Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nhà nông trẻ tiêu biểu

08:12, 10/12/2020

Tối nay 11-12, tại TP.Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCSHCM tổ chức lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV-2020 cho 56 đại biểu trong cả nước, trong đó tỉnh Đồng Nai có 2 đại biểu...

Tối nay 11-12, tại TP.Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCSHCM tổ chức lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV-2020. Trong số 56 đại biểu trong cả nước được tặng giải thưởng lần này, Đồng Nai có 2 đại biểu là anh Nguyễn Văn Hiếu (ngụ xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) và anh Ngô Chiến Thắng (ngụ xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ).

Anh Nguyễn Văn Hiếu (giữa) chia sẻ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đinh lăng Ảnh: Nga Sơn
Anh Nguyễn Văn Hiếu (giữa) chia sẻ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đinh lăng. Ảnh: Nga Sơn

* Thanh niên dám nghĩ, dám làm

Xuất thân trong gia đình có cha mẹ đều làm nông nghiệp. Bản thân anh Nguyễn Văn Hiếu từ nhỏ đã có niềm đam mê với nông nghiệp nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh đã chọn thi vào ngành Nông học Trường đại học Nông lâm TP.HCM. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp, anh Hiếu về làm cán bộ nông nghiệp tại xã Quang Trung. Anh Hiếu cho biết, ở xã Quang Trung khi ấy, ngành Nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Vì vậy, nhiệm vụ mà anh được phân công cũng khá nặng nề. Lúc ấy, giá các loại nông sản như: tiêu, điều xuống thấp; các loại trái cây khi vào mùa thì luôn phải chịu quy luật “được mùa mất giá”. Do đó, điều mà anh luôn trăn trở là tìm ra được một loại cây trồng có giá trị kinh tế, có đầu ra ổn định để thay thế cho một số cây trồng hiện tại.

Trong khoảng thời gian làm cán bộ nông nghiệp ở xã, anh Hiếu có cơ hội được đi tham quan, học tập tại Viện Cây ăn quả miền Nam, được tham gia các khóa tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi, có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp nên anh biết thêm về một số loại cây trồng mới có thể phục vụ cho quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Một lần đi tham quan, anh biết đến doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng từ cây đinh lăng đang có nhu cầu rất lớn loại cây này. Vì vậy, đầu năm 2017, anh Hiếu quyết định nghỉ làm ở xã để cùng với 3 người bạn của mình hùn vốn, công sức trồng thử nghiệm cây đinh lăng trên diện tích 1 ngàn m2. Nhận thấy đinh lăng là loại cây dễ trồng, lại có rất nhiều tác dụng như: rễ làm thuốc bổ, lá chữa cảm sốt, thân và cành chữa tê thấp, nhức mỏi… nên anh Hiếu mạnh dạn mở rộng diện tích gấp 8 lần lúc thử nghiệm. Đồng thời, anh cũng liên hệ với doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng từ cây đinh lăng và ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu.

Tháng 12-2017, anh Hiếu quyết định thành lập HTX Thương mại dịch vụ sản xuất (TMDVSX) nông nghiệp Thuận Thiên. Anh Hiếu chia sẻ, nếu như trước đây khi chưa thành lập HTX, khó khăn chỉ dừng lại ở vốn, kỹ thuật chăm sóc cây thì sau khi thành lập, anh gặp nhiều khó khăn hơn. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX TMDVSX nông nghiệp Thuận Thiên, ngoài việc phải tìm hiểu Luật HTX để điều hành HTX hoạt động đúng luật, đảm bảo nguồn vốn, anh phải có trách nhiệm trong quản lý, điều hành, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm… Sau 3 năm điều hành HTX, anh Hiếu đã đem lại thành quả nhất định.

Trong đó, HTX TMDVSX nông nghiệp Thuận Thiên đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây đinh lăng với doanh nghiệp trong thời gian 15 năm, vận động người dân trồng xen cây đinh lăng trong vườn cây ăn trái để tăng thu nhập (bình quân khoảng 100 triệu đồng/ha/năm). Đặc biệt, để cung cấp nguồn cây giống tại chỗ, anh Hiếu và các thành viên trong HTX sản xuất giống trên diện tích khoảng 3 ngàn m2 cung cấp 500 ngàn cây giống/năm. Không chỉ đảm bảo đầu ra ổn định cho cây đinh lăng, những năm gần đây, anh Hiếu còn triển khai các hộ trồng gần 10ha rau, củ, quả các loại theo hướng an toàn và tiêu thụ tại TP.HCM, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động tại địa phương…

