Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiểm tra, giám sát góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh

10:10, 15/10/2020

72 năm qua, các thế hệ cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngày càng xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân.

72 năm qua, các thế hệ cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngày càng xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của các cấp ủy trong tỉnh trong 9 tháng của năm 2020. Ảnh: P.Hằng
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của các cấp ủy trong tỉnh trong 9 tháng của năm 2020. Ảnh: P.Hằng

Tại Đồng Nai, tháng 1-1976 sau khi Đảng bộ tỉnh được thành lập, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời đã cử ra Ban kiểm tra lâm thời, gồm 3 thành viên ban đầu là những cán bộ từ chiến khu và quân đội chuyển ngành.

Đến nay qua 44 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban TVTU, hệ thống cơ quan ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp trong tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong từng thời kỳ.

* Bám sát nhiệm vụ trọng tâm từng thời kỳ

Đồng chí Huỳnh Thanh Bình, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy cho hay, những năm đầu sau khi đất nước thống nhất (1976-1979), công tác kiểm tra tập trung vào việc phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách của Chính phủ; có tư tưởng dao động, bị lôi kéo, không còn tư cách đảng viên theo tinh thần Chỉ thị 13-CT/TU của Tỉnh ủy (năm 1978). Giai đoạn 1979-1982, ngành chú trọng kiểm tra, xem xét tư cách đảng viên có biểu hiện sai lầm, gây cản trở cho công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Chỉ thị 83-CT/TW của Ban Bí thư. Thời kỳ 1983-1985, ngành tập trung kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên về thực hiện đợt sinh hoạt chính trị “tự phê bình và phê bình” theo Chỉ thị 79-CT/TW của Ban Bí thư với phương châm phát hiện ngăn ngừa những việc làm sai trái; xem xét, xử lý nghiêm những trường hợp cố ý làm trái nghị quyết và những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất nhằm củng cố, chỉnh đốn Đảng.

Theo lãnh đạo UBKT Tỉnh ủy, cán bộ làm công tác KTGS phải là những người có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, công tâm, khách quan; đồng thời phải là những người có tấm lòng “trị bệnh cứu người”. Do đó, luôn phải quan tâm củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra trung thực, thẳng thắn, công tâm, khách quan và có tính chuyên nghiệp cao, có dũng khí đấu tranh với mọi hành vi vi phạm.

Thời kỳ những năm 1991-1995, ngành tập trung kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, quy chế làm việc, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của đảng viên; đấu tranh ngăn chặn, bài trừ tham nhũng, buôn lậu theo Chỉ thị 04-CT/TU của Ban TVTU (năm 1992) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đến những năm 1996-2000, ngành tập trung kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) và tăng cường kiểm tra các lĩnh vực hoạt động của Đảng theo Chỉ thị 29-CT/TW của Bộ Chính trị.

Từ thời kỳ 2001-2005, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về đổi mới phương thức lãnh đạo trong công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng, UBKT các cấp đã tăng cường kiểm tra, xác định nội dung trọng tâm, lĩnh vực trọng điểm để kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên về công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện quy định những điều đảng viên không được làm theo Chỉ thị 14-CT/TU của Ban TVTU; kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Chỉ thị 17-CT/TU của Ban TVTU; kiểm tra, xem xét kỷ luật và xử lý nghiêm đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm nổi cộm qua phản ánh của dư luận và công luận.

* Phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy

Đặc biệt, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, từ năm 2016 đến nay, công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng. Mục tiêu của công tác KTGS mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường, đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác KTGS của Đảng một cách toàn diện và nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh”.

Thực hiện mục tiêu này, Ban chấp hành, Ban TVTU đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng và UBKT các cấp tăng cường thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ KTGS theo Điều lệ Đảng quy định, trong đó tập trung KTGS việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng; việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Tỉnh ủy trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, việc thực hiện quy chế làm việc, những vụ việc nổi cộm, bức xúc, nhất là các nội dung liên quan đến việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế làm việc, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trách, nhiệm nêu gương… Kịp thời ngăn chặn những biểu hiện suy thoái trong Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ. Kết quả từ năm 2016 đến nay, bình quân hằng năm có hơn 90% tổ chức cơ sở Đảng và hơn 93% đảng viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Trong công tác KTGS, mỗi năm Ban TVTU đã lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành kiểm tra định kỳ 2 đợt đối với 16 cấp ủy trực thuộc tỉnh về việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Đồng thời, đã KTGS chuyên đề 125 tổ chức Đảng và 72 cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý. UBKT các cấp thì tiến hành KTGS gần 3 ngàn tổ chức Đảng và đảng viên; trong đó tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 300 tổ chức Đảng và đảng viên, qua đó phát hiện 3 tổ chức Đảng có vi phạm, đã đề nghị thu hồi tổng số tiền gần 74 tỷ đồng.

Qua KTGS, UBKT Tỉnh ủy đã tham mưu Ban TVTU thi hành kỷ luật 1 ban thường vụ trực thuộc tỉnh và 10 đảng viên; phê bình rút kinh nghiệm 72 đảng viên; đề nghị Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ 1 đảng viên thuộc diện Tỉnh ủy quản lý. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đảng bộ tỉnh có 16 tổ chức Đảng và 1.695 đảng viên vi phạm bị thi hành kỷ luật; trong đó có một số trường hợp là cán bộ thuộc diện Trung ương và Tỉnh ủy quản lý.

Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Biên Hòa Trần Thị Mai Thảo bộc bạch: “Kiểm tra là một nghề “khó, khô và khổ” nhưng đầy tính nhân văn. KTGS không phải để “vạch lá tìm sâu” hoặc xử lý kỷ luật cho bằng được, mà mục đích chính là chỉ cho tổ chức Đảng và đảng viên thấy những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế của mình để dừng lại trước khi quá muộn hoặc đã vấp ngã rồi thì đứng lên, sửa sai”.

Tại hội nghị tổng kết công tác KTGS của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy nhận xét, công tác KTGS của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ qua được thực hiện toàn diện, đồng bộ, góp phần phục vụ việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, có lúc, có nơi chưa chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên. Sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của một số tổ chức Đảng còn hạn chế, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa tốt, ngại va chạm nên tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm chưa cao. Việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra còn bị động; phương pháp tiến hành kiểm tra có lúc chưa hiệu quả nên không phát hiện được nhiều vi phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên (kể cả đảng viên có chức vụ) thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không gương mẫu, dẫn đến vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đề nghị các cấp ủy cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt ở từng cấp về công tác KTGS và thi hành kỷ luật của Đảng. Phải xác định  KTGS là nội dung rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, là chức năng lãnh đạo, nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng, trước hết là nhiệm vụ của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, do cấp ủy trực tiếp tiến hành; là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ, của cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở, trong đó UBKT các cấp là nòng cốt. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ  KTGS.

Để làm tốt công tác KTGS, các tổ chức Đảng và cấp ủy các cấp cần tích cực phát huy sự tham gia của nhân dân vào công tác KTGS. Tăng cường tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu về vai trò của công tác KTGS của Đảng cũng như tầm quan trọng, trách nhiệm của nhân dân đối với công tác KTGS. Kết quả của công tác KTGS thời gian qua cho thấy, nhiều vụ việc, nhất là những vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí được phát hiện từ phản ảnh của quần chúng nhân dân.

Phương Hằng

Tin xem nhiều