Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

03:01, 25/01/2021

Hôm nay 25-1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chính thức diễn ra. Đại hội sẽ tập trung thảo luận, đóng góp nhiều vấn đề, trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội...

Hôm nay 25-1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chính thức được diễn ra. Đại hội sẽ tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề, trong đó có việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020.

Lễ khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào ngày 5-1-2021
Lễ khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào ngày 5-1-2021. Ảnh:H. Anh

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Đồng Nai cũng như cả nước đã chung sức, đồng lòng, huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

* Quan tâm phát triển các thành phần kinh tế

Với vị thế là tỉnh công nghiệp nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, 10 năm qua các cấp ủy, chính quyền ở Đồng Nai đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và không ngừng phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các thành phần kinh tế đều có sự phát triển.

PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã tạo những bước tiến quan trọng cả về nhận thức lý luận và tổ chức thực hiện, khẳng định những giá trị to lớn của Cương lĩnh. Cương lĩnh tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận của Đảng dẫn dắt dân tộc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Kết quả, giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ở mức 12%/năm; giai đoạn 2015-2020, bình quân mỗi năm tăng 7,43%. Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, mức tăng trưởng ở giai đoạn 5 năm qua tuy đạt thấp so với mục tiêu của Tỉnh ủy đề ra nhưng trong bối cảnh năm cuối của nhiệm kỳ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thì mức tăng này vẫn cao so với bình quân chung cả nước. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người ở Đồng Nai khá cao, đến năm 2020 đạt 115 triệu đồng/người/năm (tương đương khoảng 4.952 USD, gấp 1,7 lần so với bình quân chung cả nước).

TS Đặng Kim Sơn, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận xét, Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đã trở thành tỉnh công nghiệp hóa điển hình cho vùng Đông Nam bộ. Hiện tại, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ của tỉnh chiếm 91,7% trong GRDP, cao nhất cả nước, là mô hình cho nhiều địa phương nghiên cứu, học tập.

Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh đã gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên môi trường. Với chủ trương không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế, từ nhiều năm qua Đồng Nai đã thực hiện sàng lọc trong thu hút đầu tư, tập trung thu hút những ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Hiện nay, tất cả 31 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách.

Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp nhưng Đồng Nai đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, Đồng Nai đã vinh dự là một trong hai tỉnh đầu tiên cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh có 53/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều vùng nông thôn giờ đã trở thành những vùng quê đáng sống.

Cùng với việc thực hiện phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, Đồng Nai đã thực hiện hiệu quả các giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa vùng đất và con người Đồng Nai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện, trở thành nền tảng vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển, đúng như mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Đồng thời, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, chăm lo các gia đình chính sách, hộ nghèo… Hiện nay, đời sống các gia đình chính sách trong tỉnh đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống các hộ dân trong vùng nên không còn hộ nghèo.

* Khát vọng vươn lên

Để tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong những năm qua, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ Đồng Nai trong 5 năm tới có trách nhiệm lãnh đạo bảo đảm sự phát triển toàn diện của tỉnh, thực hiện khát vọng trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của cả nước. Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, quan tâm bảo vệ môi trường; gắn chặt phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ phải được tiến hành đồng bộ với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đoàn kết thống nhất trên dưới một lòng, thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương trong công tác và đời sống xã hội.

Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh cũng nêu rõ phương hướng phát triển của tỉnh 5 năm tới. Đó là tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản; ưu tiên phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở hình thành các khu (tổ hợp) công - nông nghiệp - dịch vụ ở các địa phương có điều kiện tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ở từng địa bàn. Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, đổi mới sáng tạo hiệu quả. Chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp, giải pháp hiệu quả để thích ứng, phục hồi và phát triển sản xuất sau đại dịch Covid-19.

 Quan tâm đầu tư phát triển đối với các địa phương có tiềm năng và lợi thế; trong đó xác định H.Long Thành và H.Nhơn Trạch là hai địa phương có tiềm năng và dư địa lớn cần cơ chế, chính sách đầu tư thỏa đáng; đồng thời xác định các trục tuyến để phát triển và đầu tư phát triển đối với các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.

Chuẩn bị các nguồn lực để khai thác tốt lợi thế khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đưa vào khai thác. Xác định đây là vùng động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ logistics và dịch vụ bất động sản.

Phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, phát huy phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển các mô hình kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chú ý phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao công tác Dân vận, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và sáng tạo, đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ tới cũng như các giai đoạn tiếp theo, mục đích cuối cùng là hướng tới chăm lo đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, vì nhân dân phục vụ. Do đó, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, các tổ chức Đảng từ tỉnh đến chi bộ cần nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nghị quyết đại hội; khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI vào cuộc sống. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội.

Phương Hằng

Tin xem nhiều