* Luôn tìm tòi, sáng tạo trong lao động

24 tuổi, anh Ngô Chiến Thắng (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) đã làm chủ Cơ sở Nuôi trồng thủy sản Trường Sơn trên cơ sở kế thừa từ gia đình. Ngoài duy trì mô hình nuôi các loại cá giống, cá thịt mà cha mẹ gầy dựng với mức thu nhập bình quân khoảng 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, anh Thắng còn tìm tòi, nghiên cứu và mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt, sản xuất lươn giống để có thêm thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.

Anh Ngô Chiến Thắng kiểm tra lươn giống. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Ngô Chiến Thắng kiểm tra lươn giống. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời điểm mới tiếp nhận cơ sở của gia đình, lươn đang là loại thực phẩm được thị trường ưa chuộng. Khu vực nuôi cá của gia đình anh lại có lợi thế nước đầu nguồn sạch rất phù hợp. Từ đó, anh Thắng đọc thêm sách vở, lên mạng tham khảo các bài viết về nuôi lươn và tìm đến các mô hình nuôi lươn ở các tỉnh miền Tây để học tập. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy so với nuôi lươn theo kiểu truyền thống, nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt không đòi hỏi diện tích rộng, có thể tận dụng các chuồng trại chăn nuôi, chủ động theo dõi, quản lý, chăm sóc… và đặc biệt là đầu ra của lươn thành phẩm khá ổn định. Vì vậy, anh Thắng quyết định thử sức với mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt.

Theo anh Thắng, trước đây gia đình anh ngoài nuôi cá còn nuôi heo, nhưng thời điểm ấy giá heo bấp bênh. Vì vậy, anh đã mạnh dạn dẹp bỏ chăn nuôi heo, cải tạo chuồng nuôi heo thành những bể nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt, lắp đặt hệ thống bơm, hút nước và tiến hành nuôi thử nghiệm hơn 10 ngàn con lươn loại 300 con/kg. Sau 8 tháng, lứa lươn đầu tiên xuất bán, sau khi trừ chi phí anh có được 30-50% tiền lời. Thành công sau lần thử nghiệm, anh Thắng mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích nuôi lươn, đầu tư thêm trang thiết bị máy móc nhằm giảm sức lao động của con người trong quá trình nuôi. Đến nay, trại nuôi lươn không bùn của anh có 20 bể nuôi với diện tích gần 600m2.

Anh Thắng cho biết, ngoài việc dùng máy móc xử lý nước luôn sạch, để phòng bệnh cho lươn, định kỳ 2 tuần/lần anh trộn tỏi xay nhuyễn vào thức ăn cho lươn ăn liên tục trong vòng 5 ngày; 1 tháng tiến hành xổ giun 3 ngày liên tục cho lươn; đồng thời một tháng cho ăn trùn quế một lần để tăng hiệu quả phòng bệnh. Với phương pháp này, anh Thắng không cần sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào trong quá trình nuôi mà vẫn đảm bảo lươn khỏe mạnh và tỷ lệ sống đạt tới 95%.

Bên cạnh nuôi lươn thành phẩm, nhận thấy nhu cầu lươn giống ngày càng tăng cao, từ năm 2017, anh Thắng tìm tòi, nghiên cứu sản xuất lươn giống. Anh Thắng chia sẻ, thời điểm ấy không có tài liệu nào hướng dẫn sản xuất lươn giống một cách cụ thể. Để có kiến thức cơ bản về sản xuất giống, anh tìm đọc tất cả các tài liệu về sản xuất giống thủy sản. Khi có được kiến thức và quy trình về sản xuất giống cơ bản, anh thử nghiệm sản xuất giống lươn.

Đến nay, anh Thắng đã đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc để kiểm soát nhiệt độ nước, tăng oxy để trứng lươn ít bị ung, diệt khuẩn nước, xử lý chất thải của lươn để đảm bảo nguồn nước luôn sạch… Nhờ đó, anh đã tiến hành nuôi được 100 khay lươn giống. Điều đặc biệt, các loại cá giống, lươn giống đều được anh bán cho khách chủ yếu thông qua mạng xã hội.

Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng cao quý của Ban chấp hành Trung ương Đoàn trao tặng hằng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương và đơn vị.

Nga Sơn

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích