơi mà con nghiện có thể sử dụng ma túy như quán bar, vũ trường, quán karaoke; xử lý nghiêm những chủ quán, cơ sở cho phép khách vào sử dụng ma túy.

Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đặc biệt là giáo dục, quản lý trong gia đình và nhà trường.

Một trong những vấn đề “nhức nhối” không kém trong thời gian qua là “tín dụng đen”. Các đại biểu đưa ra nhiều trường hợp cụ thể về hậu quả của “tín dụng đen”. Đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của các quỹ tín dụng nhà nước trong việc cho người dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn; trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc hỗ trợ công nhân lao động vay vốn, tránh tình trạng công nhân lao động phải vay “tín dụng đen”.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm dự báo tình hình rất khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 trên thế giới hiện vẫn chưa được kiểm soát. Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đã đề ra, cả hệ thống chính trị cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cụ thể hóa các giải pháp bằng sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự nhất trí, đồng lòng cao từ phía cử tri. Từ đó, đưa nền kinh tế của tỉnh nhà tiếp tục phát triển, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Công Nghĩa - Hạnh Dung


Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà:

Quyết tâm đạt tăng trưởng GRDP từ 8-9%

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết, dù tình hình thế giới và dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của tỉnh nhưng Sở KH-ĐT tiếp tục tham mưu cho tỉnh quyết tâm phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt từ 8-9%. Mục tiêu của tỉnh phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà trình bày các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà trình bày các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020. Ảnh: Công Nghĩa

Ông Hà cho rằng, 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất khó khăn, do đó tỉnh đã xác định cần tập trung vào các giải pháp cụ thể. Trước tiên, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phấn đấu đạt tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2020 là 24,7 ngàn tỷ đồng. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh, phấn đấu giải ngân đạt 95% kế hoạch của năm.

Trong 6 tháng đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo chống dịch Covid-19 quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc” đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt như vậy nên tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,02%).

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 dự án quốc gia quan trọng là: dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Cả 2 dự án này đang được tỉnh quyết liệt tập trung thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Riêng dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành đến nay giải ngân được 1.788 tỷ đồng (đạt 10,5% kế hoạch). Ngày 20-4, tỉnh tổ chức khởi công xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Quyết tâm của tỉnh là phải hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch để khởi công dự án sân bay như cam kết với Thủ tướng Chính phủ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể tỉnh sẽ tổ chức các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ổn định sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Cùng với hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, cần phải có chính sách quan tâm, hỗ trợ trong thời gian dài, không để ai quá khổ, quá khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Cũng theo ông Hồ Văn Hà, tại hội nghị Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 30-5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020 đạt chỉ tiêu Trung ương giao. Do vậy, cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, ngành Thuế, ngành Hải quan và sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông Hà chia sẻ thêm, thời gian tới Sở KH-ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút và giải ngân nguồn vốn FDI. Hiện nay, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh là trên 30 tỷ USD, nhưng giải ngân đến nay đạt khoảng 20 tỷ USD. Như vậy, các doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa giải ngân nguồn vốn hơn 10 tỷ USD. Đây là một con số rất lớn, nếu được đưa vào nền kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh sẽ khuyến khích đầu tư, tiêu dùng nội địa, vực dậy ngành Du lịch, nhất là kích cầu du lịch nội địa bằng các sản phẩm, chương trình cụ thể.

Đặng Công


 

Tin xem nhiều